Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Dự thảo Hiến pháp và Dân quyền



Cách đây hơn ba thế kỷ, trong khí thế sục sôi của cuộc Cách mạng Mỹ, Thomas Paine, một người Anh và là nhà cách mạng lỗi lạc của Mỹ đã viết cuốn sách Lương tri (Common Sense) kêu gọi người Mỹ đứng lên đấu tranh giành độc lập và xây dựng chính quyền cho riêng mình.  Tuy nhiên, bất chấp sự sục sôi của một nhà cách mạng, Thomas Paine vẫn đủ tỉnh táo để nhắc nhở người dân Mỹ rằng mục tiêu của cuộc Cách mạng là tạo dựng một Nhà nước mà trong đó người dân thực sự làm chủ và chính quyền phải tôn trọng những Quyền cơ bản của người dân.  Đó là một Nhà nước với quyền lực bị hạn chế để không tạo ra áp bức và vi phạm nhân quyền.  Đã có người chụp mũ cho rằng ông không tin tưởng vào bản chất tốt đẹp của Nhà nước mới.  Tuy nhiên, để đáp lại những lời chỉ trích, Paine đã viết “Khi chúng ta xây dựng cho hậu thế, cần phải nhớ rằng, đức hạnh không có tính di truyền”.  Hạn chế quyền lực Nhà nước không phải là vì nhân dân không tin vào Nhà nước do họ đổ máu xây dựng nên mà là để không biến Nhà nước thành một công cụ cho một ai đó lợi dụng thanh danh và công lao của cha ông để chiếm quyền và đàn áp lại nhân dân.  Chính vì thế, người Mỹ đã đưa vào Hiến pháp của họ Tuyên ngôn các Quyền (Bill of Rights) và từ đó, Quyền công dân, quyền con người trở thành một nội dung cơ bản của Hiến pháp.
Dự thảo Hiến pháp (Dự thảo) hiện nay là bước chuẩn bị để Việt Nam lần đầu tiên có cơ hội có được một bản Hiến pháp dân chủ, đầy đủ, trọn vẹn và có tính pháp lý cao.  Tuy nhiên, phần lớn những ý kiến gần đây tập trung chủ yếu vào việc xác lập một chính quyền mạnh mà dường như quên mất nội dung về Quyền con người, quyền công dân.  Bài viết trình bày dưới đây những kiến nghị của bản thân về một số nội dung liên quan đến Chương II của Dự thảo về Quyền con người, Quyền công dân.  Hy vọng những ý kiến của tác giả sẽ giúp ích cho các nhà lập hiến và đồng bào Việt Nam trong việc xây dựng bản Hiến pháp mới và thông qua nó một cách sáng suốt, trí tuệ.

Sự giới hạn của quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp
Điều 15.2 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 50 Hiến pháp 1992 ghi nhận:
“… 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng.”
Đây là một nội dung mới của Dự thảo so với Hiến pháp 1992.  Giới hạn Quyền con người, quyền công dân (Giới hạn Quyền) trong những trường hợp đặc biệt không phải là không phổ biến trong lịch sử Lập hiến thế giới.  Tuy nhiên, vì đây là một nội dung mới và ảnh hưởng trực tiếp đến công dân, những nhà lập hiến cần phải hết sức thận trọng trong cách quy định.
Dự thảo đưa ra năm lý do cho việc Quyền con người, quyền công dân bị giới hạn đó là “quốc phòng”, “an ninh quốc gia”, “trật tự, an toàn xã hội”,  “đạo đức”, “sức khỏe cộng đồng”.  Tuy nhiên, Điều 15.2 không quy định rõ việc giới hạn này sẽ được thực hiện như thế nào và biện pháp ra sao.  Thiết nghĩ việc quy định rõ biện pháp, cách thức và quy trình giới hạn của Quyền con người, quyền công dân là hết sức quan trọng.  Bởi lẽ, tuy cả năm lý do được đề cập đến trong Điều 15.2 đều rất quan trọng và thỏa đáng cho việc hạn chế Quyền của công dân, nhưng sự giải nghĩa của năm lý do này là rất rộng, dễ dẫn đến tình trạng Nhà nước áp đặt sự giải thích rộng khiến cho mọi trường hợp có thể dẫn đến việc giới hạn Quyền.  Lấy ví dụ như lý do “quốc phòng” thoạt nhìn là rất thỏa đáng và hợp lý trong trường hợp chiến tranh hay địch họa, nhưng lý do “quốc phòng” về nghĩa là rất rộng và có thể bao gồm cả những trường hợp giới hạn không thỏa đáng trên thực tế như việc giới hạn quyền tự do ngôn luận của người dân đối với các vấn đề an ninh, đối ngoại của quốc gia vì lý do “quốc phòng”.  Hay “trật tự, an toàn xã hội” cũng là một khái niệm rộng dễ dẫn đến việc quyền biểu tình của người dân bị ngăn chặn nhân danh “trật tự xã hội”.  Việc đưa vào Dự thảo những lý do mà Nhà nước có thể giới hạn Quyền là một sáng kiến táo bạo của các nhà lập hiến trong việc buộc Nhà nước hạn chế quyền lực của mình, nhưng việc quy định không rõ ràng như phân tích ở trên có thể gây tác dụng ngược lại, khiến cho Nhà nước được một quyền rất lớn theo Hiến pháp để giới hạn Quyền.  Đây là điều mà các nhà lập hiến cần suy nghĩ và điều chỉnh để phát huy hết mức tác dụng và ý nghĩa của Điều 15.2.
Trong nội dung giới hạn Quyền này, thiết nghĩ nên quy định thật rõ và cụ thể những trường hợp nào (thay vì lý do nào) để Nhà nước có thể giới hạn Quyền.  Một giải pháp có thể được đưa ra đó là giới hạn Quyền chỉ được phép áp dụng trong “tình trạng khẩn cấp quốc gia” (national emergency) theo Điều 101 Dự thảo.  Có nghĩa là khi và chỉ khi Nhà nước ban bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia” thì việc giới hạn Quyền mới được áp dụng.  Quy định như thế có thể giải quyết được về mặt thủ tục, quy trình và cũng giới hạn được trường hợp cụ thể nào đó mà Nhà nước được giới hạn Quyền.  Một số ý kiến có thể cho rằng quy định như thế là hẹp và gây khó khăn cho Nhà nước trong những trường hợp cần thiết phải giới hạn Quyền nhưng chưa đến mức phải ban bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia”.  Tuy nhiên, những nhà lập hiến cần quan niệm rằng Quyền con người, quyền công dân là thiêng liêng tối cao và giới hạn Quyền là một biện pháp hết sức nguy hiểm chỉ được áp dụng khi thật sự cần thiết và khi việc không giới hạn Quyền có thể dẫn ảnh hưởng một cách trực tiếp, rõ ràng và hiện hữu đến sự tồn vong của Tổ quốc.  Nếu các nhà lập hiến cho rằng Quyền nên bị giới hạn ngay cả khi quyền lợi nhà nước hay an ninh quốc gia có thể bị xâm phạm một cách chung chung và mơ hồ thì vô hình trung Quyền con người, quyền công dân trở thành một khái niệm được ban phát bởi Nhà nước và có thể bị tước đoạt trong những trường hợp mơ hồ nhất.  Quy định như Điều 15.2 Dự thảo rất dễ dẫn đến tình trạng ban – cho Quyền như đã mô tả ở trên.  Vì lẽ đó, tác giả tha thiết đề nghị các nhà lập hiến cần xem xét lại Điều 15.2 và quy định nó một cách rõ ràng, cụ thể hơn.
Bên cạnh nội dung liên quan đến khi nào thì giới hạn Quyền được phép áp dụng như phân tích ở trên, tác giả đề nghị các nhà lập hiến cần đưa vào Hiến pháp một nội dung quan trọng mà bản Dự thảo hiện hành không đề cập: một số Quyền công dân, quyền con người là đặc biệt thiêng liêng, quan trọng và không thể bị giới hạn trong bất cứ trường hợp nào, ngay cả là trường hợp “tình trạng khẩn cấp quốc gia” hay vì lý do nào đi chăng nữa.  Ví dụ, quyền được bình đẳng trước pháp luật (Điều 17), quyền được sống (Điều 21), quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, nhân phẩm (Điều 22), quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 25), quyền suy đoán vô tội và không bị kết án hai lần bởi cùng một tội danh (Điều 32)…  Như đã phân tích ở trên, giới hạn Quyền chỉ nên và chỉ được phép áp dụng khi và chỉ khi việc không giới hạn Quyền có thể ảnh hưởng một cách trực tiếp, rõ ràng và hiện hữu đến sự tồn vong của Tổ quốc.  Việc giới hạn những Quyền như đã liệt kê ở trên không có ý nghĩa sống còn đến việc tồn vong của Tổ quốc, vì thế bất cứ việc giới hạn Quyền nào trong các Quyền nêu trên chỉ là một thủ đoạn lợi dụng hoàn cảnh để tước đoạt Quyền của công dân.  Điều này cần đặc biệt tránh vì lịch sử đã chứng minh đây là công cụ được các nhà độc tài sử dụng rất thường xuyên.  Ví dụ như kể từ sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và thông qua Đạo luật Trao quyền (Ermächtigungsgesetz 1933), Adolf Hitler, nhà độc tài Quốc xã Đức, đã lợi dụng nó để tước đoạt tất cả các Quyền cơ bản của người dân Đức bao gồm cả Quyền suy đoán vô tội hay Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng và nhân phẩm, tạo điều kiện cho Mật vụ Đức Gestapo tiến hành tra tấn các nghi phạm để buộc họ nhận tội và tổ chức cái gọi là Tòa án Nhân dân Quốc xã để xử tử những nhà cách mạng yêu nước thông qua các phiên tòa bỏ túi (kangaroo court).  Lịch sử câu chuyện này là của người Đức nhưng bài học của nó thuộc về toàn thể nhân loại, và các nhà lập hiến Việt Nam không được phép quên và lơ là khi soạn thảo bản Hiến pháp mới cho Tổ quốc.
Tóm lại, liên quan đến nội dung giới hạn Quyền con người, quyền công dân, tác giả có hai kiến nghị:
  1. Nên hạn chế và quy định thật rõ lại những trường hợp, cách thức, quy mô để Nhà nước được phép giới hạn Quyền con người, quyền công dân.  Tác giả đặc biệt đề nghị các nhà lập hiến nghiên cứu phương án chỉ cho phép việc giới hạn Quyền con người, quyền công dân thông qua việc Ủy ban thường vụ Quốc hội ban bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia” như theo Điều 101 Dự thảo.
  2. Một số Quyền là không thể bị hạn chế bởi vì việc giới hạn Quyền chỉ được áp dụng khi việc không giới hạn có thể ảnh hưởng một cách trực tiếp, rõ ràng và hiện hữu đến sự tồn vong của Tổ quốc.  Các nhà lập hiến nên đưa cụ thể vào Hiến pháp những Quyền nào không được phép giới hạn vì bất kỳ lý do nào.

Quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và luật quy định
Điều 20.2 Dự thảo quy định:
“… 2. Quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và luật quy định.”

Điều 23.2:
“… 2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác do pháp luật quy định.”
Điều 26 Dự thảo:
“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”
Điều 37.2
“… 2. Không ai được tự ý vào chỗ ở hợp pháp của người khác nếu không được người đó đồng ý.
Việc khám xét chỗ ở do luật định.”
Điểm chung của các quy định được trích dẫn ở trên đó chính là các nhà lập hiến chỉ đưa vào Hiến pháp tên gọi của các Quyền, còn việc diễn giải, định nghĩa, nội dung, quy trình thực hiện, cách thức thực hiện được giao lại cho những nhà làm luật.  Đây là cách quy định không mới đã xuất hiện khá thường xuyên trong các bản Hiến pháp trước.  Một số quốc gia trên thế giới cũng giao việc quy định cụ thể nội dung các Quyền cho các luật chuyên ngành như Hiến pháp Nga giao việc định nghĩa một số quyền cho luật liên bang, Đạo luật cơ bản Đức cũng quy định tương tự, Hiến pháp Đan Mạch trao quyền quy định cụ thể cho Quốc hội…  Cách quy định như trong Dự thảo thoạt nhìn có thể không phải là xa lạ.  Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ có thể nhận ra quy định như thế tiềm ẩn những rủi ro về sự lạm quyền của Nhà nước. 
Câu chữ của bản Dự thảo rất lạm dụng việc nội dung các Quyền sẽ do “pháp luật quy định” hoặc “theo luật định”.  Tuy nhiên, khái niệm “pháp luật” như Dự thảo nêu là rất rộng lớn.  Riêng ở Việt Nam, theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 năm 2008 đã liệt kê tại Điều 2 mười hai loại văn bản quy phạm pháp luật khác nhau do mười cơ quan khác nhau ban hành.  Nếu như Hiến pháp mới quy định nội dung các Quyền có thể do “pháp luật quy định” có nghĩa rằng Quyền tự do ngôn luận có thể được một thông tư của một Bộ nào đó quy định, hay Quyền biểu tình được Ủy ban nhân dân một tỉnh đưa ra.  Điều này sẽ không là đáng nói trong trường hợp Quốc hội đã có những Luật cụ thể liên quan đến các Quyền này vì trong trường hợp đó, Luật của Quốc hội sẽ có giá trị cao hơn và bãi bỏ được những quy định trái Luật.  Tuy nhiên, trong trường hợp các Quyền chưa được Luật của Quốc hội quy định cụ thể, quy định như Dự thảo có thể dẫn đến tình trạng các cơ quan khác ngoài Quốc hội tùy tiện đưa ra các văn bản quy phạm pháp luật làm hạn chế việc thực hiện Quyền trên thực tế.  Một ví dụ của tình trạng này là Quyền biểu tình của người dân theo Điều 69 Hiến pháp 1992.  Tuy đã tồn tại hơn 20 năm nay, nhưng Quyền biểu tình chưa bao giờ được Quốc hội quy định cụ thể trong một Luật nào đó.  Văn bản cao nhất quy định vấn đề này có lẽ là Nghị định 38/2005/CP ngày 18-3-2005 của Chính phủ về việc quy định một số biện pháp bảo vệ trật tự công cộng (Nghị định 38).  Đây là một Nghị định đứng riêng rẽ, không nhằm tổ chức thực hiện một Luật cụ thể nào của Quốc hội và bao gồm cả nội dung tại điều 7 quy định việc tụ tập đông người phải đăng ký với Ủy ban nhân dân có thẩm quyền và việc tụ tập có thể bị bãi bỏ nếu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cho phép hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên nhận thấy việc tụ tập gây “ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng hoặc vi phạm nội dung đã cho phép” (Điều 8).  Như vậy, Nghị định 38 đã trực tiếp ảnh hưởng đến Quyền biểu tình của người dân và thực tế đã được các cơ quan chính quyền áp dụng để giải tán những cuộc tụ tập trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phản đối việc xâm phạm lãnh thổ Việt Nam của các quốc gia khác gần đây.  Không bàn về nội dung cụ thể, tuy nhiên việc để cho Chính phủ, không phải là một cơ quan dân cử, được ra một quy định duy nhất điều chỉnh trực tiếp Quyền biểu tình của người dân theo Hiến pháp có vẻ không thỏa đáng và thực tế đã không thực sự thuyết phục được những người tham gia tụ tập phản đối.
Xét về mặt lý luận, cho phép các cơ quan khác ngoài Quốc hội trực tiếp điều chỉnh các vấn đề liên quan đến Quyền cũng phần nào mâu thuẫn với nguyên tắc hạn chế quyền lực Nhà nước mà nội dung Quyền con người, quyền công dân hướng tới.  Nguyên tắc của một bản Hiến pháp dân chủ là đảm bảo Quyền cho công dân và Quyền đó phải được chính công dân, thông qua Hiến pháp, hay do một cơ quan đại diện, dân cử là Quốc hội quy định cụ thể.  Để cho một cơ quan khác quy định cụ thể trong khi những Quyền của người dân có thể có mâu thuẫn lợi ích với chính cơ quan đó là trái với các nguyên tắc pháp chế thông thường.  Bản Hiến pháp mới cần chấm dứt ngay tình trạng này để đảm bảo cho Quyền của người dân được thi hành trên thực tế.
Trên cơ sở đã phân tích ở trên, tác giả kiến nghị các nhà lập hiến cần loại bỏ việc sử dụng quy định nội dung của các Quyền được thể hiện cụ thể “theo quy định pháp luật”.  Tác giả đề nghị làm rõ cơ quan nào có trách nhiệm phải quy định cụ thể các Quyền và đó chỉ có thể là Quốc hội, là cơ quan dân cử.  Điều này không loại bỏ quyền được tham gia của các cơ quan khác nhưng cần giới hạn việc tham gia đó chỉ dừng ở mức hướng dẫn thi hành các Luật cụ thể của Quốc hội.  Đây là cách làm khá phổ biến trên thế giới được ghi nhận trong Hiến pháp Nga (Quyền được quy định trong luật liên bang), Đạo luật Cơ bản Đức (Quyền được quy định trong luật liên bang), hay Hiến pháp Đan Mạch (Quốc hội quy định cụ thể nội dung Quyền) v.v…
Bên cạnh đó, việc quy định rõ Quốc hội phải là cơ quan đưa ra Luật về nội dung các Quyền còn là cách để chấm dứt tình trạng hơn 20 năm không có quy định của một số Quyền cơ bản của công dân như hiện nay.  Đồng thời chấm dứt tình trạng trốn tránh trách nhiệm của một số đại biểu Quốc hội khi vin vào cớ “dân trí thấp” để không thảo luận Luật.  Trách nhiệm của Quốc hội đối với các Quyền của người dân đó là tạo hành lang pháp lý để bảo vệ người dân chứ không phải là quyết định khi nào thì người dân được phép thực hiện quyền của mình.  Bởi vì trên thực tế, nếu đã được ghi nhận trong Hiến pháp, thì cho dù có Luật hay không thì người dân vẫn sẽ thi hành Quyền của mình trong trường hợp cần thiết. 
Điều này cũng sẽ mở đường cho việc đưa vào luật hiến pháp Việt Nam khái niệm “vi phạm hiến pháp không hành động” (legislative omission).  Theo Đạo luật Cơ bản Đức hay Hiến pháp Ba Lan, Cộng Hòa Séc, nếu như Quốc hội được Hiến pháp minh thị trao một nghĩa vụ phải thông qua Luật cụ thể nào đó mà không thực hiện, Tòa án Hiến pháp hay cơ quan bảo vệ Hiến pháp có quyền ra quyết định bắt buộc đưa vào chương trình làm luật nội dung Luật bị “bỏ quên” đó, tránh trường hợp 20 năm không có Luật như Việt Nam.
Như vậy, ở nội dung này, tác giả đề nghị các nhà lập hiến xem xét hai vấn đề sau:
  1. Loại bỏ vĩnh viễn quy định nội dung các Quyền do “pháp luật quy định”.  Thay vào đó, các nhà lập hiến nên quy định rõ cơ quan nào được phép quy định cụ thể nội dung các Quyền và hình thức của quy định đó phải là Luật.
  2. Quốc hội sẽ là cơ quan có nghĩa vụ ra Luật quy định nội dung các Quyền và đó là nghĩa vụ chứ không phải là một lựa chọn của Quốc hội.

