Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2010

Trường Luật trong mắt tôi


Chào các bạn,

Dạo gần đây, tôi thường nhận được một số thắc mắc của các bạn học sinh cuối cấp về việc tuyển sinh và học tập ở trường Luật, cụ thể là Đại học Luật TPHCM. Khi trao đổi, tôi nhận thấy các bạn có một cái nhìn hơi thiếu chính xác về tổ chức và hoạt động của trường luật, về việc học luật, các khoa và cả việc vai trò của người làm trong ngành tư pháp. Điều này cũng rất dễ hiểu, tôi đã từng có những cái nhìn không chính xác đó khi tôi mới lựa chọn việc học luật. Vì thế, với kinh nghiệm của một người đi trước, tôi muốn có một vài chia sẻ cho các bạn học sinh và những ai quan tâm đến trường luật một chút hiểu biết của tôi về các vấn đề nói trên.


1. Trường Luật:

Cần phải nói thêm là trường Luật ở Việt Nam được tổ chức giống với hệ thống đào tào luật ở đa số các nước trên thế giới, đó là hệ đào tạo cử nhân. Ở một số nước khác, chẳng hạn như Mỹ, để học Luật, bạn ít nhất phải có trong tay một tấm bằng cử nhân thì người ta mới nghĩ tới việc xét tuyển bạn vào học. Vì vậy không bất ngờ khi rất nhiều thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường Luật là những người đã có cả bằng PhD (tiến sĩ) về một lĩnh vực khác. Do đó, tính cạnh tranh của tuyển sinh Luật ở Mỹ là cao hơn nhất nhì thế giới, và để có được tấm bằng cử nhân luật Mỹ (Juris Doctor – J.D) ta cần ít nhất 7 năm. Rất may, cậu chuyện đó chỉ xảy ra ở Mỹ. Việt Nam chúng ta tổ chức theo mô hình Anh – Pháp, nhận đào tạo cử nhân ngay khi thí sinh vừa kết thúc chương trình trung học phổ thông.

Nếu lấy trường Đại học Luật TPHCM làm ví dụ thì có thể nói quy mô của trường Luật Việt Nam không xứng đáng được gọi là Đại học (University). Bởi lẽ, ngay ở nước ngoài, Luật chỉ là một faculty (khoa), hay một school (trường), hay cao lắm là college trực thuộc một university lớn đào tạo cả chục ngành. Ở Việt Nam dùng university cho Luật có lẽ là không thích hợp.

Trường Luật của Việt Nam thường được chia thành nhiều khoa phù hợp với tên gọi của môn học trung tâm như Khoa Luật Hành chính – Hiến pháp, Khoa Luật Dân sự, Khoa Luật Quốc tế… Tương ứng với tên khoa, tên các lớp đào tạo cũng đặt tương tự như HC31B nghĩa là lớp chuyên ngành luật Hành chính – Hiến pháp, khóa 31, học buổi chiều. Chính cách chia lớp này cũng khiến cho nhiều thí sinh vào trường Luật có cái nhìn thiếu chính xác về chức năng đào tạo của một lớp, dẫn đến tình trạng các thí sinh tập trung quá đông vào một khoa, khiến cho điểm chuẩn có phần chênh lệch một cách vô lý (điển hình là khoa Thương mại luôn lấy điểm cao nhất). Tôi sẽ nói với các bạn thí sinh rằng, về cơ bản, việc chia lớp này chẳng qua là để dễ quản lý, HC31B nên được hiểu là lớp Luật khóa 31 học buổi chiều này thuộc quyền quản lý của khoa Hành chính. Có nhiều thí sinh yêu thích Luật doanh nghiệp, sợ rằng nếu không vào khoa Luật Thương Mại thì sẽ không được học môn này, hay được học nhưng qua loa, sơ sài. Tôi khẳng định là không có chuyện đó. Bản thân tôi là sinh viên khoa Quốc tế nhưng vẫn phải học tất cả các môn Dân sự, Hình sự, Hợp đồng, Hiến pháp, Hành chính, Doanh nghiệp thậm chí cả Hôn nhân gia đình. Việc bạn vào khoa Luật Thương mại hay khoa Luật Quốc tế thì chất lượng bạn được đào tạo cũng ngang nhau, số môn bắt buộc cũng ngang nhau, bạn cũng phải học tất cả các luật như các lớp khác và khi ra trường sẽ không có khái niệm “Cử nhân Luật chuyên ngành Quốc tế” mà sẽ chỉ là “Cử nhân Luật” (Bachelor of Law). Cho nên, nếu các bạn thấy sợ hãi khi điểm chuẩn của khoa Thương mại quá cao thì cũng đừng vội bỏ cuộc, cứ thi vào khoa khác, miễn là bạn thích thú và say mê Luật Doanh nghiệp, bạn sẽ giỏi nó. Bản thân tôi học khoa Quốc tế nhưng tôi chẳng thích tí nào môn học Công pháp Quốc tế của khoa này, tôi say mê nghiên cứu Hiến pháp và Luật dân sự hơn.

