Thứ Năm, 1 tháng 4, 2010

Tìm luật

Là một sinh viên luật mới ra nghề, bạn cần biết những gì về pháp luật Việt Nam và đời sống pháp luật của chúng ta? Bài viết chỉ là sự tổng hợp những lượm lặt từ kinh nghiệm bản thân tác giả, hoặc từ những chia sẻ của người đi trước. Quan điểm trong bài chỉ mang tính cá nhân, và hy vọng rằng góc nhìn có phần chủ quan này sẽ không bị xem là quá cực đoan vì lý do gì.


====================================

Đối với một sinh viên luật vừa ra trường, thời gian đầu là lúc mà họ cần tìm sự thăng bằng. Thăng bằng để vượt qua sự chênh lệch, khập khiễng giữa pháp luật học đường và đời sống pháp luật thực tế.

Việc học trong trường đem đến cho bạn kiến thức toàn diện và niềm vui tri thức, đó là khoảng thời gian đẹp. Trường luật đào tạo ra những luật gia giỏi lý thuyết và có kiến thức sâu rộng về các ngành nghề.

Nhưng đời sống pháp luật của chúng ta không phải như thế. Công việc của một luật sư, hay một chuyên gia pháp lý, thiên về mặt kĩ năng hơn là mặt kiến thức. Đa số các vấn đề mà một luật sư gặp phải là những vấn đề rất mới. Mới ở chỗ nó ít khi được giảng dạy một cách quy củ trong các viện đại học vì tính chi tiết của nó. Nhưng điểm khác nhau giữa một luật sư và một người không được đào tào luật, trong trường hợp này, là ở chỗ người luật sư nắm giữ được công cụ để giải quyết vấn đề. Công cụ ở đây là khả năng tìm ra luật; trong khi người không được đào tạo luật sẽ tìm đến luật sư. Điều này đòi hỏi kiến thức nền, là những gì viện đại học cung cấp, nhưng phần nhiều kết quả đền từ những kĩ năng nghiên cứu và tìm luật. Học luật là học cách tìm ra luật.

Ví dụ: Khi tìm hiểu về hoạt động logistics. Một sinh viên luật sẽ ít khi có cơ hội được tìm hiểu quy củ về đề tài này trong viện đại học. Nhưng một sinh viên luật chắc chắn sẽ biết rằng đây là một hoạt động thuộc lĩnh vực thương mại, và một phần nào đó nó sẽ được điều chỉnh bởi Luật Thương mại. Nhưng chắc chắn rằng sinh viên đó cũng biết rằng Luật Thương mại chỉ là một bộ luật khung, không thể điều chỉnh một hoạt động chi tiết và có tính chuyên môn cao như hoạt động logistics. Như vậy, hiểu được bản chất của từng loại văn bản pháp luật, sinh viên đó sẽ tìm kiếm các quy định của hoạt động này trong các văn bản pháp lý dưới luật, thường là những nghị định, thông tư có mức độ quy định chi tiết hơn. Lúc này, người sinh viên luật đã biết chỗ để tìm ra luật, còn tìm như thế nào thì đó là một kĩ năng khác thuộc về lĩnh vực sử dụng internet.


Đó là cách mà một sinh viên luật cần bắt đầu. Chuẩn bị tâm lý để trả lời những câu hỏi liên quan đến các lĩnh vực hoàn toàn xa lạ. Có lẽ cần nói một cách ngắn gọn, bản chất của từng văn bản pháp luật cũng quyết định việc một lĩnh vực sẽ được tìm ở đâu:

  • Luật, bộ luật, pháp lệnh: đây sẽ là các văn bản pháp lý có tính chung, nền tảng và nguyên tắc. Những vấn đề rất cơ bản của một quan hệ pháp luật nào đó sẽ được người ta quy định ở đây. Đây là văn bản định hướng cho quá trình tìm kiếm luật của người sinh viên.
  • Nghị định: nghị định có hai chức năng. (1) nó giải thích luật một cách chi tiết hơn, luật của chúng ta gọi là hướng dẫn thi hành, (2) nó đôi khi ra đời để điều chỉnh một quan hệ xã hội quá chi tiết, quá mới mà luật không lường trước được, nhưng hoạt động đó vẫn nằm trong quan hệ xã hội lớn mà luật điều chỉnh.
  • Thông tư: đây là các văn bản do Bộ ban hành. Chính vì thế, nó hoàn toàn phục vụ các mục tiêu chuyên môn mà Bộ muốn đạt đến. Nó cũng có hai chức năng (1) giải thích cụ thể thêm cho nghị định, (2) điều chỉnh các vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết và nhanh chóng. Điều này giúp cho sinh viên luật khoanh vùng lại những loại văn bản cần tìm, nếu như vấn đề đang tìm hiểu hiện là vấn đề có tính bức xúc, như vấn đề thuế xuất nhập khẩu, hay giá xăng...
  • Công văn: cần lưu ý, đây không phải là một văn bản pháp lý. Nhưng trong đời sống pháp luật Việt Nam, nó được sử dụng một cách rộng rãi như một cơ sở pháp lý. Công văn là một dạng câu trả lời chính thức mà cơ quan Nhà nước đưa ra khi có yêu cầu về một tình huống pháp lý rất cụ thể nào đó. Nó có tính cụ thể hơn cả nghị định và thông tư và có thể xem nó như một "án lệ" trong lĩnh vực hành chính, nhưng không có tính ràng buộc. Việc sưu tầm các loại công văn đối với sinh viên luật là rất khó khăn,.Vì thế, vấn đề này thường được dựa vào kinh nghiệm làm việc lâu năm và có sự dìu dắt của các luật sư có kinh nghiệm.
Bốn loại văn bản kể trên là bốn loại văn bản thường thấy nhất và được sử dụng nhiều nhất. Nhưng cần lưu ý, có một số vấn đề cụ thể, chi tiết, mang tính chuyên ngành, nhưng do tính bức xúc, phức tạp và chuyên ngành mà nó có thể được nâng lên thành luật mà không nằm dưới dạng một văn bản dưới luật. Ví dụ như luật chứng khoán, pháp lệnh quảng cáo... Một sinh viên luật kinh nghiệm sẽ biết cách tìm kiếm các văn bản luật trước bằng công cụ google đơn giản, sau đó mới tìm lần lượt các văn bản sau.