Quyền được sống
Điều 21 Dự thảo:
“Mọi người có quyền sống.”
Đây là đề xuất rất mới của bản Dự thảo, chưa từng xuất hiện trong các bản Hiến pháp trước đây.  Điều 21 chỉ gói gọn trong năm từ nhưng chứa đứng rất nhiều vấn đề pháp lý mà các nhà lập hiến cần xem xét và làm rõ.
Thứ nhất, Quyền sống theo Điều 21 có bao gồm cả việc tội phạm không thể bị xử tử hình?  Vấn đề này được đặt ra bởi lẽ quy định tại Điều 21 Dự thảo hoàn toàn giống với quy định tại Điều 20 Hiến pháp Nga hiện hành.  Tuy nhiên, tại Điều 20 Hiến pháp Nga, các nhà lập hiến Nga đã dự liệu mâu thuẫn giữa Quyền sống và Án tử hình bằng quy định tại khoản 2, trong đó:
 “2. Hình phạt tử hình cho đến khi được bãi bỏ hoàn toàn có thể được thiết lập bởi luật liên bang như là một hình thức hình phạt duy nhất đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm tính mạng con người, và bị cáo có quyền được xử bởi tòa án với sự tham gia của một bồi thẩm đoàn.”
Như vậy, học tập kinh nghiệm của Liên bang Nga, các nhà lập hiến nên làm rõ nội dung của Quyền sống theo Điều 21 có mâu thuẫn với việc thi hành án tử hình ở Việt Nam hay không để tránh những xung đột pháp lý không cần thiết trong việc thi hành án tử hình tại Việt Nam.
Thứ hai, Quyền sống theo Điều 21 có bất hợp pháp hóa việc phá thai của người phụ nữ hay không?  Ở một số quốc gia như Mỹ, việc phá thai trong một giai đoạn nào đó của thai kỳ có thể coi là tội phạm vì nó ảnh hưởng đến quyền sống của thai nhi.  Thực tế thì ở Mỹ, việc phá thai chỉ được hợp pháp hóa thông qua án lệ Roe v. Wade của Tối cao pháp viện Hoa Kỳ và phá thai chỉ được tiến hành trong hai giai đoạn đầu của thai kỳ với những điều kiện ngặt nghèo.  Điều này chứng tỏ, có một luồng quan điểm pháp lý cho rằng thai nhi cũng là một hình hài con người và do đó có quyền được sống.  Vậy Điều 21 có dọn đường cho việc bất hợp pháp hóa việc phá thai của người phụ nữ hay không.  Các nhà lập hiến cần làm rõ.
Tóm lại, đối với Điều 21, tác giả có kiến nghị rằng các nhà lập hiến cần quy định rõ Quyền sống có mâu thuẫn với án tử hình và việc phá thai hay không.  Đây là vấn đề mang tính quan điểm pháp lý và chính trị, tác giả xin không lạm bàn ở đây.

Nguyên tắc không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm
Điều 32 Dự thảo:
“2. Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm.”
Đây là một kiến nghị nhỏ cuối cùng và thuần túy câu chữ.  Việc quy định “không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” có thể bị hiểu sai rằng nếu một can phạm đã có bản án tù hoặc các biện pháp hình sự của Tòa án thông qua xét xử thì sẽ không bị kết án lần hai bởi cùng một tội danh.  Trong khi đó, Quyền này cần hiểu đúng đó là nếu như bị can, bị cáo đã được Tòa tuyên trắng án, hoặc Viện kiểm sát nhân dân ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự thì cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát nhân dân không được tiếp tục truy tố họ vì tội danh đó thêm một lần nữa.  Điều này nhằm tránh tình trạng trù dập bị can, bị cáo, gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của họ.  Vì thế, tác giả kiến nghị điều chỉnh câu chữ của Điều 32 Dự thảo từ “không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” thành “không ai bị kết án hoặc truy tố hai lần vì một tội phạm”.

Kết luận
Nền dân chủ là phát minh lớn của con người nhưng cũng là việc mà con người phải liên tục phấn đấu, nỗ lực tìm tòi để hoàn thiện.  Các nhà lập hiến khi bắt tay vào soạn thảo một bản Hiến pháp cần ghi nhớ rằng Hiến pháp là một văn bản pháp luật chứ không phải là một tuyên ngôn chính trị và cần phải có giá trị thi hành trên thực tế.  Khi nói về Quyền công dân, quyền con người, người ta hay nhắc đến việc hạn chế quyền lực của Nhà nước.  Điều này dễ bị quy chụp rằng quan điểm đó là thiếu sự tin tưởng vào Nhà nước.  Tuy nhiên, những ai hiểu biết về lịch sử đều nhớ rằng một bản Hiến pháp với những quy định xuề xòa, thiếu cân nhắc và không hữu hiệu trong việc hạn chế quyền lực nhà nước rất có thể trở thành công cụ cho những nhà độc tài.  Lịch sử đã đau đớn chứng kiến chủ nghĩa Quốc xã ở Đức lên ngôi bằng một con đường hoàn toàn hợp pháp, hợp hiến và Hitler đã thiết lập nền độc tài dã man cũng bằng việc lợi dụng những kẽ hở của Hiến pháp Đức lúc đó.  Một lần nữa, lịch sử câu chuyện đó có thể là của riêng nước Đức, nhưng bài học thuộc về toàn thể nhân loại.

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

Breivik và án tử hình

Vụ khủng bố gần đây do Anders Breivik, một người theo chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, thực hiện đã đặt cả hệ thống pháp luật Nauy trước một câu hỏi: "Liệu rằng pháp luật có thể nhân đạo với một kẻ khủng bố máu lạnh?"

Nhìn lại lịch sử, Nauy là một trong các quốc gia bãi bỏ án tử hình sớm nhất. Từ năm 1902, Nauy đã thông qua đạo luật hình sự trong đó ghi nhận án tử hình sẽ không được áp dụng trong thời bình, và cho đến năm 1979, án tử hình cũng sẽ không được áp dụng khi quốc gia lâm vào tình trạng chiến tranh. Trên thực tế thì trước khi đạo luật hình sự này được thông qua, Nauy đã trải qua gần 6 năm không có án tử từ khi tội phạm cuối cùng bị xử tử bằng hình thức chặt đầu diễn ra vào năm 1896. Án tử hình thời chiến cuối cùng diễn ra sau thời kì Nauy bị Đức Quốc xã chiếm đóng và nó được dành cho Bộ trưởng Ragnar Skancke của chính quyền bù nhìn Quisling do Đức Quốc xã dựng lên. Thực tế là vào thời điểm đó, cho dù tội phản quốc của các thành viên chính quyền bù nhìn là khá rõ ràng, dư luận Nauy cũng đã có thái độ cho rằng nên hay không chúng ta tha bổng cho những thành viên này. Điều này hoàn toàn khác với thái độ thù địch của chính quyền dân sự Hà Lan hay Pháp sau Thế chiến dành cho những thành viên cộng tác với Đức Quốc xã ở các quốc gia này.

Vậy thì, người Nauy nghĩ gì khi bãi bỏ án tử hình? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần đi tìm câu trả lời cho vấn đề căn bản nhất của pháp luật hình sự: Mục đích của một hình phạt.

Giới khoa học gia pháp lý nhìn nhận rằng, mục đích của một hình phạt gắn với ba chính sách: ngăn ngừa tội phạm mới, cải tạo bị cáotrả thù giúp gia đình nạn nhân. Ở những quốc gia như Nauy, họ không coi việc trả thù là chính sách hàng đầu của pháp luật hình sự. Thực tế thì trả thù là chính sách cổ xưa nhất của pháp luật hình sự, nó xuất phát từ quan điểm món nợ máu phải trả bằng máu. Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, người ta nhận ra rằng việc anh lấy máu để trả nợ cho máu chỉ khiến cho vòng tròn hận thù giữa gia đình bị hại và gia đình bị cáo càng thêm chất chồng và không bao giờ dứt. Pháp luật được khai sinh tưởng như sẽ giúp chấm dứt cái vòng luẩn quẩn đó, nhưng thực tế thì hoàn toàn không được như vậy. Những người chống lại án tử thường dựa vào lý luận của Mohamed Gandhi để cho rằng: "An eye for an eye only makes the whole world blind" (Một mắt đổi một mắt chỉ làm cả thế giới mù lòa). Vậy thì cách tốt nhất là phải đặt vào đâu đó sự bao dung, để món nợ máu này chấm dứt và xã hội không bị tan vỡ thêm nữa. Án tử hình ở Nauy đã được bãi bỏ dựa trên ý tưởng đó.

Nhưng rồi người ta lại đặt ra câu hỏi, sự nhân đạo đó có thể cải hóa một tên tội phạm, hay là nó lại khuyến khích cho một tội phạm mới hình thành? Đây là lập luận mà các quốc gia duy trì án tử ủng hộ. Họ nhìn nhận rằng có một số tội phạm là quá ghê tởm, đến mức xã hội không thể chấp nhận cải tạo tên tội phạm đó, và cho dù có cải tạo thì cũng là điều không thể, và việc dung thứ cho hắn chỉ càng khiến cho những tên tội phạm khác cảm thấy "được động viên". Đó cũng là lý do mà Tòa án Nuremberg đã quyết định áp dụng án tử hình dành cho các thành viên Quốc xã Đức vì tội ác mà họ gây ra với nhân loại và dân Do Thái là quá ghê tởm, cho dù pháp luật quốc tế thời điểm đó chưa thừa nhận án tử dành cho bị cáo thực hiện nghĩa vụ quốc gia. Họ lập luận rằng, bản án Nuremberg là một sự răn đe đến giới quân phiệt, fascist và dân tộc thượng đẳng. Rằng pháp luật quốc tế tồn tại và hành vi của anh sẽ bị trừng phạt. Nhưng hơn hết, họ tin rằng thế giới và nhân loại sẽ không thể tồn tại nếu một cuộc thế chiến giống như vừa rồi xảy ra. Bằng bản án tử dành cho Goering, Ribbentrop… họ tin rằng thế giới sẽ sống mãi trong hòa bình. Và án tử đó là một "righteous kill".

Nhưng các nhà lãnh đạo thế giới sẽ trả lời thế nào đây khi lịch sử cho thấy, chính những quốc gia thắng trận và đưa ra bản án Nuremberg ấy đã lại lao vào đánh nhau suốt 50 năm sau đó, và đã hơn một lần đẩy thế giới vào bờ vực của thảm họa hạt nhân. Họ sẽ trả lời thế nào đây khi những kẻ như Bin Laden chỉ tin vào sự diễn giải tưởng tượng của hắn đối với kinh Koran để phát động một cuộc chiến khủng bố hèn nhát chống lại thế giới dân chủ. Những người như Bin Laden khi thực hiện các hành vi tội ác của mình thừa hiểu rằng án tử là cái chắc chắn rơi xuống đầu họ, nhưng vì một lý tưởng, cho dù là gàn dở, họ sẽ sẵn sàng với giá treo cổ. Như vậy, có lẽ án tử không thể chấm dứt được bạo lực. Pháp luật chưa bao giờ là một giải pháp hoàn hảo cho việc điều chỉnh hành vi con người. Pháp luật, xét cho cùng, chỉ là một nỗ lực để con người sống một cách quy củ hơn mà thôi. Cũng giống như một câu hỏi dành cho các sinh viên luật: "nếu thực sự pháp luật phòng chống được tội phạm, vậy tại sao chúng ta phải luôn luôn khóa cửa nhà khi đi ngủ?"