Hơn nữa, quy chế tuyển sinh của trường Luật rất thoáng. Nếu bạn thi vào khoa Thương mại điểm chuẩn là 20, điểm chuẩn chung của các khoa khác là 18, thì nếu bạn chỉ được 19 điểm không có nghĩa là bạn đã rớt đại học, bạn sẽ được chuyển vào học một trong các khoa còn lại. Yên tâm là ước mơ học Luật Doanh nghiệp của bạn không bị vùi dập vì điều này.


2. Học Luật:

Đa số những người gặp tôi và biết tôi học Luật đều suýt xoa bảo: “Cậu giỏi thật, bằng ấy Luật cả ngàn trang mà nhớ hết”, “chắc trí nhớ của cậu phải thuộc loại vô địch”. Tôi sẽ “đập tan” ngay tức khắc “huyền thoại về trí nhớ siêu việt của sinh viên Luật”. Không có chuyện sinh viên Luật phải gù lưng ra gạo các điều Luật viết thế nào, khoản này khoản nọ ra sao để rồi khi làm bài thi chỉ cần viết ra như khi xưa ta học thơ. Cũng không có chuyện các luật sư vào tòa là không được lật luật và phải ráng nhớ điều mà cãi đúng cho thân chủ. Hiện nay luật Việt Nam chưa có quy định cấm người ta mang văn bản luật vào pháp đình, nếu một ngày nào đó có quy định thế thật thì tôi sẽ là người đầu tiên bỏ nghề.

Việc học các điều Luật chỉ là một phần trong quá trình học Luật. Nếu bạn không thể nhớ nỗi Luật nói gì thì hãy yên tâm, đi thi người ta sẽ cho bạn mang bộ luật vào, lúc đó thì chỉ việc ngồi lật và giải bài. Học Luật cũng như học tất cả các môn khoa học khác, đó là học cách nghiên cứu, học cách ứng dụng, nhưng đối với Luật hơn hết là học “tinh thần của Luật pháp”. Nếu chỉ cần nhớ hết Luật nói gì mà trở thành luật sư giỏi, thẩm phán tài thì tôi nghĩ lớp 11 đã có thể đi xử án được rồi. Cái quan trọng là hiểu được “tinh thần của Luật pháp”. Ẩn sau một quy định về “quyền sở hữu” là cái gì, chúng ta phải hiểu nó, tại sao lại phải quy định như thế, trường hợp này thì có nên áp dụng luật đó hay không? Đó là những câu hỏi liên quan đến “tinh thần của Luật pháp”. Thuật ngữ nghe có vẻ cao siêu vậy thôi nhưng bạn đừng vội hốt hoảng, bạn không biết thì người ta sẽ dạy cho bạn. Hơn nữa, tôi nghĩ luật pháp đi từ cuộc sống mà ra để điều chỉnh lại quan hệ cuộc sống, cho nên nếu bạn thực sự hiểu được trong cuộc sống này cư xử thế nào cho phải đạo làm người thì bạn sẽ nhanh chóng hiểu “tinh thần của Luật pháp”. Xã hội ghi nhận giết người đền mạng thì Luật hình sự tuyên tử hình kẻ sát nhân, xã hội cho rằng tiền trao cháo múc thì Luật hợp đồng công nhận thỏa thuận khi hai bên trao đổi hàng hóa hay tiền tệ… Nếu học kĩ, bạn sẽ thấy Luật gần gũi với cuộc sống và sẽ rất hứng thú với nó.