Cũng cần lưu ý thêm, không phải bất kì quan hệ xã hội nào pháp luật cũng điều chỉnh một cách chi tiết. Đôi khi, pháp luật đưa ra những khái niệm mà hàm nghĩa rộng lớn, có thể bao hàm cả những hoạt động khác có nét tương đồng, hoặc không quá ảnh hưởng đến xã hội đến mức cần quy định cụ thể. Lấy ví dụ như hoạt động điều tra, nghiên cứu thị trường là một hoạt động rất cụ thể, chi tiết. Nhưng nhà làm luật cho rằng hoạt động này có nét tương đồng với hoạt động quảng cáo, và không quá ảnh hưởng đến mức cần phải có luật điều chỉnh. Trong trường hợp này, các quy định tại pháp lệnh quảng cáo có thể áp dụng. Một trường hợp nữa là có khi hoạt động đó mang tính dân sự, dịch vụ thuần túy và thậm chí pháp luật cũng không cần điều chỉnh. Nó có thể tiến hành thông qua các hợp đồng thỏa thuận dịch vụ thông dụng.


Chưa ai xây dựng một cách hoàn chỉnh lý thuyết về cách tìm và tra cứu luật trong pháp luật Việt Nam. Những gì vừa nêu chỉ là những kinh nghiệm mà tác giả nghe qua người khác, và những trải nghiệm thực tế. Trên thực tế thì nghề luật sư là một nghề đòi hỏi chí tiến thủ và tinh thần ham học hỏi. Một luật sư tư vấn nói như cách nói của dân trong nghề là những người cung cấp sản phẩm "có bảo hành suốt đời". Nếu như không có chí tiến thủ và tinh thần ham học hỏi thì rất khó để thành công. Dần dần thì người sinh viên luật sẽ nắm bắt được quy luật vận hành của đời sống pháp luật trong nước, để có thể dễ dàng trả lời được tất cả những câu hỏi pháp luật nào mà khách hàng đưa đến. Cần nhớ rằng người ta cần đến luật sư chỉ khi bản thân họ không thể tự biết pháp luật là gì, đa phần là vì họ không biết nó được quy định ở đâu. Một luật sư là người dự đoán được "nơi trú mình" của quy định đó và giúp khách hàng "lôi" nó ra.

(Còn tiếp)


Thứ Năm, 18 tháng 3, 2010

Tòa Tư pháp Cộng hòa Pháp


[Viết theo đơn đặt hàng của bạn Phương Dung]
=========================


(Ảnh 1: Hệ thống Tòa án Pháp, source: wikipedia)


Hệ thống tòa án Pháp được tổ chức điển hình cho mô hình nhị nguyên. Người Pháp gọi đây là mô hình Kim tự tháp đôi [double pyramid structure]. Nhị nguyên có nghĩa là ở Pháp song song tồn tại hai hệ thống tòa án có chức năng xét xử riêng biệt, độc lập lẫn nhau cả về thẩm quyền lẫn quy trình tuyển chọn các viên chức.

Bài viết sẽ đi sâu tìm hiểu tổ chức và cách thức hoạt động, một cách cơ bản nhất, của nhánh Tòa án thứ nhất trong hệ thống Tòa án Pháp nói chung: nhánh Tòa dân sự thuần túy [Ordre Judiciaire].


Hệ thống Tòa dân sự thuần túy [Tòa tư pháp] nói chung được tổ chức theo ba cấp tòa, phân chia theo đơn vị khu vực và hành chính lãnh thổ. Ba cấp tòa bao gồm các tòa trong cấp xét xử ban đầu [1ere degre], tòa trong cấp xét xử phúc thẩm [2eme degre] và tòa trong cấp phá án [Htes Jurdictions] (1).