Nauy tự hào là một trong các quốc gia đầu tiên nhận thực được những điều ở trên. Rằng xét cho cùng, chính giáo dục mới là cách duy nhất phòng chống được tội phạm. Và thông qua việc cải tạo, và thịnh vượng, xã hội, Nauy sẽ không bao giờ đối mặt với những tội ác ghê tởm như thế. Nhưng rồi Breivik đã đặt Nauy vào một thách thức chưa từng có. Xã hội Nauy sẽ trả lời thế nào đây với gia đình của 78 nạn nhân, khi có thể chỉ hơn 10 năm nữa, tên sát nhân máu lạnh này sẽ ngồi ăn chung một tiệm ăn với họ mà họ không hay biết?

Tờ Telegraph của Anh chạy một dòng tít sau sự kiện này: "Norway keeps it cool in wake of tragedy" (Nauy giữ sự bình tĩnh trong thảm họa). Có lẽ không ở đâu khác mà một Thủ tướng lại đứng ra kêu gọi đáp trả tội ác của Breivik bằng sự mở rộng dân chủ, và bất ngờ ở chỗ người dân Nauy đáp lại lời kêu gọi này bằng những cuộc tuần hành ủng hộ ôn hòa. Đây là lúc mà người Nauy trả lời cho câu hỏi: sự nhân đạo có xứng đáng được dành cho những kẻ như Breivik?. Breivik có lẽ không thực hiện tội ác của mình đơn thuần vì bệnh tâm thần cuồng loạn của hắn. Breivik có lẽ có một động cơ lớn hơn. Breivik là một kẻ tôn giáo cực đoan, cổ súy cho bạo lực chống lại người Hồi giáo. Cái mà Breivik hướng tới khi thực hiện hành vi tội ác của mình không phải là sinh mạng của 78 con người hay sự thừa nhận của những kẻ như hắn. Cái mà hắn hướng tới là sự thách thức lên chế độ nhân đạo của Nauy. "Đừng đạo đức giả nữa, tử hình tôi đi. Các người cũng như tôi thôi, khao khát bạo lực và lòng đầy hận thù" – có lẽ đó là những gì Breivik nghĩ. Một án tử, nếu có từ phía chính quyền Nauy, sẽ như một sự thừa nhận thất bại của niềm tin từ đất nước Bắc Âu này giành cho bản chất con người. Rằng rốt cuộc, đôi khi sự trả thù cần phải được thực hiện. Rằng bạo lực đôi khi phải được chấp nhận. Và đó, đối với người Nauy, sẽ là "bước thụt lùi của nền văn minh".

Người Nauy sẽ trả lời như thế nào trước thách thức này từ phía Breivik? Có lẽ cả thế giới đều muốn biết liệu rằng cuối cùng thì sự phát triển về nhân văn và văn minh của một dân tộc như Nauy có đủ sức để vượt qua lòng hận thù và cải tạo một con người như Breivik không. Phiên tòa đang diễn ra ở Oslo có lẽ không còn là vụ án của nhân dân Nauy chống lại Breivik (vì tội ác của hắn là quá rõ ràng). Có lẽ đây là một phiên tòa giữa khát khao vươn tới sự văn minh chống lại lòng hận thù của một dân tộc.

Cho dù kết quả như thế nào đi nữa, công lý cũng sẽ được thực thi. Và đối với người Nauy, công lý không chỉ có nghĩa là trừng phạt.

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Free from Fear

"Và lúc này đây là thời khắc quan trọng nhất, thời khắc sẽ quyết định vận mệnh của một quốc gia, của vị Sa hoàng, và của cuộc cách mạng. Đó là thời khắc khi viên cảnh sát bước ra khỏi vị trí của mình tiến tới một người đàn ông đứng trong đám đông biểu tình. Viên cảnh sát lớn giọng, và ra lệnh cho người đàn ông ấy về nhà. Viên cảnh sát và người đàn ông trong đoàn biểu tình ấy đều là những con người bình thường, họ đều vô danh đối với chúng ta, nhưng cuộc gặp gỡ của họ mang một dấu ấn lịch sử sâu sắc. Cả hai đều là những người trưởng thành, họ đều đã trải qua những sự kiện nhất định, và họ đều có những kinh nghiệm cá nhân. Kinh nghiệm của viên cảnh sát đó là: Khi tôi lớn tiếng với ai đó và giơ cao gậy của tôi lên, người đó sẽ run sợ và quay đầu bỏ chạy. Kinh nghiệm của người đàn ông trong đám đông biểu tình đó là: Khi thấy viên cảnh sát tiến tới, một nỗi sợ sẽ chạy khắp người tôi và tôi sẽ phải bỏ chạy. Nhìn vào những kinh nghiệm đó, chúng ta có thể mường tượng một kịch bản: Viên cảnh sát la hét, người đàn ông bỏ chạy, đám đông tan đàn theo, và quảng trường sẽ lại sạch bóng người.

Nhưng lần này, mọi thứ lại diễn ra khác đi. Viên cảnh sát vẫn la hét, nhưng người đàn ông không bỏ chạy. Anh ta đứng đó, nhìn viên cảnh sát. Đó là một cái nhìn cẩn trọng, thấp thoáng sự run rẩy bởi nỗi sợ, nhưng cùng lúc, có cả sự cương bướng và lì lợm. Người đàn ông không động đậy. Anh ta liếc nhìn xung quanh và nhận thấy cái nhìn tương tự trên những gương mặt khác. Cũng giống như anh ta, những người xung quanh đều mang bộ mặt cẩn trọng, một chút sợ sệt, nhưng đã rất cứng cỏi và bất khoan. Không ai bỏ chạy mặc cho viên cảnh sát tiếp tục la hét; và cuối cùng viên cảnh sát ngưng giọng. Đó là một thời khắc tĩnh lặng. Chúng ta không rõ liệu rằng viên cảnh sát hay người đàn ông trong đám biểu tình có nhận biết điều gì vừa diễn ra hay không. Người đàn ông ấy đã không còn sợ hãi nữa - và đó chính là lúc mà cuộc cách mạng bắt đầu. Cho đến trước lúc ấy, bất kỳ khi nào hai người đàn ông này giáp mặt nhau, một nhân vật thứ ba ngay lập tức xen vào giữa hai họ. Nhân vật thứ ba đó chính là Nỗi sợ. Nỗi sợ là đồng minh của viên cảnh sát và là kẻ thù của đám đông. Nỗi sợ áp đặt luật lệ của nó và quyết định mọi thứ. Giờ đây, cả hai người đàn ông thấy bản thân độc lập, đối mặt nhau, và Nỗi sợ đã biến mất trong không khí. Cho đến trước lúc ấy, sự tương tác giữa họ bị ràng buộc bởi cảm xúc, một dạng pha trộn giữa sự thô bạo, khinh miệt, giận dữ và khiếp sợ. Nhưng lúc này đây, Nỗi sợ đã rút lui, cái liên kết đầy tai ác và căm hờn đó đã gãy đổ; có cái gì đó đã bị dập tắt. Cả hai người đàn ông nay đã trở nên hoàn toàn tách biệt lẫn nhau, không còn tác dụng gì với nhau; họ giờ đây đã có thể đi những con đường khác nhau. Chính thế, viên cảnh sát phải quay đầu lại và lê bước nặng nề về phía gác canh, trong lúc người đàn ông trong đám biểu tình đứng đó, dõi theo bóng kẻ thù của anh ta dần biến mất.

Nỗi sợ: thứ quái vật tham lam, khát thịt sinh sống trong chính bản thân chúng ta. Nó không bao giờ cho phép ta quên rằng nó đang ở đó. Quái vật đó không ngừng gặm nhắm chúng ta và dày xéo gan góc của chúng ta. Quái vật đó luôn đòi hỏi được cho ăn, và chúng ta thấy rằng nó luôn luôn tìm được những của ngon nhất. Món khoái khẩu của nó là tin đồn u ám, là tin xấu, là những ý nghĩ hoang mang, là những viễn tưởng ác mộng. Từ hàng ngàn mẫu tin đồn, điềm xấu, ý kiến, con người luôn nhặt ra những mẫu tệ hại nhất - những mẫu mà Nỗi sợ ưa thích nhất. Bất cứ thừ gì để làm hài lòng con quái vật đó và khiến cho nó yên giấc. Ở đây ta có thể thấy một người nghe ai đó nói, gương mặt anh ta tái nhợt và chuyển động run rẩy. Chuyện gì đang xảy ra? Là anh ta đang nuôi dưỡng con quái vật Nỗi sợ. Và nếu như chúng ta không còn gì để cho Nỗi sợ ăn? Chúng ta sẽ tự tạo ra một cái gì đó, nóng sốt lên. Và nếu như chúng ta không thể tạo ra bất kỳ thứ gì (chuyện này rất hiếm khi xảy ra)? Chúng ta sẽ chạy đến người khác, tìm kiếm họ, hỏi han họ, lắng nghe và góp nhặt những điềm xấu, cho đến khi điềm xấu đó thỏa mãn được Nỗi sợ của chúng ta.

Tất cả những cuốn sách về các cuộc cách mạng đều mở đầu bằng một chương miêu tả sự suy đồi của nhà cầm quyền mục nát, hay bằng nỗi thống khổ và chịu đựng của người dân. Những cuốn sách ấy nên bắt đầu bằng một chương về tâm lý, một chương mô tả làm cách nào mà một con người bị hiếp đáp, kinh hãi lại có thể bỗng chốc đánh thắng được nỗi khiếp đảm của mình, và ngừng run sợ. Quá trình tiến triển bất thường này, đôi lúc diễn ra trong một chốc lát như một cú shock hay như một sự rũ bùn, quá trình này cần sự khai sáng. Con người rũ bỏ Nỗi sợ và cảm thấy Tự do. Nếu không có điều này, sẽ không có cách mạng..."

Trích Shah of Shahs (1982)

- Ryszard Kapuscinski (1932 - 2007) -

Bản dịch của Lê Nguyễn Duy Hậu

Thứ Năm, 1 tháng 4, 2010

Tìm luật

Là một sinh viên luật mới ra nghề, bạn cần biết những gì về pháp luật Việt Nam và đời sống pháp luật của chúng ta? Bài viết chỉ là sự tổng hợp những lượm lặt từ kinh nghiệm bản thân tác giả, hoặc từ những chia sẻ của người đi trước. Quan điểm trong bài chỉ mang tính cá nhân, và hy vọng rằng góc nhìn có phần chủ quan này sẽ không bị xem là quá cực đoan vì lý do gì.