Nhưng cũng có một điều tôi phải cảnh báo trước cho các bạn, đó là cách nghĩ của một người học Luật cần phải khác so với người bình thường. Nhiều hành vi thoạt nhìn có thể sẽ thấy không khác nhau, nhưng quan điểm của Luật thì cho rằng nó khác nhau. Đơn cử ví dụ về các tội hiếp dâm. Nếu một người dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực để “cưỡng hiếp” người khác thì ta hay gọi đó là “hiếp dâm”. Nhưng theo quan điểm của luật thì nếu người bị cưỡng hiếp đó là trẻ em dưới 16 tuổi thì sẽ bị quy vào tội “hiếp dâm trẻ em” với mức hình phạt cao hơn tội “hiếp dâm” bình thường. Nếu việc cưỡng hiếp này được thực hiện bằng cách gây sức ép bắt đối phương phải lệ thuộc mà tự động “dâng hiến” thì đó lại là tội “cưỡng dâm”. Thực ra điều này cũng hợp lý, trẻ em là đối tượng cần phải đặc biệt bảo vệ và kẻ thực hiện hành vi đồi bại với trẻ em thì quá bệnh hoạn để có thể được xét xử cùng một tội danh như những kẻ ít bệnh hoạn hơn một chút. Tương tự, nếu như hành vi quấy rối tình dục ta nghĩ cần phải bị phạt tù thì trái lại không có một tội danh nào liên quan đến vấn đề này, tùy mức độ quấy rối mà Tòa sẽ xem xét có nên trừng phạt kẻ đó dựa trên việc giải thích, áp dụng các điều về hiếp dâm. Như vậy, có những cái xã hội chung chung thì luật đi vào chi tiết, có những cái xã hội chi tiết thì luật chung chung. Cái gì cũng có lý do của nó, tôi dành phần thú vị nhất này cho những ai muốn dấn thân vào ngành tư pháp.

Một điều nữa về việc học Luật đó là trường Luật có xu hướng giản lược hóa các vấn đề để tìm ra những nguyên nhân chính, thường chỉ trong một câu. Ví dụ: ông A và ông B tranh chấp nhau một con chim sơn ca quý màu đỏ có khả năng hót và nói tiếng người được ông A mua trên núi Phú Sĩ trong một chuyến đi Nhật Bản công tác với cơ quan… Mọi người thường có khuynh hướng đọc hết và liệt kê tất cả các chi tiết có thể. Còn đối với người học luật thì chỉ ghi 2 dòng: “A và B tranh chấp con chim”, “A mua”, Hết. Người học luật không cần quan tâm chim loại gì, màu gì, nó có nói được tiếng người hay sủa được tiếng chó không, càng không cần quan tâm nó được bắt ở đâu, trong hoàn cảnh nào… Vì với hai chi tiết ở trên, người học luật đủ sức giải quyết vụ án: chim là một loại tài sản, A mua con chim xem như đã xác lập quyền sở hữu. Vậy con chim thuộc về A. Để khái quát vấn đề, tôi xin trích dẫn câu nói của Edmund Bruke:

“Law school sharpens your mind by narrowing it”
(Trường luật mài bén tư duy của bạn bằng cách thu hẹp nó lại)

Cuối cùng, cần phải xác định rõ với các bạn là Luật ở Việt Nam không có rất nhiều khái niệm mà phim Hong Kong hay truyện tranh Nhật hay nhắc đến. Ví dụ, hiện nay chưa có luật cho phép luật sư đứng lên “Phản đối” khi đối phương đang trình bày như ta theo dõi trên phim Hong Kong(1), hay chế định “bồi thẩm đoàn” (jury) cũng chưa được áp dụng ở Việt Nam, chúng ta theo hệ thống xử án khác họ, ít nhất là cho đến bây giờ, Việt Nam đang nghiên cứu mô hình này nhưng đó là chuyện tương lai. Việt Nam cũng không có các khái niệm “mưu sát” (murder), “ngộ sát”, “cố sát” (manslaughter) như nước ngoài. Mỹ có, Anh có, Hong Kong, Nhật Bản có, nhưng đó là chuyện của người ta, Việt Nam chỉ có “giết người” và “vô ý làm chết người”. Vì thế, những bạn nào vào trường Luật vì mê hình ảnh một luật sư đội tóc giả oai phong lẫm liệt hô “phản đối, đây không phải là mưu sát mà chỉ là ngộ sát, đề nghị bồi thẩm đoàn xem xét” thì tôi nghĩ nên xem lại lý do vào trường Luật.


3. Nghề luật sư:

Đa số các bạn khi tôi hỏi ra trường định làm nghề gì thì thường trả lời chung chung là em thích làm luật sư, em thích làm công tố viên, em thích làm “quan tòa”, cá biệt có vài bạn mơ làm hải quan. Đúng, tất cả những nghề trên các bạn đều làm được nếu có bằng luật, với bằng luật trong tay, nó tạo cho các bạn rất nhiều cơ hội việc làm. Ở đây tôi chỉ muốn đi sâu vào nghề luật sư.

Nghề luật sư (lawyer hay attorney-at-law) là cách gọi chung của rất nhiều loại luật sư. Bạn xác định bạn là một lawyer, nhưng bạn phải xem xem mình là lawyer loại này. Tôi sẽ đưa cho bạn vài ví dụ: Nếu các bạn chỉ mong làm một lawyer chuyên về giấy tờ, tư vấn mà không ra tranh tụng ở tòa thì bạn đã trở thành một Luật sư sự vụ (solicitor). Loại luật sư này kiếm rất nhiều tiền thông qua việc lo hồ sơ cho các vụ án hay các doanh nghiệp muốn làm ăn, nhưng theo luật của Anh thì solicitor bị hạn chế trong việc tham gia tranh tụng trong tòa (litigation). Nếu các bạn muốn tham gia tranh tụng ở tòa, hùng hồn như một luật sư đích thực trên phim Hong Kong, theo đuổi một vụ án suốt vài năm, đi tìm nhân chứng và thuyết phục nhân chứng đủ kiểu như chàng Hyun-Woo trong Chuyện tình Harvard thì bạn đang trở thành một Luật sư tranh tụng (barrister hay litigator). Loại luật sư này ở nước ngoài kiếm rất nhiều tiền thông qua việc tham gia tranh tụng, một vụ phạt vi cảnh như lái xe vượt tốc (speeding) ở Mỹ nếu mời luật sư sẽ phải trả 450 USD, còn nếu theo đuổi một vụ lớn thì con số hàng triệu dollar là không quá khó khăn. Như vậy, về cơ bản chúng ta có hai loại luật sư là solicitor và barrister, chọn cái nào là quyết định của bạn. Ở Việt Nam hiện nay ranh giới giữa solicitor và barrister là không rõ ràng. Các văn phòng luật sư (law office) hay các hãng luật (law firm) thường kiêm luôn các chức năng giấy tờ, tư vấn hay tranh tụng.

Nếu xét theo khía cạnh chuyên ngành thì ta còn có hàng trăm loại luật sư. Có loại luật sư chuyên về thuế (tax lawyer), loại luật sư chuyên về hôn nhân gia đình (marriage lawyer), loại luật sư chuyên về hình sự (criminal lawyer)… điều này phù hợp với thực tế là “kiến thức là biển cả mênh mông mà đầu óc con người chỉ là lon coca nhỏ bé”, việc chuyên môn hóa kể trên là không bắt buộc nhưng nó giúp ích cho luật sư trong việc chọn lựa một mảng sở trường nào đó, luật sư thuế nếu hứng chí lên có thể cãi một vụ hình sự ngon lành như thường.

Hiện nay, xuất hiện khái niệm in-house lawyer (luật sư công ty), nhiều bạn muốn làm nghề này nhưng liệu họ có biết luật sư công ty làm gì không? In-house lawyer là một luật sư riêng cho một công ty, nằm trong biên chế một công ty và hưởng lương bình thường như một nhân viên trong công ty, sáng cũng cắp sách đến công ty và chiều thì về. Luật sư công ty chỉ lo các sự vụ trong công ty như lo soạn thảo hợp đồng (thường là theo mẫu), giải quyết các vấn đề hành chính như sa thải, làm hợp đồng tuyển dụng, thỉnh thoảng thì đại diện cho công ty trong các tranh chấp nhưng xu hướng là các công ty thường thuê luật sư ngoài để giải quyết các vụ việc có quy mô lớn vì dù sao “bụt nhà không thiêng”. Như vậy, có vẻ như một in-house lawyer có cuộc sống khá an nhàn, không máu lửa như các luật sư khác. Tất nhiên là không phải tất cả các in-house lawyer đều có thể hưởng phúc, chẳng may rơi vào một công ty keo kiệt nhưng thích kiện tụng thì quả là bạn phải tốn không ít chất xám.

Vậy luật sư có nhiệm vụ gì?

Nhãn tiền nhất, luật sư là những người tham gia tranh tụng ở tòa. Nhưng đó không phải là nhiệm vụ duy nhất của người luật sư. Luật sư ngày nay phần nhiều tham gia vào các hoạt động ngoài tòa như tư vấn, tham gia hoạt động hòa giải và có khi còn làm nhiệm vụ lobby. Có thể nói, trí tuệ của luật sư ngày càng được đặt xa khỏi tòa án, một luật sư giờ đây không chỉ là một người am hiểu luật pháp mà còn phải am hiểu cả về kinh tế, chính trị và xã hội. Sẽ không ai nhờ bạn chỉ để soạn một hợp đồng có sẵn, mà bạn phải tư vấn xem nên đưa vào đó điều khoản gì, dùng loại hình nào là hợp lý hay làm cách nào để thuyết phục được đối tác chấp nhận đề xuất của thân chủ bạn. Những hoạt động đó có khi không liên quan đến pháp luật nhưng luật sư đôi khi cũng phải làm. Xin bạn đừng hốt hoảng, các luật sư mất không dưới 5 – 10 năm để trở nên như vậy, không ai sinh ra là có tố chất như thế, tất cả là nhờ sự cố gắng và đam mê.

Vậy thì làm sao để là một luật sư giỏi?

Bản thân tôi chưa phải là một luật sư đúng nghĩa nên những điều chia sẻ dưới đây chỉ là quan điểm cá nhân. Theo tôi, muốn làm một luật sư giỏi ngoài chuyên môn – tức là hiểu biết pháp luật, còn phải có một khả năng ngôn ngữ tương đối tốt. Ngôn ngữ ở đây là cả ngoại ngữ và tiếng mẹ đẻ. Đừng coi thường vai trò của ngoại ngữ trong luật, dù là bạn chỉ tham gia luật Việt Nam, tương lai sẽ có rất nhiều các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, và ngoại ngữ tôi đề nghị các bạn học tập trung là tiếng Anh. 99% các giao dịch sẽ được diễn giải bằng tiếng Anh. Và bởi vì Luật sư không phải là cứ ra tòa vào tòa mà còn phải tham gia vào những đàm phán hòa giải ngoài tòa nên việc giao tiếp bằng ngoại ngữ là tối quan trọng. Cho nên, tôi muốn nói với các bạn, học ngoại ngữ từ bây giờ, không trễ đâu.

Có một điều tôi rất trăn trở, và tôi muốn chia sẻ ngay với các bạn. Theo những gì tôi quan sát thì có vẻ như nhiều luật sư, thậm chí thẩm phán của chúng ta đang ngày càng thực dụng hóa mọi thứ, họ tập trung vào chuyên ngành của họ và quên đi ý nghĩa thực sự “luật pháp là gì?”. Tôi rất mong đó là những quan sát sai. Nhưng nếu nó đúng thì quả là chúng ta đang tạo nên một tầng lớp “người đi cãi” và “người xử án” chứ không phải là các luật sư hay thẩm phán đúng nghĩa.

Bản thân tôi cho rằng, luật sư không chỉ là một cái nghề, nó là một cái Đạo. Luật sư từ khi mới ra đời được gán cho một nhiệm vụ bảo vệ công lý và lẽ phải, anh muốn đạt được điều đó, anh phải thực sự là một người vì công lý và lẽ phải. Đó là một cái Đạo mà người luật sư theo đuổi cả đời. Nếu như nghề thuốc là để cứu người khỏi bàn tay của thế lực tự nhiên, thì nghề luật là để bảo vệ con người trước những thế lực hiện hữu mang trong mình sức mạnh vật chất to lớn. Vũ khí của bác sĩ là y đức thì vũ khí của luật sư là lẽ phải. Thế nhưng, liệu ngày hôm nay còn bao nhiêu luật sư tâm niệm điều này? Kiếm tiền có vẻ như đang là phương châm sống của những người làm nghề đi cãi đó. Tôi không phê phán việc kiếm tiền, nhưng nếu như chỉ xem việc làm luật sư là một loại hình dịch vụ để kiếm tiền thì quả thực chúng ta đang đi trái với quan điểm của một luật sư đích thực. Không ngạc nhiên khi một tác giả người Mỹ đã phải thốt lên rằng:

“Chúng ta biết nói làm sao đây khi đã tạo ra hàng triệu luật sư, thẩm phán mang trong mình quyền năng to lớn là bảo vệ lẽ phải lại không thể rũ bỏ được lòng tham. Chúng ta biết nói làm sao đây khi tòa án, luật sư đoàn hay các trường luật một thời là trụ đỡ của nền dân chủ của ta đang mai một dần đi vì đồng tiền…”

Tôi nêu vấn đề này ra để mong mọi người cùng suy ngẫm và tìm được một hướng đi đúng đắn nhất. Nếu quả thực đây là xu thế chung của tương lai thì có lẽ tôi đã sai rồi.

Tôi đang đọc một cuốn sách tựa đề Hagakure của Yamamoto Tsunetomo viết về cái gọi là Bushido, hay Võ sĩ đạo (The Way of Warriors), ông cho rằng kẻ thù lớn nhất của một võ sĩ đạo là sự lơ đễnh. Lơ đễnh ở đây là nói đến sự lơ đễnh trong việc tìm hiểu thực sự Võ sĩ đạo là gì? Ông cho rằng nếu một samurai không hiểu nỗi samurai nghĩa là gì, và con đường võ sĩ rốt cục là dẫn đến đâu thì samurai đó chỉ là một tên đâm thuê chém mướn. Bạn không thể đi trên một con đường bất định mà không biết về con đường đó. Nó dẫn đến đâu? Nó một chiều hay hai chiều? Nó có cấm xe hơi không? Nếu bạn không biết mà cứ lao vào thì sớm muộn gì cũng bị cảnh sát giao thông chặn lại, hay đi lạc, hay tệ hơn là gây tai nạn cho bản thân và cho mọi người khác xấu số gặp bạn. Suy nghĩ như thế, ta sẽ thấy việc hiểu được cái Đạo mình đang theo là quan trọng. Tôi cho rằng những lý lẽ trên tuy có phần lý thuyết nhưng rất cần thiết.

Vậy thì, ta phải hiểu “Luật sư Đạo” là gì đã. Hay ít nhất chúng ta cũng phải cố gắng để tìm ra ý nghĩa thực sự của “Luật pháp là gì?”, “Tại sao lại phải có Hiến pháp khi hầu như nó không được sử dụng?”, “Giữa cái Thiện và cái Hợp pháp, ta theo cái nào?”… Tôi khẳng định nó không đem lại tiền tất thời cho bạn với “ba thứ vớ vẩn này”, nhưng tiền là phương tiện, không phải mục đích, cái chính là chúng ta tìm được vị trí đích thực của con người trong thế giới này. Tìm được chỗ đứng, cuộc sống của bạn sẽ không chấm dứt khi bạn nhắm mắt xuôi tay, mà nó sẽ sống mãi với thời gian, trong tâm hồn của người khác, đó mới là ý nghĩa thực sự của cuộc sống sau khi chết. Ngày trước tôi có xem một bộ phim kể về một người thầy giàu lý tưởng. Ngày đầu tiên, thầy chỉ bọn học trò dòng chữ trên tường: “Ta là Majaduria, thủ lĩnh bộ tộc Xadica, ta đã chinh phục được vùng thảo nguyên mênh mông này”. Người thầy lại hỏi bọn học trò, Majaduria là ai vậy? Bọn học trò tìm mỏi mắt trong những cuốn sử dầy cộm cũng không thể tìm ra cái tên lạ hoắc này. “Đơn giản bởi vì ông ta đã không để lại gì cho hậu thế” người thầy nói. “Hãy nhìn xem Julius Ceasar, Napoleon, Genghis Khan… họ đều là những nhà chinh phục, họ đã nhắm mắt xuôi tay, nhưng họ vẫn sống trong ta qua những trang sách về đạo làm người…”. Trở thành Majaduria hay Julius Ceasar, bạn chọn.


4. Kết luận:

Mong rằng tôi không viết quá tệ đến mức khiến cho các bạn chán nản và bỏ cả trường Luật. Mong rằng tôi đã không hù dọa các bạn vì những thứ trừu tượng. Nhưng tôi tin, nếu như một ai đó đã đam mê nghề luật, thì dù tôi có nói ngã nói nghiêng, người ấy vẫn là luật sư.

Kết luận vấn đề có lẽ chỉ bằng cách nói rằng, dù gì đi nữa, nghề luật là một cái gì đó đòi hỏi lòng nhiệt huyết nhiều hơn là khả năng bẩm sinh. Nói như Che Guevara, bạn có run bần bật lên khi thấy một bản án bất công, bạn đã là đồng nghiệp của tôi. Nghề luật là gì nếu như không phải là sự bảo vệ lẽ phải và công bằng, là lợi ích xã hội cao nhất trong từng phán quyết, là sự dẫn dắt xã hội làm đúng pháp luật, là xã hội công dân, là hợp tình hợp lý, là một khát khao đến mức cố chấp về một xã hội pháp quyền, là mọi người bình đẳng trước pháp luật và sau chót là người nghèo có cơ hội chiến thắng và kẻ giàu có khả năng bị trừng trị.

Chính vì lẽ đó, tôi thực sự kêu gọi những bạn trẻ nào vẫn còn đang mong vào trường luật chỉ vì duy nhất một lý do: Trường Luật lấy điểm thấp. Trường Luật sẽ không phải chỗ cho bạn vì rốt cục bạn sẽ chẳng hiểu Luật là gì, đơn giản vì bạn không có quyết tâm và đam mê. Tôi nghĩ đối với ngành nghề nào cũng có cái nhìn khắt khe như thế. Còn nếu bạn có dù chỉ là một chút đam mê, một chút khát khao, bạn hãy thi vào trường Luật. Và xin hãy nhớ cho cái Đạo mà mình đã chọn theo đuổi đó…

Lê Nguyễn Duy Hậu
[Mùa khai giảng, học kì mùa Thu năm 3]