  • Cấp xét xử đầu tiên là cấp xét xử sơ thẩm. Hệ thống hóa, ở cấp xét xử này có 3 loại Tòa chính (ở đây, tôi chọn cách dịch phổ biến trong giới luật học Việt Nam): [1] Tòa sơ thẩm thẩm quyền hạn chế [tribunal d'instance - STTQHC ], [2] Tòa sơ thẩm thẩm quyền rộng [tribunal de grande instance -STTQR ], [3] các Tòa chuyên môn (2). Ngoài ra, đối với thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án hành chính, người Pháp giao việc này cho một loại Tòa riêng biệt, gọi là Tòa Đại hình [Cour d'Assises], đây là tòa duy nhất có chế định bồi thẩm đoàn [jury] (3). Cũng lưu ý thêm, cách phân chia này chỉ mang tính tương đối và thể hiện ý chí chủ quan của các nhà luật học, tùy cách tiếp cận mà chúng ta có thể có cách phân chia khác nhau.
  • Cấp xét xử thứ hai, hay còn gọi là cấp xét xử phúc thẩm [appeal], được tổ chức đơn giản hơn, bao gồm một hệ thống Tòa phúc thẩm [Cour d'Appel]. Riêng đối với vụ án hình sự [felony], cấp xét xử phúc thẩm được tổ chức đặc biệt hơn.
  • Ngoài ra, Pháp, cũng như các quốc gia theo Dân luật khác, tổ chức một cấp tòa Phá án, có nhiệm vụ xem xét lại vấn đề áp dụng pháp luật của các tòa cấp dưới. Ở đây, Tòa Phá án Pháp [Cour de Cassation] được xem như Tòa án tối cao trong nhánh Tòa Tư pháp.

1. Cấp xét xử sơ thẩm:

Ở Pháp, do nhu cầu phân phối công việc, giúp các thẩm phán và các Tòa không bị quá tải vì những vụ án ở cấp sơ thẩm này, hệ thống Tòa án Pháp ở cấp này đã được phân chia một cách chi tiết. Trong đó:
  • Tòa STTQHC: được tổ chức bao gồm một cơ quan chuyên xét xử các vụ án dân sự có mức độ nhỏ, tranh chấp không lớn [thông thường được quy đổi ra lượng tiền tranh chấp tính theo Euro], cơ quan này được gọi là các tribuanl civil. Bên cạnh đó, Tòa cũng có chức năng xét xử hình sự những vụ án nhỏ, thông thương là các vi phạm mang tính chất vi cảnh như lái xe vượt tốc độ, cơ quan này được gọi là các tribunal de police.
  • Tòa STTQR: Tòa này cũng có chức năng xét xử cả hình sự và dân sự. Cái tên nói lên phạm vi thẩm quyền của nó. Thẩm quyền của Tòa này là rất rộng. Có thể tóm tắt như sau, những vụ án dân sự nào không thuộc thẩm quyền của Tòa STTQHC và các tòa chuyên môn thì sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa STTQR. Đây là các vụ án có mức độ tranh chấp lớn, hoặc phức tạp, hoặc thuộc các chế định quan trọng trong Bộ luật Napoleon như ly hôn... Cơ quan xét xử dân sự của loại Tòa này cũng được gọi là tribunal civil. Đối với các vụ án hình sự, Tòa được phép xét xử các vụ án có khung hình phạt cao nhất là 6 năm tù giam, thông thường là các tội nhẹ, không gây nguy hiểm quá lớn cho xã hội. Cơ quan này được gọi là Tòa tiểu hình [tribunal correctionel].
  • Tòa chuyên môn: ở Pháp, một số vụ án có thể sẽ được đưa ra xét xử ở các tòa chuyên môn. Ví dụ như Tòa thương mại [Tribunal de Commerce], đây là một tòa khá đặc biệt vì bắt buộc một bên trong vụ kiện phải là thương nhân. Một tranh chấp thương mại giữa 2 thương nhân bắt buộc sẽ bị đưa ra Tòa thương mại. Nếu tranh chấp đó diễn ra giữa một người bình thường kiện một thương nhân thì nguyên đơn có quyền chọn Tòa thường hoặc Tòa thương mại. Nếu thương nhân đứng đơn kiện thì bắt buộc vụ án phải được đưa ra xét xử ở Tòa thương mại. Đó là nguyên tắc đặc trưng của Tòa này. Ngoài ra, còn có các Tòa khác như Tòa trẻ vị thành niên hay Tòa thành phần "thiểu số".
  • Tòa Đại hình: đối với các tội phạm có mức nguy hiểm cao, khung hình phạt trên 6 năm tù, pháp luật hình sự Pháp coi đây là các tội đại hình [felonies] và cần có một cơ chế xét xử riêng biệt. Tòa Đại hình Pháp được thành lập để xét xử các loại tội này. Vì đây là những tội mà hình phạt rất nghiêm khắc, cho nên pháp luật hình sự Pháp xây dựng nên chế định bồi thẩm đoàn [jury]. Bồi thẩm đoàn là một chế định tập hợp những người dân bình thường, tham gia xét xử chung với các thẩm phán chuyên nghiệp. Trong khi các thẩm phán chuyên nghiệp sẽ quyết định các vấn đề có tính pháp lý [matter of law], bồi thẩm đoàn sẽ là người trả lời các câu hỏi có tính sự kiện [matter of facts], ví dụ như bị cáo có mặt ở hiện trường lúc xảy ra vụ án hay không, hay hành vi trên có phải là bất khả kháng hay không.

(Ảnh 2: Quang cảnh Tòa Đại hình Pháp, source: Ministère de la Justice)


2. Cấp xét xử phúc thẩm:

Các vụ án được xét xử phúc thẩm thường tập trung vào một loại Tòa chính, được tổ chức theo đơn vị lãnh thổ. Ngoài ra, đối với các vụ án Đại hình thì pháp luật Pháp có quy định cơ chế phúc thẩm riêng.
  • Tòa phúc thẩm: theo pháp luật tố tụng Pháp, Tòa phúc thẩm sẽ nhận phúc thẩm tất cả các bản án bị kháng cáo kháng nghị của tất cả các loại Tòa sơ thẩm, trừ Tòa Đại hình (4). Trước đây, Tòa phúc thẩm Pháp, để giảm tải các tranh cãi không cần thiết đối với vụ án nhỏ, đã không nhận phúc thẩm các vụ án thuộc thẩm quyền sơ thẩm của Tòa STTQHC. Nhưng kể từ sau khi các Bộ luật về Tố tụng Dân sự và Tố tụng Hình sự Pháp được sửa đổi, Tòa phúc thẩm đã nhận phúc thẩm tất cả các vụ án do Tòa sơ thẩm thụ lý. Về cơ bản, Tòa phúc thẩm có 4 cơ quan chính: cơ quan Hộ tịch [sociale], chuyên phúc thẩm các quyết định của Tòa lao động [Conseil de Preud'hommes]; cơ quan Thương mại [commerciale] chuyên phúc thẩm các bản án của Tòa thương mại; cơ quan Dân sự [civile] chuyên phúc thẩm các bản án của tribunal civil; cơ quan hình sự [correctionnel] chuyên phúc thẩm các bản án của Tòa tiểu hình và Tòa vi cảnh.
  • Phúc thẩm Tòa Đại hình: trước năm 2001, các phán quyết của Tòa Đại hình sơ thẩm có tính chất chung thẩm, và không bị kháng cáo. Cách duy nhất để thay đổi phán quyết của Tòa Đại hình là thông qua trình tự Phá án, và chỉ có phần áp dụng pháp luật là có thể được sửa đổi, còn phần tình tiết vụ án thì sẽ vẫn được giữ y nguyên. Có lẽ điều này xuất phát từ sự đề cao sức mạnh của nhân dân và tính không thể sai của các bồi thẩm đoàn. Tuy nhiên, kể từ năm 2001, với sự ra đời của Luật 15 tháng 6, hay còn gọi là Luật suy đoán vô tội, sửa đổi một số điều cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự, chức năng phúc thẩm đối với bản án của Tòa Đại hình đã được thêm vào (5). Trong đó, một bản án của Tòa Đại hình có thể được phúc thẩm, xem xét lại cả những tình tiết trong vụ án, chứ không đơn thuần là xem xét việc áp dụng pháp luật như thủ tục Phá án. Cơ quan thực hiện chức năng phúc thẩm này sẽ là một Tòa Đại hình khác, hội đồng xét xử sẽ do Tòa Phá án trực tiếp thành lập, và sẽ bao gồm Đoàn bồi thẩm 12 thành viên [thay vì 9 như cấp sơ thẩm] (6). Đây được xem là một bước tiến đáng kể trong quá trình bảo vệ quyền của người bị buộc tội của pháp luật Tố tụng hình sự Pháp.

3. Thủ tục Phá án:

Cũng như thủ tục Giám đốc thẩm, tái thẩm ở Việt Nam, thủ tục Phá án Pháp không phải là một cấp xét xử mà chỉ là một cấp thẩm tra trên giấy tờ các bản án có đề nghị Phá án [pettiton for review]. Tòa Phá án có quyền xem xét lại đối với bất kì bản án nào của bất kì Tòa nào trong nhánh Tòa Tư pháp này. Tuy nhiên, hạn chế của Tòa Phá án là nó không được phép xem lại vấn đề tình tiết của vụ án, mà chỉ được phép thẩm tra lại việc áp dụng pháp luật của Tòa án cấp dưới.

Nếu trong quá trình thẩm tra này, Tòa Phá án đồng ý với cách áp dụng pháp luật của Tòa cấp dưới, Tòa sẽ ra quyết định bác đơn kháng nghị [rejet de pourvoi] và bản án kia sẽ là chung thẩm. Nếu Tòa Phá án không đồng ý với cách giải quyết của Tòa cấp dưới, Tòa sẽ ra quyết định đình chỉ thi hành bản án [casse le jugement] và yêu cầu một Tòa án khác cùng cấp với Tòa đã đưa ra bản án bị Phá án xét xử [renvoi]. Tòa Phá án không được giao cho bất kì Tòa nào đã xét xử vụ án này xét xử lại (7).

Ví dụ: Tòa Phá án phá một bản án của Tòa Tiểu hình khu vực 3, thì Tòa Phá án sẽ giao vụ án này lại cho Tòa Tiểu hình khu vực 2 hoặc một tòa nào khác tòa khu vực 3 xét xử. Nếu bản án của Tòa Tiểu hình khu vực 2 tiếp tục bị phá, thì Tòa Phá án phải giao cho một Tòa tiểu hình khác ngoài Tòa khu vực 2 và khu vực 3. Cứ thế, trình tự tiếp diễn trở về sau.


Vậy thì, hậu quả pháp lý của một bản án bị phá là như thế nào? Nó sẽ được giao xét xử lại. Nhưng pháp luật Pháp không bắt buộc Tòa xét xử lại này tuân theo những gì mà Tòa Phá án đã chỉ đạo. Thật ra, trước đây, pháp luật cũng không quy định về việc một bản án có thể bị phá bao nhiêu lần. Điều này có thể dẫn đến tình trạng bế tắc nếu như các Tòa cấp dưới nhất quyết không tuân theo những chỉ đạo của Tòa cấp trên. Để giải quyết tình trạng này, về sau, pháp luật [và một phần là tập tục] đã buộc Tòa xét xử lại lần 2 [xét xử lại bản án bị phá lần 2] phải tuân theo những chỉ đạo của Tòa Phá án Pháp (8).

---END---

(1): Xem Gerald Kock, The Machinery of Law Administration in France, 108 U.PA.L.Rev 366, 367-380 [1960].
(2): Id
(3): Id
(4): http://www.justice.gouv.fr/index.php?rubrique=10031&ssrubrique=10033&article=12026; Xem thêm C.Pr.Pén., Liv.II, Titre II, Chap. II, §1, Art. 496.
(5): Xem C.Pr.Pén., Liv.II, Titre Ier, Chap. IX, §1, Art. 380-1.
(6): http://www.justice.gouv.fr/index.php?rubrique=10031&ssrubrique=10033&article=12027 [at La Cour d'Assises d'appel]
(7): Gerald Kock, supre note 1.
(8): Id.

Thứ Hai, 15 tháng 3, 2010

Trách nhiệm hữu hạn và Luật công ty

"Trách nhiệm hữu hạn" là gì? Và tại sao những nhà đầu tư thông thường lại được hưởng chế độ này khi họ đầu tư vào các công ty?


Cần nói ngay từ đầu, khi chúng ta nói đến "trách nhiệm hữu hạn" [TNHH], có nghĩa là chúng ta đang nói đến khía cạnh nợ và nghĩa vụ trả nợ của chủ thể. Một chủ thể sẽ làm ăn bình thường mà không cần nói đến vấn đề trách nhiệm này, cho đến khi công ty thực sự có "trách nhiệm", ở đây là nợ. Chữ liability [limited liabilty] trong tiếng Anh kế toán cũng có nghĩa là "nợ". Như vậy, trách nhiệm hữu hạn có thể hiểu là nghĩa vụ chịu nợ hữu hạn của chủ thể.

Chúng ta thường nghe nói đến AIA là một công ty trách nhiệm hữu hạn, hay công ty cổ phần nhựa Bình Minh có chế độ trách nhiệm hữu hạn... Tuy nhiên, khi chúng ta nói đến TNHH, chúng ta không nói đến trách nhiệm của công ty, mà chúng ta đang nói đến trách nhiệm của những nhà đầu tư góp vốn để tạo nên công ty đó. Theo định nghĩa luật học, và pháp luật các nước đều quy định như thế, TNHH là nói đến trách nhiệm của nhà đầu tư vào công ty đối với các khoản nợ của công ty. Nghĩa là TNHH dùng để bảo vệ nhà đầu tư chứ không bảo vệ công ty. Công ty trong mọi trường hợp phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với tài sản của nó.

Lấy ví dụ minh họa: Công ty cổ phần Dimichelle có 1 cổ đông là ông Lê Nguyễn Duy Hậu, góp vốn mua 10,000 cổ phần với giá 10,000 VNĐ/cổ. Như vậy vốn ban đầu của công ty Dimichelle sẽ là 10,000 x 10,000 = 100 triệu VNĐ.
  • Nếu trong quá trình hoạt động, tài sản công ty còn 100 triệu, nhưng số nợ đến hạn lên đến 300 triệu. Do công ty có chế độ TNHH, nên ông Hậu là nhà đầu tư sẽ không phải chịu trách nhiệm thêm gì đối với khoản nợ này của công ty, ngoài việc ông chịu mất trắng 100 triệu đầu tư ban đầu. Như vậy, chủ nợ trong trường hợp này đành ngậm ngùi thu về 100 triệu và chịu mất 200 triệu.
  • Tương tự, nếu tài sản công ty tăng lên 200 triệu, nhưng nợ là 300 triệu. Điều này không có nghĩa là công ty chỉ phải chịu mất 100 triệu ban đầu. Bản thân công ty là một pháp nhân, nó chịu trách nhiệm vô hạn, nên nó sẽ mất 200 triệu tài sản. Chủ nợ thu về 200 triệu và mất 100 triệu. Ông Hậu, tuy thực chất là chủ công ty, nhưng sẽ vô can trong trường hợp này.

Xem xét ví dụ trên, có thể thấy, khi vấn đề TNHH được đặt ra [nợ đến hạn], thì tài sản công ty còn bao nhiêu sẽ phải đem đi thanh toán cho đủ số nợ. Nếu không đủ thì thôi, chủ nợ sẽ mất phần còn thiếu, công ty phá sản và chấm dứt hoạt động, tài sản riêng của nhà đầu tư, chủ công ty không bị đụng đến.

Ngày nay, có lẽ là tất cả mọi hệ thống pháp luật trên thế giới về công ty đều xem chế độ trách nhiệm hữu hạn là một đặc tính không thể thiếu và mang tính đặc trưng, định nghĩa khi nói đến công ty. Tuy nhiên, quan điểm về TNHH không phải là một quan điểm có tính tự nhiên. Chế độ TNHH ra đời xuất phát từ sự thôi thúc của các điều kiện lịch sử và kinh tế.

Thật khó để xác định lịch sử của chế độ TNHH. Theo luật gia vĩ đại William Blackstone của Anh, có lẽ nó xuất phát từ các corpora của người La Mã cổ đại (1). Nhưng điều này cũng không chắc chắn. Chỉ biết rằng, khi các quốc gia thực dân cử đội tàu của những công ty Đông Ấn đi khai phá thuộc địa, người ta đã cho phép nhà đầu tư được hưởng chế độ TNHH đối với phần vốn góp vào trong đội tàu, vì tính chất quá nguy hiểm của những cuộc hải hành này (2). Tuy nhiên, trong quan hệ thương mại nội địa, ví dụ như ở Anh, các nhà đầu tư vẫn phải chịu trách nhiệm vô hạn, cho đến năm 1855 với Đạo luật về TNHH [Limited Liability Act]. Nhưng thậm chí khi đã có luật, người ta cũng không có cách hiểu trọn vẹn về vấn đề này, cho đến năm 1897, khi Viện nguyên lão Anh [House of Lords] với tư cách là Tòa tối cao lúc bấy giờ đã đưa ra phán quyết có tính bước ngoặt trong vụ Salomon v. Salomon & Co.. Trong vụ này, Thẩm phán Halsbury đã đưa ra một nhận định nổi tiếng, trong đó cho rằng nếu công ty Salomon & Co của ông Salomon làm chủ không phải là "một thực thể độc lập", thì nghĩa là chúng ta rơi vào cái vòng luẩn quẩn "vừa có công ty, vừa không có công ty" (3). Bằng việc tách công ty Salomon & Co ra khỏi cái bóng của ông chủ Salomon, Viện nguyên lão Anh đã đưa ra chính thức xác định rằng công ty là một thực thể độc lập khỏi chủ của nó [tư cách pháp nhân] và tài sản của chủ và tài sản của công ty là hai loại tài sản độc lập, do đó không thể lấy để bù qua cấn lại. Ở Anh là như thế, ở Mỹ, chế độ TNHH cũng chỉ được công nhận kể từ năm 1931 (4).


Vậy thì tại sao nhà đầu tư phải được hưởng TNHH khi đầu tư vào công ty?

Có nhiều cách để trả lời câu hỏi này. Ở đây, tôi cho rằng có hai lý do chính:

Xét về mặt kinh tế, đặt chế độ TNHH vào công ty khiến cho hiệu quả kinh tế được đẩy lên cao nhất. Điều này được lịch sử doanh nghiệp Mỹ và Anh chứng minh. Hai tác giả Reiner R. Kraakman [Harvard] và Henry Hansmann [NYU] đã có những bình luận khá hay về khía cạnh này (5):
  • Hai ông cho rằng đây là một cách làm thuận tiện. Nó cho phép chủ nợ của doanh nghiệp có quyền ưu tiên tiếp cận tài sản doanh nghiệp, trong khi chủ nợ của nhà đầu tư có quyền ưu tiên tiếp cận tài sản của nhà đầu tư. Vì rằng hai loại chủ nợ này chính là người hiểu biết rõ nhất về tình trạng tài chính của con nợ mình, nên việc đặt chế độ TNHH lên công ty để tách bạch nợ công ty và nợ của nhà đầu tư khiến cho chủ nợ xác định được mình phải đòi ai, và đòi ở đâu. Từ đó tiết kiệm đáng kể những chi phí trong việc thu hồi nợ.
  • Nó giúp cho các doanh nghiệp làm ăn lớn, có nhiều công ty con, có khả năng chia rủi ro khi giao dịch ra làm nhiều phần nhỏ. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp lớn có khả năng thế chấp một phần tài sản làm đảm bảo khi vay nợ dễ dàng hơn, từ đó giúp chủ nợ khoanh vùng khối lượng tài sản cần theo dõi.
  • Cuối cùng, bằng việc quy định TNHH, phần nào đó, luật công ty đã chuyển rủi ro về tài chính từ nhà đầu tư sang cho chủ nợ [nhà đầu tư đã sẵn sàng mất tiền, trong khi chủ nợ có động cơ hơn để đòi giám sát hoạt động của công ty]. Từ đó buộc chủ nợ phải tham gia giám sát hoạt động của công ty. Như vậy là một công đôi việc.
Xét về tính công bằng, phải nhìn nhận rằng các công ty là một thực thể độc lập khỏi những nhà đầu tư. Một công ty có thể có hàng trăm nhà đầu tư, nhưng công ty vận hành như thế nào đôi khi lại nằm trong tay khoảng một hai người lãnh đạo. Như vậy, sẽ có những nhà đầu tư rơi vào thế đặt tài sản của mình vào tay người khác do đã lỡ tham gia công ty. Để tránh trường hợp này, đồng thời cũng nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư bỏ vốn, pháp luật đặt ra vấn đề giới hạn trách nhiệm cho các nhà đầu tư. Như vậy, việc đem đầu tư 100 triệu vào công ty cũng sẽ giống như một sự chấp thuận giao 100 triệu của nhà đầu tư cho một nhóm người biết làm ăn để sinh lời, chứ không còn mang nặng tính cá cược, rủi ro như trước nữa. Đây là một cách làm hợp lý. Thật ra, luật công ty của các quốc gia thường chú trọng việc giải quyết vấn đề quan hệ giữa bên được đại diện [principal] và bên đại diện [agent], bởi vì bên được đại diện [ở đây là nhà đầu tư] thường khó có thể biết được bên đại diện [ở đây là công ty] sẽ làm gì với vốn của mình. Chính từ sự bị động về thông tin này, pháp luật về TNHH ra đời cũng là để bảo vệ cho bên được đại diện [Tất nhiên, đây chỉ là một cách để bảo vệ và thật ra cũng không phải là cách làm đặc trưng].



Tuy nhiên, vấn đề TNHH của nhà đầu tư cũng bị chỉ trích dữ dội. Nhiều người cho rằng đây thực tế chỉ là sự chuyển dịch rủi ro từ nhà đầu tư sang cho xã hội. Họ lập luận rằng, việc cho nhà đầu tư một TNHH sẽ khiến cho nhà đầu tư đó, nếu tham gia điều hành công ty, sẽ không có trách nhiệm đối với các giao dịch của mình [vì số tiền mất là đã xác định được]. Cũng giống như hiện tượng moral hazard trong bảo hiểm, đây là điều mà pháp luật công ty cũng cần tính đến. Ngày nay, vấn đề này càng trở nên nóng bỏng kể từ sau vụ nhà máy Bhopal gây thiệt hại ở Ấn Đ, vượt xa mức số tài sản thực của công ty.

Để giải quyết vấn đề này, luật công ty có thể đưa ra những quy định rắc rối liên quan đến việc tách bạch quyền điều hành và quyền sở hữu công ty, hoặc lập ra các ủy ban giám sát hoạt động của công ty [trustees], hay bắt công khai thông tin công ty trước khi giao dịch [cáo bạch, disclosure]... Tuy nhiên, phổ biến nhất hiện nay là nguyên tắc "phá hạn trách nhiệm" hay "piercing the corporate veil", trong đó cho phép tòa án với tay đến số tài sản độc lập của nhà đầu tư trong một số trường hợp. Như vậy, có lẽ đã đến lúc cần định nghĩa là khái niệm TNHH và phạm vi được hưởng TNHH của nhà đầu tư. Hai tác giả Kraakman va Hansmann cho rằng khi nói đến vấn đề TNHH thì chúng ta đang nói đến TNHH trong hợp đồng, tức là đối với các chủ nợ tự nguyện. Còn đối với các chủ nợ không tự nguyện, vấn đề TNHH không nên được đặt ra. Đây là những trường hợp liên quan đến việc công ty phải có trách nhiệm đối với các khoản nợ do công ty gây thiệt hại ngoài hợp đồng [torts], như trong các thảm họa môi trường [environmental disaster], hoặc đối với các trường hợp gây thương tích cá nhân [personal injury].