====================================

Đối với một sinh viên luật vừa ra trường, thời gian đầu là lúc mà họ cần tìm sự thăng bằng. Thăng bằng để vượt qua sự chênh lệch, khập khiễng giữa pháp luật học đường và đời sống pháp luật thực tế.

Việc học trong trường đem đến cho bạn kiến thức toàn diện và niềm vui tri thức, đó là khoảng thời gian đẹp. Trường luật đào tạo ra những luật gia giỏi lý thuyết và có kiến thức sâu rộng về các ngành nghề.

Nhưng đời sống pháp luật của chúng ta không phải như thế. Công việc của một luật sư, hay một chuyên gia pháp lý, thiên về mặt kĩ năng hơn là mặt kiến thức. Đa số các vấn đề mà một luật sư gặp phải là những vấn đề rất mới. Mới ở chỗ nó ít khi được giảng dạy một cách quy củ trong các viện đại học vì tính chi tiết của nó. Nhưng điểm khác nhau giữa một luật sư và một người không được đào tào luật, trong trường hợp này, là ở chỗ người luật sư nắm giữ được công cụ để giải quyết vấn đề. Công cụ ở đây là khả năng tìm ra luật; trong khi người không được đào tạo luật sẽ tìm đến luật sư. Điều này đòi hỏi kiến thức nền, là những gì viện đại học cung cấp, nhưng phần nhiều kết quả đền từ những kĩ năng nghiên cứu và tìm luật. Học luật là học cách tìm ra luật.

Ví dụ: Khi tìm hiểu về hoạt động logistics. Một sinh viên luật sẽ ít khi có cơ hội được tìm hiểu quy củ về đề tài này trong viện đại học. Nhưng một sinh viên luật chắc chắn sẽ biết rằng đây là một hoạt động thuộc lĩnh vực thương mại, và một phần nào đó nó sẽ được điều chỉnh bởi Luật Thương mại. Nhưng chắc chắn rằng sinh viên đó cũng biết rằng Luật Thương mại chỉ là một bộ luật khung, không thể điều chỉnh một hoạt động chi tiết và có tính chuyên môn cao như hoạt động logistics. Như vậy, hiểu được bản chất của từng loại văn bản pháp luật, sinh viên đó sẽ tìm kiếm các quy định của hoạt động này trong các văn bản pháp lý dưới luật, thường là những nghị định, thông tư có mức độ quy định chi tiết hơn. Lúc này, người sinh viên luật đã biết chỗ để tìm ra luật, còn tìm như thế nào thì đó là một kĩ năng khác thuộc về lĩnh vực sử dụng internet.


Đó là cách mà một sinh viên luật cần bắt đầu. Chuẩn bị tâm lý để trả lời những câu hỏi liên quan đến các lĩnh vực hoàn toàn xa lạ. Có lẽ cần nói một cách ngắn gọn, bản chất của từng văn bản pháp luật cũng quyết định việc một lĩnh vực sẽ được tìm ở đâu:

  • Luật, bộ luật, pháp lệnh: đây sẽ là các văn bản pháp lý có tính chung, nền tảng và nguyên tắc. Những vấn đề rất cơ bản của một quan hệ pháp luật nào đó sẽ được người ta quy định ở đây. Đây là văn bản định hướng cho quá trình tìm kiếm luật của người sinh viên.
  • Nghị định: nghị định có hai chức năng. (1) nó giải thích luật một cách chi tiết hơn, luật của chúng ta gọi là hướng dẫn thi hành, (2) nó đôi khi ra đời để điều chỉnh một quan hệ xã hội quá chi tiết, quá mới mà luật không lường trước được, nhưng hoạt động đó vẫn nằm trong quan hệ xã hội lớn mà luật điều chỉnh.
  • Thông tư: đây là các văn bản do Bộ ban hành. Chính vì thế, nó hoàn toàn phục vụ các mục tiêu chuyên môn mà Bộ muốn đạt đến. Nó cũng có hai chức năng (1) giải thích cụ thể thêm cho nghị định, (2) điều chỉnh các vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết và nhanh chóng. Điều này giúp cho sinh viên luật khoanh vùng lại những loại văn bản cần tìm, nếu như vấn đề đang tìm hiểu hiện là vấn đề có tính bức xúc, như vấn đề thuế xuất nhập khẩu, hay giá xăng...
  • Công văn: cần lưu ý, đây không phải là một văn bản pháp lý. Nhưng trong đời sống pháp luật Việt Nam, nó được sử dụng một cách rộng rãi như một cơ sở pháp lý. Công văn là một dạng câu trả lời chính thức mà cơ quan Nhà nước đưa ra khi có yêu cầu về một tình huống pháp lý rất cụ thể nào đó. Nó có tính cụ thể hơn cả nghị định và thông tư và có thể xem nó như một "án lệ" trong lĩnh vực hành chính, nhưng không có tính ràng buộc. Việc sưu tầm các loại công văn đối với sinh viên luật là rất khó khăn,.Vì thế, vấn đề này thường được dựa vào kinh nghiệm làm việc lâu năm và có sự dìu dắt của các luật sư có kinh nghiệm.
Bốn loại văn bản kể trên là bốn loại văn bản thường thấy nhất và được sử dụng nhiều nhất. Nhưng cần lưu ý, có một số vấn đề cụ thể, chi tiết, mang tính chuyên ngành, nhưng do tính bức xúc, phức tạp và chuyên ngành mà nó có thể được nâng lên thành luật mà không nằm dưới dạng một văn bản dưới luật. Ví dụ như luật chứng khoán, pháp lệnh quảng cáo... Một sinh viên luật kinh nghiệm sẽ biết cách tìm kiếm các văn bản luật trước bằng công cụ google đơn giản, sau đó mới tìm lần lượt các văn bản sau.

Cũng cần lưu ý thêm, không phải bất kì quan hệ xã hội nào pháp luật cũng điều chỉnh một cách chi tiết. Đôi khi, pháp luật đưa ra những khái niệm mà hàm nghĩa rộng lớn, có thể bao hàm cả những hoạt động khác có nét tương đồng, hoặc không quá ảnh hưởng đến xã hội đến mức cần quy định cụ thể. Lấy ví dụ như hoạt động điều tra, nghiên cứu thị trường là một hoạt động rất cụ thể, chi tiết. Nhưng nhà làm luật cho rằng hoạt động này có nét tương đồng với hoạt động quảng cáo, và không quá ảnh hưởng đến mức cần phải có luật điều chỉnh. Trong trường hợp này, các quy định tại pháp lệnh quảng cáo có thể áp dụng. Một trường hợp nữa là có khi hoạt động đó mang tính dân sự, dịch vụ thuần túy và thậm chí pháp luật cũng không cần điều chỉnh. Nó có thể tiến hành thông qua các hợp đồng thỏa thuận dịch vụ thông dụng.


Chưa ai xây dựng một cách hoàn chỉnh lý thuyết về cách tìm và tra cứu luật trong pháp luật Việt Nam. Những gì vừa nêu chỉ là những kinh nghiệm mà tác giả nghe qua người khác, và những trải nghiệm thực tế. Trên thực tế thì nghề luật sư là một nghề đòi hỏi chí tiến thủ và tinh thần ham học hỏi. Một luật sư tư vấn nói như cách nói của dân trong nghề là những người cung cấp sản phẩm "có bảo hành suốt đời". Nếu như không có chí tiến thủ và tinh thần ham học hỏi thì rất khó để thành công. Dần dần thì người sinh viên luật sẽ nắm bắt được quy luật vận hành của đời sống pháp luật trong nước, để có thể dễ dàng trả lời được tất cả những câu hỏi pháp luật nào mà khách hàng đưa đến. Cần nhớ rằng người ta cần đến luật sư chỉ khi bản thân họ không thể tự biết pháp luật là gì, đa phần là vì họ không biết nó được quy định ở đâu. Một luật sư là người dự đoán được "nơi trú mình" của quy định đó và giúp khách hàng "lôi" nó ra.

(Còn tiếp)


Thứ Năm, 18 tháng 3, 2010

Tòa Tư pháp Cộng hòa Pháp


[Viết theo đơn đặt hàng của bạn Phương Dung]
=========================


(Ảnh 1: Hệ thống Tòa án Pháp, source: wikipedia)


Hệ thống tòa án Pháp được tổ chức điển hình cho mô hình nhị nguyên. Người Pháp gọi đây là mô hình Kim tự tháp đôi [double pyramid structure]. Nhị nguyên có nghĩa là ở Pháp song song tồn tại hai hệ thống tòa án có chức năng xét xử riêng biệt, độc lập lẫn nhau cả về thẩm quyền lẫn quy trình tuyển chọn các viên chức.

Bài viết sẽ đi sâu tìm hiểu tổ chức và cách thức hoạt động, một cách cơ bản nhất, của nhánh Tòa án thứ nhất trong hệ thống Tòa án Pháp nói chung: nhánh Tòa dân sự thuần túy [Ordre Judiciaire].


Hệ thống Tòa dân sự thuần túy [Tòa tư pháp] nói chung được tổ chức theo ba cấp tòa, phân chia theo đơn vị khu vực và hành chính lãnh thổ. Ba cấp tòa bao gồm các tòa trong cấp xét xử ban đầu [1ere degre], tòa trong cấp xét xử phúc thẩm [2eme degre] và tòa trong cấp phá án [Htes Jurdictions] (1).

  • Cấp xét xử đầu tiên là cấp xét xử sơ thẩm. Hệ thống hóa, ở cấp xét xử này có 3 loại Tòa chính (ở đây, tôi chọn cách dịch phổ biến trong giới luật học Việt Nam): [1] Tòa sơ thẩm thẩm quyền hạn chế [tribunal d'instance - STTQHC ], [2] Tòa sơ thẩm thẩm quyền rộng [tribunal de grande instance -STTQR ], [3] các Tòa chuyên môn (2). Ngoài ra, đối với thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án hành chính, người Pháp giao việc này cho một loại Tòa riêng biệt, gọi là Tòa Đại hình [Cour d'Assises], đây là tòa duy nhất có chế định bồi thẩm đoàn [jury] (3). Cũng lưu ý thêm, cách phân chia này chỉ mang tính tương đối và thể hiện ý chí chủ quan của các nhà luật học, tùy cách tiếp cận mà chúng ta có thể có cách phân chia khác nhau.
  • Cấp xét xử thứ hai, hay còn gọi là cấp xét xử phúc thẩm [appeal], được tổ chức đơn giản hơn, bao gồm một hệ thống Tòa phúc thẩm [Cour d'Appel]. Riêng đối với vụ án hình sự [felony], cấp xét xử phúc thẩm được tổ chức đặc biệt hơn.
  • Ngoài ra, Pháp, cũng như các quốc gia theo Dân luật khác, tổ chức một cấp tòa Phá án, có nhiệm vụ xem xét lại vấn đề áp dụng pháp luật của các tòa cấp dưới. Ở đây, Tòa Phá án Pháp [Cour de Cassation] được xem như Tòa án tối cao trong nhánh Tòa Tư pháp.

1. Cấp xét xử sơ thẩm:

Ở Pháp, do nhu cầu phân phối công việc, giúp các thẩm phán và các Tòa không bị quá tải vì những vụ án ở cấp sơ thẩm này, hệ thống Tòa án Pháp ở cấp này đã được phân chia một cách chi tiết. Trong đó:
  • Tòa STTQHC: được tổ chức bao gồm một cơ quan chuyên xét xử các vụ án dân sự có mức độ nhỏ, tranh chấp không lớn [thông thường được quy đổi ra lượng tiền tranh chấp tính theo Euro], cơ quan này được gọi là các tribuanl civil. Bên cạnh đó, Tòa cũng có chức năng xét xử hình sự những vụ án nhỏ, thông thương là các vi phạm mang tính chất vi cảnh như lái xe vượt tốc độ, cơ quan này được gọi là các tribunal de police.
  • Tòa STTQR: Tòa này cũng có chức năng xét xử cả hình sự và dân sự. Cái tên nói lên phạm vi thẩm quyền của nó. Thẩm quyền của Tòa này là rất rộng. Có thể tóm tắt như sau, những vụ án dân sự nào không thuộc thẩm quyền của Tòa STTQHC và các tòa chuyên môn thì sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa STTQR. Đây là các vụ án có mức độ tranh chấp lớn, hoặc phức tạp, hoặc thuộc các chế định quan trọng trong Bộ luật Napoleon như ly hôn... Cơ quan xét xử dân sự của loại Tòa này cũng được gọi là tribunal civil. Đối với các vụ án hình sự, Tòa được phép xét xử các vụ án có khung hình phạt cao nhất là 6 năm tù giam, thông thường là các tội nhẹ, không gây nguy hiểm quá lớn cho xã hội. Cơ quan này được gọi là Tòa tiểu hình [tribunal correctionel].
  • Tòa chuyên môn: ở Pháp, một số vụ án có thể sẽ được đưa ra xét xử ở các tòa chuyên môn. Ví dụ như Tòa thương mại [Tribunal de Commerce], đây là một tòa khá đặc biệt vì bắt buộc một bên trong vụ kiện phải là thương nhân. Một tranh chấp thương mại giữa 2 thương nhân bắt buộc sẽ bị đưa ra Tòa thương mại. Nếu tranh chấp đó diễn ra giữa một người bình thường kiện một thương nhân thì nguyên đơn có quyền chọn Tòa thường hoặc Tòa thương mại. Nếu thương nhân đứng đơn kiện thì bắt buộc vụ án phải được đưa ra xét xử ở Tòa thương mại. Đó là nguyên tắc đặc trưng của Tòa này. Ngoài ra, còn có các Tòa khác như Tòa trẻ vị thành niên hay Tòa thành phần "thiểu số".
  • Tòa Đại hình: đối với các tội phạm có mức nguy hiểm cao, khung hình phạt trên 6 năm tù, pháp luật hình sự Pháp coi đây là các tội đại hình [felonies] và cần có một cơ chế xét xử riêng biệt. Tòa Đại hình Pháp được thành lập để xét xử các loại tội này. Vì đây là những tội mà hình phạt rất nghiêm khắc, cho nên pháp luật hình sự Pháp xây dựng nên chế định bồi thẩm đoàn [jury]. Bồi thẩm đoàn là một chế định tập hợp những người dân bình thường, tham gia xét xử chung với các thẩm phán chuyên nghiệp. Trong khi các thẩm phán chuyên nghiệp sẽ quyết định các vấn đề có tính pháp lý [matter of law], bồi thẩm đoàn sẽ là người trả lời các câu hỏi có tính sự kiện [matter of facts], ví dụ như bị cáo có mặt ở hiện trường lúc xảy ra vụ án hay không, hay hành vi trên có phải là bất khả kháng hay không.

(Ảnh 2: Quang cảnh Tòa Đại hình Pháp, source: Ministère de la Justice)


2. Cấp xét xử phúc thẩm:

Các vụ án được xét xử phúc thẩm thường tập trung vào một loại Tòa chính, được tổ chức theo đơn vị lãnh thổ. Ngoài ra, đối với các vụ án Đại hình thì pháp luật Pháp có quy định cơ chế phúc thẩm riêng.
  • Tòa phúc thẩm: theo pháp luật tố tụng Pháp, Tòa phúc thẩm sẽ nhận phúc thẩm tất cả các bản án bị kháng cáo kháng nghị của tất cả các loại Tòa sơ thẩm, trừ Tòa Đại hình (4). Trước đây, Tòa phúc thẩm Pháp, để giảm tải các tranh cãi không cần thiết đối với vụ án nhỏ, đã không nhận phúc thẩm các vụ án thuộc thẩm quyền sơ thẩm của Tòa STTQHC. Nhưng kể từ sau khi các Bộ luật về Tố tụng Dân sự và Tố tụng Hình sự Pháp được sửa đổi, Tòa phúc thẩm đã nhận phúc thẩm tất cả các vụ án do Tòa sơ thẩm thụ lý. Về cơ bản, Tòa phúc thẩm có 4 cơ quan chính: cơ quan Hộ tịch [sociale], chuyên phúc thẩm các quyết định của Tòa lao động [Conseil de Preud'hommes]; cơ quan Thương mại [commerciale] chuyên phúc thẩm các bản án của Tòa thương mại; cơ quan Dân sự [civile] chuyên phúc thẩm các bản án của tribunal civil; cơ quan hình sự [correctionnel] chuyên phúc thẩm các bản án của Tòa tiểu hình và Tòa vi cảnh.
  • Phúc thẩm Tòa Đại hình: trước năm 2001, các phán quyết của Tòa Đại hình sơ thẩm có tính chất chung thẩm, và không bị kháng cáo. Cách duy nhất để thay đổi phán quyết của Tòa Đại hình là thông qua trình tự Phá án, và chỉ có phần áp dụng pháp luật là có thể được sửa đổi, còn phần tình tiết vụ án thì sẽ vẫn được giữ y nguyên. Có lẽ điều này xuất phát từ sự đề cao sức mạnh của nhân dân và tính không thể sai của các bồi thẩm đoàn. Tuy nhiên, kể từ năm 2001, với sự ra đời của Luật 15 tháng 6, hay còn gọi là Luật suy đoán vô tội, sửa đổi một số điều cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự, chức năng phúc thẩm đối với bản án của Tòa Đại hình đã được thêm vào (5). Trong đó, một bản án của Tòa Đại hình có thể được phúc thẩm, xem xét lại cả những tình tiết trong vụ án, chứ không đơn thuần là xem xét việc áp dụng pháp luật như thủ tục Phá án. Cơ quan thực hiện chức năng phúc thẩm này sẽ là một Tòa Đại hình khác, hội đồng xét xử sẽ do Tòa Phá án trực tiếp thành lập, và sẽ bao gồm Đoàn bồi thẩm 12 thành viên [thay vì 9 như cấp sơ thẩm] (6). Đây được xem là một bước tiến đáng kể trong quá trình bảo vệ quyền của người bị buộc tội của pháp luật Tố tụng hình sự Pháp.

3. Thủ tục Phá án:

Cũng như thủ tục Giám đốc thẩm, tái thẩm ở Việt Nam, thủ tục Phá án Pháp không phải là một cấp xét xử mà chỉ là một cấp thẩm tra trên giấy tờ các bản án có đề nghị Phá án [pettiton for review]. Tòa Phá án có quyền xem xét lại đối với bất kì bản án nào của bất kì Tòa nào trong nhánh Tòa Tư pháp này. Tuy nhiên, hạn chế của Tòa Phá án là nó không được phép xem lại vấn đề tình tiết của vụ án, mà chỉ được phép thẩm tra lại việc áp dụng pháp luật của Tòa án cấp dưới.

Nếu trong quá trình thẩm tra này, Tòa Phá án đồng ý với cách áp dụng pháp luật của Tòa cấp dưới, Tòa sẽ ra quyết định bác đơn kháng nghị [rejet de pourvoi] và bản án kia sẽ là chung thẩm. Nếu Tòa Phá án không đồng ý với cách giải quyết của Tòa cấp dưới, Tòa sẽ ra quyết định đình chỉ thi hành bản án [casse le jugement] và yêu cầu một Tòa án khác cùng cấp với Tòa đã đưa ra bản án bị Phá án xét xử [renvoi]. Tòa Phá án không được giao cho bất kì Tòa nào đã xét xử vụ án này xét xử lại (7).

Ví dụ: Tòa Phá án phá một bản án của Tòa Tiểu hình khu vực 3, thì Tòa Phá án sẽ giao vụ án này lại cho Tòa Tiểu hình khu vực 2 hoặc một tòa nào khác tòa khu vực 3 xét xử. Nếu bản án của Tòa Tiểu hình khu vực 2 tiếp tục bị phá, thì Tòa Phá án phải giao cho một Tòa tiểu hình khác ngoài Tòa khu vực 2 và khu vực 3. Cứ thế, trình tự tiếp diễn trở về sau.


Vậy thì, hậu quả pháp lý của một bản án bị phá là như thế nào? Nó sẽ được giao xét xử lại. Nhưng pháp luật Pháp không bắt buộc Tòa xét xử lại này tuân theo những gì mà Tòa Phá án đã chỉ đạo. Thật ra, trước đây, pháp luật cũng không quy định về việc một bản án có thể bị phá bao nhiêu lần. Điều này có thể dẫn đến tình trạng bế tắc nếu như các Tòa cấp dưới nhất quyết không tuân theo những chỉ đạo của Tòa cấp trên. Để giải quyết tình trạng này, về sau, pháp luật [và một phần là tập tục] đã buộc Tòa xét xử lại lần 2 [xét xử lại bản án bị phá lần 2] phải tuân theo những chỉ đạo của Tòa Phá án Pháp (8).

---END---

(1): Xem Gerald Kock, The Machinery of Law Administration in France, 108 U.PA.L.Rev 366, 367-380 [1960].
(2): Id
(3): Id
(4): http://www.justice.gouv.fr/index.php?rubrique=10031&ssrubrique=10033&article=12026; Xem thêm C.Pr.Pén., Liv.II, Titre II, Chap. II, §1, Art. 496.
(5): Xem C.Pr.Pén., Liv.II, Titre Ier, Chap. IX, §1, Art. 380-1.
(6): http://www.justice.gouv.fr/index.php?rubrique=10031&ssrubrique=10033&article=12027 [at La Cour d'Assises d'appel]
(7): Gerald Kock, supre note 1.
(8): Id.

Thứ Hai, 15 tháng 3, 2010

Trách nhiệm hữu hạn và Luật công ty

"Trách nhiệm hữu hạn" là gì? Và tại sao những nhà đầu tư thông thường lại được hưởng chế độ này khi họ đầu tư vào các công ty?


Cần nói ngay từ đầu, khi chúng ta nói đến "trách nhiệm hữu hạn" [TNHH], có nghĩa là chúng ta đang nói đến khía cạnh nợ và nghĩa vụ trả nợ của chủ thể. Một chủ thể sẽ làm ăn bình thường mà không cần nói đến vấn đề trách nhiệm này, cho đến khi công ty thực sự có "trách nhiệm", ở đây là nợ. Chữ liability [limited liabilty] trong tiếng Anh kế toán cũng có nghĩa là "nợ". Như vậy, trách nhiệm hữu hạn có thể hiểu là nghĩa vụ chịu nợ hữu hạn của chủ thể.

Chúng ta thường nghe nói đến AIA là một công ty trách nhiệm hữu hạn, hay công ty cổ phần nhựa Bình Minh có chế độ trách nhiệm hữu hạn... Tuy nhiên, khi chúng ta nói đến TNHH, chúng ta không nói đến trách nhiệm của công ty, mà chúng ta đang nói đến trách nhiệm của những nhà đầu tư góp vốn để tạo nên công ty đó. Theo định nghĩa luật học, và pháp luật các nước đều quy định như thế, TNHH là nói đến trách nhiệm của nhà đầu tư vào công ty đối với các khoản nợ của công ty. Nghĩa là TNHH dùng để bảo vệ nhà đầu tư chứ không bảo vệ công ty. Công ty trong mọi trường hợp phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với tài sản của nó.

Lấy ví dụ minh họa: Công ty cổ phần Dimichelle có 1 cổ đông là ông Lê Nguyễn Duy Hậu, góp vốn mua 10,000 cổ phần với giá 10,000 VNĐ/cổ. Như vậy vốn ban đầu của công ty Dimichelle sẽ là 10,000 x 10,000 = 100 triệu VNĐ.
  • Nếu trong quá trình hoạt động, tài sản công ty còn 100 triệu, nhưng số nợ đến hạn lên đến 300 triệu. Do công ty có chế độ TNHH, nên ông Hậu là nhà đầu tư sẽ không phải chịu trách nhiệm thêm gì đối với khoản nợ này của công ty, ngoài việc ông chịu mất trắng 100 triệu đầu tư ban đầu. Như vậy, chủ nợ trong trường hợp này đành ngậm ngùi thu về 100 triệu và chịu mất 200 triệu.
  • Tương tự, nếu tài sản công ty tăng lên 200 triệu, nhưng nợ là 300 triệu. Điều này không có nghĩa là công ty chỉ phải chịu mất 100 triệu ban đầu. Bản thân công ty là một pháp nhân, nó chịu trách nhiệm vô hạn, nên nó sẽ mất 200 triệu tài sản. Chủ nợ thu về 200 triệu và mất 100 triệu. Ông Hậu, tuy thực chất là chủ công ty, nhưng sẽ vô can trong trường hợp này.

Xem xét ví dụ trên, có thể thấy, khi vấn đề TNHH được đặt ra [nợ đến hạn], thì tài sản công ty còn bao nhiêu sẽ phải đem đi thanh toán cho đủ số nợ. Nếu không đủ thì thôi, chủ nợ sẽ mất phần còn thiếu, công ty phá sản và chấm dứt hoạt động, tài sản riêng của nhà đầu tư, chủ công ty không bị đụng đến.

Ngày nay, có lẽ là tất cả mọi hệ thống pháp luật trên thế giới về công ty đều xem chế độ trách nhiệm hữu hạn là một đặc tính không thể thiếu và mang tính đặc trưng, định nghĩa khi nói đến công ty. Tuy nhiên, quan điểm về TNHH không phải là một quan điểm có tính tự nhiên. Chế độ TNHH ra đời xuất phát từ sự thôi thúc của các điều kiện lịch sử và kinh tế.

Thật khó để xác định lịch sử của chế độ TNHH. Theo luật gia vĩ đại William Blackstone của Anh, có lẽ nó xuất phát từ các corpora của người La Mã cổ đại (1). Nhưng điều này cũng không chắc chắn. Chỉ biết rằng, khi các quốc gia thực dân cử đội tàu của những công ty Đông Ấn đi khai phá thuộc địa, người ta đã cho phép nhà đầu tư được hưởng chế độ TNHH đối với phần vốn góp vào trong đội tàu, vì tính chất quá nguy hiểm của những cuộc hải hành này (2). Tuy nhiên, trong quan hệ thương mại nội địa, ví dụ như ở Anh, các nhà đầu tư vẫn phải chịu trách nhiệm vô hạn, cho đến năm 1855 với Đạo luật về TNHH [Limited Liability Act]. Nhưng thậm chí khi đã có luật, người ta cũng không có cách hiểu trọn vẹn về vấn đề này, cho đến năm 1897, khi Viện nguyên lão Anh [House of Lords] với tư cách là Tòa tối cao lúc bấy giờ đã đưa ra phán quyết có tính bước ngoặt trong vụ Salomon v. Salomon & Co.. Trong vụ này, Thẩm phán Halsbury đã đưa ra một nhận định nổi tiếng, trong đó cho rằng nếu công ty Salomon & Co của ông Salomon làm chủ không phải là "một thực thể độc lập", thì nghĩa là chúng ta rơi vào cái vòng luẩn quẩn "vừa có công ty, vừa không có công ty" (3). Bằng việc tách công ty Salomon & Co ra khỏi cái bóng của ông chủ Salomon, Viện nguyên lão Anh đã đưa ra chính thức xác định rằng công ty là một thực thể độc lập khỏi chủ của nó [tư cách pháp nhân] và tài sản của chủ và tài sản của công ty là hai loại tài sản độc lập, do đó không thể lấy để bù qua cấn lại. Ở Anh là như thế, ở Mỹ, chế độ TNHH cũng chỉ được công nhận kể từ năm 1931 (4).


Vậy thì tại sao nhà đầu tư phải được hưởng TNHH khi đầu tư vào công ty?

Có nhiều cách để trả lời câu hỏi này. Ở đây, tôi cho rằng có hai lý do chính:

Xét về mặt kinh tế, đặt chế độ TNHH vào công ty khiến cho hiệu quả kinh tế được đẩy lên cao nhất. Điều này được lịch sử doanh nghiệp Mỹ và Anh chứng minh. Hai tác giả Reiner R. Kraakman [Harvard] và Henry Hansmann [NYU] đã có những bình luận khá hay về khía cạnh này (5):
  • Hai ông cho rằng đây là một cách làm thuận tiện. Nó cho phép chủ nợ của doanh nghiệp có quyền ưu tiên tiếp cận tài sản doanh nghiệp, trong khi chủ nợ của nhà đầu tư có quyền ưu tiên tiếp cận tài sản của nhà đầu tư. Vì rằng hai loại chủ nợ này chính là người hiểu biết rõ nhất về tình trạng tài chính của con nợ mình, nên việc đặt chế độ TNHH lên công ty để tách bạch nợ công ty và nợ của nhà đầu tư khiến cho chủ nợ xác định được mình phải đòi ai, và đòi ở đâu. Từ đó tiết kiệm đáng kể những chi phí trong việc thu hồi nợ.
  • Nó giúp cho các doanh nghiệp làm ăn lớn, có nhiều công ty con, có khả năng chia rủi ro khi giao dịch ra làm nhiều phần nhỏ. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp lớn có khả năng thế chấp một phần tài sản làm đảm bảo khi vay nợ dễ dàng hơn, từ đó giúp chủ nợ khoanh vùng khối lượng tài sản cần theo dõi.
  • Cuối cùng, bằng việc quy định TNHH, phần nào đó, luật công ty đã chuyển rủi ro về tài chính từ nhà đầu tư sang cho chủ nợ [nhà đầu tư đã sẵn sàng mất tiền, trong khi chủ nợ có động cơ hơn để đòi giám sát hoạt động của công ty]. Từ đó buộc chủ nợ phải tham gia giám sát hoạt động của công ty. Như vậy là một công đôi việc.
Xét về tính công bằng, phải nhìn nhận rằng các công ty là một thực thể độc lập khỏi những nhà đầu tư. Một công ty có thể có hàng trăm nhà đầu tư, nhưng công ty vận hành như thế nào đôi khi lại nằm trong tay khoảng một hai người lãnh đạo. Như vậy, sẽ có những nhà đầu tư rơi vào thế đặt tài sản của mình vào tay người khác do đã lỡ tham gia công ty. Để tránh trường hợp này, đồng thời cũng nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư bỏ vốn, pháp luật đặt ra vấn đề giới hạn trách nhiệm cho các nhà đầu tư. Như vậy, việc đem đầu tư 100 triệu vào công ty cũng sẽ giống như một sự chấp thuận giao 100 triệu của nhà đầu tư cho một nhóm người biết làm ăn để sinh lời, chứ không còn mang nặng tính cá cược, rủi ro như trước nữa. Đây là một cách làm hợp lý. Thật ra, luật công ty của các quốc gia thường chú trọng việc giải quyết vấn đề quan hệ giữa bên được đại diện [principal] và bên đại diện [agent], bởi vì bên được đại diện [ở đây là nhà đầu tư] thường khó có thể biết được bên đại diện [ở đây là công ty] sẽ làm gì với vốn của mình. Chính từ sự bị động về thông tin này, pháp luật về TNHH ra đời cũng là để bảo vệ cho bên được đại diện [Tất nhiên, đây chỉ là một cách để bảo vệ và thật ra cũng không phải là cách làm đặc trưng].



Tuy nhiên, vấn đề TNHH của nhà đầu tư cũng bị chỉ trích dữ dội. Nhiều người cho rằng đây thực tế chỉ là sự chuyển dịch rủi ro từ nhà đầu tư sang cho xã hội. Họ lập luận rằng, việc cho nhà đầu tư một TNHH sẽ khiến cho nhà đầu tư đó, nếu tham gia điều hành công ty, sẽ không có trách nhiệm đối với các giao dịch của mình [vì số tiền mất là đã xác định được]. Cũng giống như hiện tượng moral hazard trong bảo hiểm, đây là điều mà pháp luật công ty cũng cần tính đến. Ngày nay, vấn đề này càng trở nên nóng bỏng kể từ sau vụ nhà máy Bhopal gây thiệt hại ở Ấn Đ, vượt xa mức số tài sản thực của công ty.

Để giải quyết vấn đề này, luật công ty có thể đưa ra những quy định rắc rối liên quan đến việc tách bạch quyền điều hành và quyền sở hữu công ty, hoặc lập ra các ủy ban giám sát hoạt động của công ty [trustees], hay bắt công khai thông tin công ty trước khi giao dịch [cáo bạch, disclosure]... Tuy nhiên, phổ biến nhất hiện nay là nguyên tắc "phá hạn trách nhiệm" hay "piercing the corporate veil", trong đó cho phép tòa án với tay đến số tài sản độc lập của nhà đầu tư trong một số trường hợp. Như vậy, có lẽ đã đến lúc cần định nghĩa là khái niệm TNHH và phạm vi được hưởng TNHH của nhà đầu tư. Hai tác giả Kraakman va Hansmann cho rằng khi nói đến vấn đề TNHH thì chúng ta đang nói đến TNHH trong hợp đồng, tức là đối với các chủ nợ tự nguyện. Còn đối với các chủ nợ không tự nguyện, vấn đề TNHH không nên được đặt ra. Đây là những trường hợp liên quan đến việc công ty phải có trách nhiệm đối với các khoản nợ do công ty gây thiệt hại ngoài hợp đồng [torts], như trong các thảm họa môi trường [environmental disaster], hoặc đối với các trường hợp gây thương tích cá nhân [personal injury].

Lê Nguyễn Duy Hậu
[15 tháng 3 năm 2010]



(1) Xem Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Đình Cung, Công ty, vốn, quản lý và tranh chấp, NXB Tri thức [2009], trang 32
(2) Sđd, trang 35
(3) Sđd, trang 69
(4) Xem Phillip Blumberg, Limited Liability and Corporate Groups, 11 Journal of Corporate Law 573 [1986]
(5) Xem R. Kraakman, H. Hansmann and co-writers, The Anatomy of Corporate Law: A Comparative and Functional Approach, Oxford University Press [2004], trang 8-10

Thứ Năm, 11 tháng 3, 2010

Brandeis on Freedom of Speech

Vào năm 1927, Thẩm phán Tối cao pháp viện Hoa Kỳ, Louis D. Brandeis [1856-1941] đã viết một trong những ý kiến [concurring] xuất sắc nhất trong lịch sử Tối cao pháp viện Hoa Kỳ. Trong vụ án Whitney v. California, Louis Brandeis đã đưa ra ý kiến của mình về những giới hạn và phạm vi của quyền Tự do ngôn luận. Ngày nay, những lý luận của Brandeis không chỉ mang giá trị pháp lý cao cho thực tiễn xét xử các vụ án về quyền Dân sự ở Hoa Kỳ, mà còn là một biện hộ quan trọng và có sức thuyết phục cho phong trào vì Quyền Tự do ngôn luận trên toàn thế giới.



"... Những người đã giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta tin tưởng rằng, mục đích sau cùng của Nhà nước là giúp cho con người tự do phát triển những tố chất của bản thân. Và rằng trong chính phủ, sự thiện chí đối thoại phải chiến thắng bạo lực hung tàn. Họ trân trọng tự do như là một mục tiêu, và cũng là phương tiện để đạt được mục tiêu đó. Họ tin rằng tự do chính là bí mật của hạnh phúc, và lòng dũng cảm là bí mật của tự do. Họ tin tưởng rằng: được quyền suy nghĩ như mình muốn và được nói lên những gì mình suy nghĩ là quyền bất khả phân, và là chìa khóa để tìm ra chân lý chính trị. Rằng nếu không có tự do ngôn luận, những cuộc hội họp chỉ là vô bổ. Rằng thông qua tranh luận, những ý tưởng học thuyết điên rồ sẽ bị đánh bại. Rằng kẻ thù lớn nhất của tự do chính là những con người bất động, vô tâm. Rằng tự do ngôn luận là nghĩa vụ chính trị và giá trị căn bản của chính quyền Mỹ. Họ cũng đã nhận ra những mối đe dọa mà các định chế do con người tạo ra có thể gây ra. Nhưng họ cũng hiểu rằng trật tự xã hội không thể được đảm bảo chỉ bằng nỗi sợ bị trừng phạt khi vi phạm pháp luật; rằng sẽ là rất nguy hiểm nếu như ngăn cản những suy nghĩ, hy vọng và trí tưởng tượng; rằng nỗi sợ sinh ra áp bức, rằng áp bức sinh ra thù hận, rằng thù hận là mối đe dọa cho một chính phủ vững bền; rằng con đường dẫn đến sự an toàn nằm ở cơ hội được tự do thảo luận những bất bình đương nhiên và những hậu quả có thể xảy ra, và rằng giải pháp phù hợp nhất dành cho những lời biện hộ xấu chính là những tranh luận tốt. Với niềm tin rằng sức mạnh của lý lẽ được áp dụng thông qua những cuộc thảo luận công khai, họ từ chối sự im lặng có được từ luật pháp – đó là sự tranh luận bằng bạo lực ở dạng tồi tệ nhất. Nhận thấy sự chuyên chế của đa số nắm quyền vào bấy giờ, họ đã tu chính bản Hiến pháp để cho quyền Tự do ngôn luận và Tự do lập hội được bảo vệ.


Chỉ nỗi sợ về những tổn thương nghiêm trọng không thể biện minh cho sự ngăn cấm Tự do ngôn luận và hội họp. Con người ta sợ phù thủy nên đã thiêu sống phụ nữ. Chức năng của ngôn luận là giải thoát con người khỏi lệ thuộc vào những nỗi sợ phi lý. Muốn biện minh cho sự ngăn cấm Tự do ngôn luận, bắt buộc phải có cơ sở hợp lý để e ngại rằng những tội ác nghiêm trọng sẽ xảy ra nếu Tự do ngôn luận được thực hiện. Phải có một cơ sở hợp lý để tin rằng một mối nguy hiểm rõ ràng đang sắp sửa xảy ra. Phải có một cơ sở hợp lý để tin rằng tội ác cần ngăn chặn là một tội ác nghiêm trọng. Tất cả những chỉ trích chống lại luật lệ hiện hành đều nhắm tới bằng cách nào đó việc gia tăng hả năng rằng tội phạm sẽ xảy ra. Sự tha thứ cho hành vi vi phạm càng gia tăng khả năng đó. Những biểu hiện đồng tình thêm vào khả năng. Sự truyền bá những tư tưởng tội phạm bằng cách giảng dạy về chủ nghĩa công đoàn càng làm gia tăng khả năng. Biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật càng nâng cao khả năng đó xa hơn. Nhưng ngay cả những biện minh cho bạo lực ấy, cho dù đáng lên án về đạo đức, thì cũng không phải là cái cớ cho việc từ chồi quyền Tự do ngôn luận một khi những lời biện hộ đó không phải là sự kích động và cũng không có gì tỏ ra rằng lời nói đó sẽ được thừa hành ngay lặp tức. Sự khác biệt lớn giữa biện hộ và kích động, giữa chuẩn bị và xâm hại, giữa hội họp và âm mưu, phải được ghi nhớ nằm lòng. Nhằm giúp cho việc phát hiện ra mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu, phải chứng minh được rằng hoặc là bạo lực nghiêm trọng ngay tức khắc đã đương nhiên trù tính được hay đã được tán thành; hoặc những hành vi trong quá khứ cho ta lý do để tin chắc rằng những lời biện hộ đó sẽ được thực hiện về sau.


Những người đã đấu giành độc lập cho chúng ta bằng con đường cách mạng không hèn nhát. Họ không sợ sự thay đổi về chính trị. Họ không đánh đổi ổn định bằng cái giá là sự Tự do. Đối với những con người can đảm, tự cường, có niềm tin vào sức mạnh của lý trí tự do và không sợ hãi, được áp dụng thông qua tiến trình của một chính quyền dân chủ, thì những mối nguy hiểm có thể có từ ngôn luận tự do không thể được xem là “rõ ràng và hiện hữu”. Trừ khi tội ác có thể xảy ra là quá hiện hữu đến mức nó không cho chúng ta một cơ hội để có được sự thảo luận đầy đủ. Nếu như vẫn còn đó thời gian để thông qua tranh luận, chúng ta lật tẩy được những điều sai trái và ngụy biện, để ngăn chặn cái xấu bằng biện pháp giáo dục, thì giải pháp chúng ta phải chọn là càng nhiều hơn nữa những phát ngôn, chứ không phải một sự im lặng bị ép buộc. Chỉ có tình trạng khẩn cấp mới có thể biện minh cho việc đàn áp. Những điều kể trên là nguyên tắc nếu như chúng ta muốn dung hòa giữa quyền lực và tự do. Những điều đó, theo ý kiến của tôi, là tư tưởng chỉ đạo của bản Hiến pháp. Do đó, người dân Hoa Kỳ luôn luôn được thoải mái chống lại những đạo luật ngăn cấm quyền Tự do ngôn luận và Tự do hội họp, bằng cách chỉ ra rằng không hề có một trường hợp khẩn cấp nào biện minh cho đạo luật đó…”