Thứ Ba, 9 tháng 3, 2010

Trial by media

Nhân vụ việc của Kim Anh, mình chợt nhớ một vụ án của Ấn Độ mình đọc cách đây không lâu.

Vụ mưu sát Jessica Lall.

Đại khái thế này. Jessica Lall là 1 người mẫu khá nổi tiếng của Ấn Độ. Vào tháng 4 năm 1999, người ta tìm thấy cô bị sát hại tại 1 quầy bar ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ.

Người ta tìm thấy 2 viên đạn ở hiện trường và 1 số nhân chứng phục kích, thề rằng họ thấy hung thủ là Manu Sharma, con của một chính trị gia nổi tiếng của Ấn Độ lúc bấy giờ.

Ngay lập tức, vụ việc được dư luận Ấn Độ rất quan tâm. Báo chí ngày đêm đưa tin về vụ việc này, thậm chí người ta còn lập cả những phiên tòa giả để kết án Manu Sharma. Trong lúc này, cảnh sát vẫn tiếp tục điều tra.

Ngày phiên tòa sơ thẩm diễn ra, luật sư của Manu là Nassem đã làm một động tác vô tiền khoáng hậu. Ông yêu cầu hội đồng xét xử bác bỏ hết mọi lời buộc tội của phía công tố vì ông cho rằng thân chủ của mình đã phải chịu một "phiên tòa báo chí" trước khi ra trước tòa án thật, điều này khiến cho trong lòng người dân Ấn Độ vô hình đã kết án Manu trước khi phiên tòa diễn ra. Từ đó, ông nghi ngờ sự vô tư khách quan của các thẩm phán xét xử vụ việc nhạy cảm này. Đương nhiên, yêu cầu của Nassem không được chấp nhận, nhưng nó đã khiến hội đồng xét xử nhát tay hơn.

Bên cạnh đó, hàng loạt nhân chứng chỉ điểm của phía công tố đột nhiên đổi khẩu cung theo hướng có lợi cho Manu tại phiên tòa, khiến cho một số lượng lớn nhân chứng chỉ điểm chuyển thành nhân chứng địch ý [hostile].

Cuối cùng, với sự thiếu hụt bằng chứng và dựa theo nguyên tắc suy đoán vô tội, Tòa cấp sơ thẩm đã quyết định tuyên Manu trắng án.

Điều này lại một lần nữa khiến cho dư luận Ấn Độ lên tiếng. Các tờ báo lại mở cả một cuộc thánh chiến mà họ gọi là "đi tìm công lý đã mất" để chống lại Manu và bố của ông ta. Thậm chí, một đài truyền hình đã làm cả một phóng sự về hành vi "đưa hối lộ nhân chứng của gia đình Manu" dựa trên những hình ảnh và phỏng đoán mơ hồ.

Cuối cùng, trước áp lực của công luận, phía công tố đã gửi kháng nghị lên cho tòa phúc thẩm.

Tòa phúc thẩm đã tuyên án chung thân đối với Manu nhưng bằng chứng kết tội của tòa phúc thẩm lại rất mơ hồ và mập mờ, dựa nhiều vào lời chứng của một nhân viên quầy bar cho dù anh này không thể mô tả chính xác được gương mặt kẻ thủ ác đêm đó, chỉ biết là hung thủ mặc áo "sáng màu", trùng với màu của áo Manu mặc đêm đó.

Luật sư của Nassem đã kịch liệt phản đối phán quyết này, vì cho rằng nó đã đi ngược với những nguyên tắc pháp quyền thông thường và chịu sự chi phối quá sâu của các bên không tham gia tố tụng.

Còn báo chí thì rất hả hê với sự kiện này. Họ coi đó là chiến thắng của "công luận và sức mạnh nhân dân trước bất công", rằng "kể cả những kẻ có thế lực nhất cũng phải đứng dưới pháp luật".

Nhưng vụ án này sẽ mãi mãi đi vào lịch sử Ấn Độ như một vụ án tai tiếng nhất mà ở đó quyết định của tòa án không phải dựa trên sự vô tư khách quan mà một phần nào đó có sự chi phối của công luận.

Vụ án Kim Anh ngày hôm nay đã dần dần mang dáng dấp như thế, nhưng theo hướng công luận thông cảm cho hung thủ hơn.

Tham khảo: Murder of Jessica Lall - Wikipedia, the free encyclopedia

Lê Nguyễn Duy Hậu
[25 tháng 2 năm 2009]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét