Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

Breivik và án tử hình

Vụ khủng bố gần đây do Anders Breivik, một người theo chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, thực hiện đã đặt cả hệ thống pháp luật Nauy trước một câu hỏi: "Liệu rằng pháp luật có thể nhân đạo với một kẻ khủng bố máu lạnh?"

Nhìn lại lịch sử, Nauy là một trong các quốc gia bãi bỏ án tử hình sớm nhất. Từ năm 1902, Nauy đã thông qua đạo luật hình sự trong đó ghi nhận án tử hình sẽ không được áp dụng trong thời bình, và cho đến năm 1979, án tử hình cũng sẽ không được áp dụng khi quốc gia lâm vào tình trạng chiến tranh. Trên thực tế thì trước khi đạo luật hình sự này được thông qua, Nauy đã trải qua gần 6 năm không có án tử từ khi tội phạm cuối cùng bị xử tử bằng hình thức chặt đầu diễn ra vào năm 1896. Án tử hình thời chiến cuối cùng diễn ra sau thời kì Nauy bị Đức Quốc xã chiếm đóng và nó được dành cho Bộ trưởng Ragnar Skancke của chính quyền bù nhìn Quisling do Đức Quốc xã dựng lên. Thực tế là vào thời điểm đó, cho dù tội phản quốc của các thành viên chính quyền bù nhìn là khá rõ ràng, dư luận Nauy cũng đã có thái độ cho rằng nên hay không chúng ta tha bổng cho những thành viên này. Điều này hoàn toàn khác với thái độ thù địch của chính quyền dân sự Hà Lan hay Pháp sau Thế chiến dành cho những thành viên cộng tác với Đức Quốc xã ở các quốc gia này.

Vậy thì, người Nauy nghĩ gì khi bãi bỏ án tử hình? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần đi tìm câu trả lời cho vấn đề căn bản nhất của pháp luật hình sự: Mục đích của một hình phạt.

Giới khoa học gia pháp lý nhìn nhận rằng, mục đích của một hình phạt gắn với ba chính sách: ngăn ngừa tội phạm mới, cải tạo bị cáotrả thù giúp gia đình nạn nhân. Ở những quốc gia như Nauy, họ không coi việc trả thù là chính sách hàng đầu của pháp luật hình sự. Thực tế thì trả thù là chính sách cổ xưa nhất của pháp luật hình sự, nó xuất phát từ quan điểm món nợ máu phải trả bằng máu. Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, người ta nhận ra rằng việc anh lấy máu để trả nợ cho máu chỉ khiến cho vòng tròn hận thù giữa gia đình bị hại và gia đình bị cáo càng thêm chất chồng và không bao giờ dứt. Pháp luật được khai sinh tưởng như sẽ giúp chấm dứt cái vòng luẩn quẩn đó, nhưng thực tế thì hoàn toàn không được như vậy. Những người chống lại án tử thường dựa vào lý luận của Mohamed Gandhi để cho rằng: "An eye for an eye only makes the whole world blind" (Một mắt đổi một mắt chỉ làm cả thế giới mù lòa). Vậy thì cách tốt nhất là phải đặt vào đâu đó sự bao dung, để món nợ máu này chấm dứt và xã hội không bị tan vỡ thêm nữa. Án tử hình ở Nauy đã được bãi bỏ dựa trên ý tưởng đó.

Nhưng rồi người ta lại đặt ra câu hỏi, sự nhân đạo đó có thể cải hóa một tên tội phạm, hay là nó lại khuyến khích cho một tội phạm mới hình thành? Đây là lập luận mà các quốc gia duy trì án tử ủng hộ. Họ nhìn nhận rằng có một số tội phạm là quá ghê tởm, đến mức xã hội không thể chấp nhận cải tạo tên tội phạm đó, và cho dù có cải tạo thì cũng là điều không thể, và việc dung thứ cho hắn chỉ càng khiến cho những tên tội phạm khác cảm thấy "được động viên". Đó cũng là lý do mà Tòa án Nuremberg đã quyết định áp dụng án tử hình dành cho các thành viên Quốc xã Đức vì tội ác mà họ gây ra với nhân loại và dân Do Thái là quá ghê tởm, cho dù pháp luật quốc tế thời điểm đó chưa thừa nhận án tử dành cho bị cáo thực hiện nghĩa vụ quốc gia. Họ lập luận rằng, bản án Nuremberg là một sự răn đe đến giới quân phiệt, fascist và dân tộc thượng đẳng. Rằng pháp luật quốc tế tồn tại và hành vi của anh sẽ bị trừng phạt. Nhưng hơn hết, họ tin rằng thế giới và nhân loại sẽ không thể tồn tại nếu một cuộc thế chiến giống như vừa rồi xảy ra. Bằng bản án tử dành cho Goering, Ribbentrop… họ tin rằng thế giới sẽ sống mãi trong hòa bình. Và án tử đó là một "righteous kill".

Nhưng các nhà lãnh đạo thế giới sẽ trả lời thế nào đây khi lịch sử cho thấy, chính những quốc gia thắng trận và đưa ra bản án Nuremberg ấy đã lại lao vào đánh nhau suốt 50 năm sau đó, và đã hơn một lần đẩy thế giới vào bờ vực của thảm họa hạt nhân. Họ sẽ trả lời thế nào đây khi những kẻ như Bin Laden chỉ tin vào sự diễn giải tưởng tượng của hắn đối với kinh Koran để phát động một cuộc chiến khủng bố hèn nhát chống lại thế giới dân chủ. Những người như Bin Laden khi thực hiện các hành vi tội ác của mình thừa hiểu rằng án tử là cái chắc chắn rơi xuống đầu họ, nhưng vì một lý tưởng, cho dù là gàn dở, họ sẽ sẵn sàng với giá treo cổ. Như vậy, có lẽ án tử không thể chấm dứt được bạo lực. Pháp luật chưa bao giờ là một giải pháp hoàn hảo cho việc điều chỉnh hành vi con người. Pháp luật, xét cho cùng, chỉ là một nỗ lực để con người sống một cách quy củ hơn mà thôi. Cũng giống như một câu hỏi dành cho các sinh viên luật: "nếu thực sự pháp luật phòng chống được tội phạm, vậy tại sao chúng ta phải luôn luôn khóa cửa nhà khi đi ngủ?"

Nauy tự hào là một trong các quốc gia đầu tiên nhận thực được những điều ở trên. Rằng xét cho cùng, chính giáo dục mới là cách duy nhất phòng chống được tội phạm. Và thông qua việc cải tạo, và thịnh vượng, xã hội, Nauy sẽ không bao giờ đối mặt với những tội ác ghê tởm như thế. Nhưng rồi Breivik đã đặt Nauy vào một thách thức chưa từng có. Xã hội Nauy sẽ trả lời thế nào đây với gia đình của 78 nạn nhân, khi có thể chỉ hơn 10 năm nữa, tên sát nhân máu lạnh này sẽ ngồi ăn chung một tiệm ăn với họ mà họ không hay biết?

Tờ Telegraph của Anh chạy một dòng tít sau sự kiện này: "Norway keeps it cool in wake of tragedy" (Nauy giữ sự bình tĩnh trong thảm họa). Có lẽ không ở đâu khác mà một Thủ tướng lại đứng ra kêu gọi đáp trả tội ác của Breivik bằng sự mở rộng dân chủ, và bất ngờ ở chỗ người dân Nauy đáp lại lời kêu gọi này bằng những cuộc tuần hành ủng hộ ôn hòa. Đây là lúc mà người Nauy trả lời cho câu hỏi: sự nhân đạo có xứng đáng được dành cho những kẻ như Breivik?. Breivik có lẽ không thực hiện tội ác của mình đơn thuần vì bệnh tâm thần cuồng loạn của hắn. Breivik có lẽ có một động cơ lớn hơn. Breivik là một kẻ tôn giáo cực đoan, cổ súy cho bạo lực chống lại người Hồi giáo. Cái mà Breivik hướng tới khi thực hiện hành vi tội ác của mình không phải là sinh mạng của 78 con người hay sự thừa nhận của những kẻ như hắn. Cái mà hắn hướng tới là sự thách thức lên chế độ nhân đạo của Nauy. "Đừng đạo đức giả nữa, tử hình tôi đi. Các người cũng như tôi thôi, khao khát bạo lực và lòng đầy hận thù" – có lẽ đó là những gì Breivik nghĩ. Một án tử, nếu có từ phía chính quyền Nauy, sẽ như một sự thừa nhận thất bại của niềm tin từ đất nước Bắc Âu này giành cho bản chất con người. Rằng rốt cuộc, đôi khi sự trả thù cần phải được thực hiện. Rằng bạo lực đôi khi phải được chấp nhận. Và đó, đối với người Nauy, sẽ là "bước thụt lùi của nền văn minh".

Người Nauy sẽ trả lời như thế nào trước thách thức này từ phía Breivik? Có lẽ cả thế giới đều muốn biết liệu rằng cuối cùng thì sự phát triển về nhân văn và văn minh của một dân tộc như Nauy có đủ sức để vượt qua lòng hận thù và cải tạo một con người như Breivik không. Phiên tòa đang diễn ra ở Oslo có lẽ không còn là vụ án của nhân dân Nauy chống lại Breivik (vì tội ác của hắn là quá rõ ràng). Có lẽ đây là một phiên tòa giữa khát khao vươn tới sự văn minh chống lại lòng hận thù của một dân tộc.

Cho dù kết quả như thế nào đi nữa, công lý cũng sẽ được thực thi. Và đối với người Nauy, công lý không chỉ có nghĩa là trừng phạt.

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Free from Fear

"Và lúc này đây là thời khắc quan trọng nhất, thời khắc sẽ quyết định vận mệnh của một quốc gia, của vị Sa hoàng, và của cuộc cách mạng. Đó là thời khắc khi viên cảnh sát bước ra khỏi vị trí của mình tiến tới một người đàn ông đứng trong đám đông biểu tình. Viên cảnh sát lớn giọng, và ra lệnh cho người đàn ông ấy về nhà. Viên cảnh sát và người đàn ông trong đoàn biểu tình ấy đều là những con người bình thường, họ đều vô danh đối với chúng ta, nhưng cuộc gặp gỡ của họ mang một dấu ấn lịch sử sâu sắc. Cả hai đều là những người trưởng thành, họ đều đã trải qua những sự kiện nhất định, và họ đều có những kinh nghiệm cá nhân. Kinh nghiệm của viên cảnh sát đó là: Khi tôi lớn tiếng với ai đó và giơ cao gậy của tôi lên, người đó sẽ run sợ và quay đầu bỏ chạy. Kinh nghiệm của người đàn ông trong đám đông biểu tình đó là: Khi thấy viên cảnh sát tiến tới, một nỗi sợ sẽ chạy khắp người tôi và tôi sẽ phải bỏ chạy. Nhìn vào những kinh nghiệm đó, chúng ta có thể mường tượng một kịch bản: Viên cảnh sát la hét, người đàn ông bỏ chạy, đám đông tan đàn theo, và quảng trường sẽ lại sạch bóng người.

Nhưng lần này, mọi thứ lại diễn ra khác đi. Viên cảnh sát vẫn la hét, nhưng người đàn ông không bỏ chạy. Anh ta đứng đó, nhìn viên cảnh sát. Đó là một cái nhìn cẩn trọng, thấp thoáng sự run rẩy bởi nỗi sợ, nhưng cùng lúc, có cả sự cương bướng và lì lợm. Người đàn ông không động đậy. Anh ta liếc nhìn xung quanh và nhận thấy cái nhìn tương tự trên những gương mặt khác. Cũng giống như anh ta, những người xung quanh đều mang bộ mặt cẩn trọng, một chút sợ sệt, nhưng đã rất cứng cỏi và bất khoan. Không ai bỏ chạy mặc cho viên cảnh sát tiếp tục la hét; và cuối cùng viên cảnh sát ngưng giọng. Đó là một thời khắc tĩnh lặng. Chúng ta không rõ liệu rằng viên cảnh sát hay người đàn ông trong đám biểu tình có nhận biết điều gì vừa diễn ra hay không. Người đàn ông ấy đã không còn sợ hãi nữa - và đó chính là lúc mà cuộc cách mạng bắt đầu. Cho đến trước lúc ấy, bất kỳ khi nào hai người đàn ông này giáp mặt nhau, một nhân vật thứ ba ngay lập tức xen vào giữa hai họ. Nhân vật thứ ba đó chính là Nỗi sợ. Nỗi sợ là đồng minh của viên cảnh sát và là kẻ thù của đám đông. Nỗi sợ áp đặt luật lệ của nó và quyết định mọi thứ. Giờ đây, cả hai người đàn ông thấy bản thân độc lập, đối mặt nhau, và Nỗi sợ đã biến mất trong không khí. Cho đến trước lúc ấy, sự tương tác giữa họ bị ràng buộc bởi cảm xúc, một dạng pha trộn giữa sự thô bạo, khinh miệt, giận dữ và khiếp sợ. Nhưng lúc này đây, Nỗi sợ đã rút lui, cái liên kết đầy tai ác và căm hờn đó đã gãy đổ; có cái gì đó đã bị dập tắt. Cả hai người đàn ông nay đã trở nên hoàn toàn tách biệt lẫn nhau, không còn tác dụng gì với nhau; họ giờ đây đã có thể đi những con đường khác nhau. Chính thế, viên cảnh sát phải quay đầu lại và lê bước nặng nề về phía gác canh, trong lúc người đàn ông trong đám biểu tình đứng đó, dõi theo bóng kẻ thù của anh ta dần biến mất.

Nỗi sợ: thứ quái vật tham lam, khát thịt sinh sống trong chính bản thân chúng ta. Nó không bao giờ cho phép ta quên rằng nó đang ở đó. Quái vật đó không ngừng gặm nhắm chúng ta và dày xéo gan góc của chúng ta. Quái vật đó luôn đòi hỏi được cho ăn, và chúng ta thấy rằng nó luôn luôn tìm được những của ngon nhất. Món khoái khẩu của nó là tin đồn u ám, là tin xấu, là những ý nghĩ hoang mang, là những viễn tưởng ác mộng. Từ hàng ngàn mẫu tin đồn, điềm xấu, ý kiến, con người luôn nhặt ra những mẫu tệ hại nhất - những mẫu mà Nỗi sợ ưa thích nhất. Bất cứ thừ gì để làm hài lòng con quái vật đó và khiến cho nó yên giấc. Ở đây ta có thể thấy một người nghe ai đó nói, gương mặt anh ta tái nhợt và chuyển động run rẩy. Chuyện gì đang xảy ra? Là anh ta đang nuôi dưỡng con quái vật Nỗi sợ. Và nếu như chúng ta không còn gì để cho Nỗi sợ ăn? Chúng ta sẽ tự tạo ra một cái gì đó, nóng sốt lên. Và nếu như chúng ta không thể tạo ra bất kỳ thứ gì (chuyện này rất hiếm khi xảy ra)? Chúng ta sẽ chạy đến người khác, tìm kiếm họ, hỏi han họ, lắng nghe và góp nhặt những điềm xấu, cho đến khi điềm xấu đó thỏa mãn được Nỗi sợ của chúng ta.

Tất cả những cuốn sách về các cuộc cách mạng đều mở đầu bằng một chương miêu tả sự suy đồi của nhà cầm quyền mục nát, hay bằng nỗi thống khổ và chịu đựng của người dân. Những cuốn sách ấy nên bắt đầu bằng một chương về tâm lý, một chương mô tả làm cách nào mà một con người bị hiếp đáp, kinh hãi lại có thể bỗng chốc đánh thắng được nỗi khiếp đảm của mình, và ngừng run sợ. Quá trình tiến triển bất thường này, đôi lúc diễn ra trong một chốc lát như một cú shock hay như một sự rũ bùn, quá trình này cần sự khai sáng. Con người rũ bỏ Nỗi sợ và cảm thấy Tự do. Nếu không có điều này, sẽ không có cách mạng..."

Trích Shah of Shahs (1982)

- Ryszard Kapuscinski (1932 - 2007) -

Bản dịch của Lê Nguyễn Duy Hậu