Lê Nguyễn Duy Hậu
[15 tháng 3 năm 2010]



(1) Xem Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Đình Cung, Công ty, vốn, quản lý và tranh chấp, NXB Tri thức [2009], trang 32
(2) Sđd, trang 35
(3) Sđd, trang 69
(4) Xem Phillip Blumberg, Limited Liability and Corporate Groups, 11 Journal of Corporate Law 573 [1986]
(5) Xem R. Kraakman, H. Hansmann and co-writers, The Anatomy of Corporate Law: A Comparative and Functional Approach, Oxford University Press [2004], trang 8-10

Thứ Năm, 11 tháng 3, 2010

Brandeis on Freedom of Speech

Vào năm 1927, Thẩm phán Tối cao pháp viện Hoa Kỳ, Louis D. Brandeis [1856-1941] đã viết một trong những ý kiến [concurring] xuất sắc nhất trong lịch sử Tối cao pháp viện Hoa Kỳ. Trong vụ án Whitney v. California, Louis Brandeis đã đưa ra ý kiến của mình về những giới hạn và phạm vi của quyền Tự do ngôn luận. Ngày nay, những lý luận của Brandeis không chỉ mang giá trị pháp lý cao cho thực tiễn xét xử các vụ án về quyền Dân sự ở Hoa Kỳ, mà còn là một biện hộ quan trọng và có sức thuyết phục cho phong trào vì Quyền Tự do ngôn luận trên toàn thế giới.



"... Những người đã giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta tin tưởng rằng, mục đích sau cùng của Nhà nước là giúp cho con người tự do phát triển những tố chất của bản thân. Và rằng trong chính phủ, sự thiện chí đối thoại phải chiến thắng bạo lực hung tàn. Họ trân trọng tự do như là một mục tiêu, và cũng là phương tiện để đạt được mục tiêu đó. Họ tin rằng tự do chính là bí mật của hạnh phúc, và lòng dũng cảm là bí mật của tự do. Họ tin tưởng rằng: được quyền suy nghĩ như mình muốn và được nói lên những gì mình suy nghĩ là quyền bất khả phân, và là chìa khóa để tìm ra chân lý chính trị. Rằng nếu không có tự do ngôn luận, những cuộc hội họp chỉ là vô bổ. Rằng thông qua tranh luận, những ý tưởng học thuyết điên rồ sẽ bị đánh bại. Rằng kẻ thù lớn nhất của tự do chính là những con người bất động, vô tâm. Rằng tự do ngôn luận là nghĩa vụ chính trị và giá trị căn bản của chính quyền Mỹ. Họ cũng đã nhận ra những mối đe dọa mà các định chế do con người tạo ra có thể gây ra. Nhưng họ cũng hiểu rằng trật tự xã hội không thể được đảm bảo chỉ bằng nỗi sợ bị trừng phạt khi vi phạm pháp luật; rằng sẽ là rất nguy hiểm nếu như ngăn cản những suy nghĩ, hy vọng và trí tưởng tượng; rằng nỗi sợ sinh ra áp bức, rằng áp bức sinh ra thù hận, rằng thù hận là mối đe dọa cho một chính phủ vững bền; rằng con đường dẫn đến sự an toàn nằm ở cơ hội được tự do thảo luận những bất bình đương nhiên và những hậu quả có thể xảy ra, và rằng giải pháp phù hợp nhất dành cho những lời biện hộ xấu chính là những tranh luận tốt. Với niềm tin rằng sức mạnh của lý lẽ được áp dụng thông qua những cuộc thảo luận công khai, họ từ chối sự im lặng có được từ luật pháp – đó là sự tranh luận bằng bạo lực ở dạng tồi tệ nhất. Nhận thấy sự chuyên chế của đa số nắm quyền vào bấy giờ, họ đã tu chính bản Hiến pháp để cho quyền Tự do ngôn luận và Tự do lập hội được bảo vệ.


Chỉ nỗi sợ về những tổn thương nghiêm trọng không thể biện minh cho sự ngăn cấm Tự do ngôn luận và hội họp. Con người ta sợ phù thủy nên đã thiêu sống phụ nữ. Chức năng của ngôn luận là giải thoát con người khỏi lệ thuộc vào những nỗi sợ phi lý. Muốn biện minh cho sự ngăn cấm Tự do ngôn luận, bắt buộc phải có cơ sở hợp lý để e ngại rằng những tội ác nghiêm trọng sẽ xảy ra nếu Tự do ngôn luận được thực hiện. Phải có một cơ sở hợp lý để tin rằng một mối nguy hiểm rõ ràng đang sắp sửa xảy ra. Phải có một cơ sở hợp lý để tin rằng tội ác cần ngăn chặn là một tội ác nghiêm trọng. Tất cả những chỉ trích chống lại luật lệ hiện hành đều nhắm tới bằng cách nào đó việc gia tăng hả năng rằng tội phạm sẽ xảy ra. Sự tha thứ cho hành vi vi phạm càng gia tăng khả năng đó. Những biểu hiện đồng tình thêm vào khả năng. Sự truyền bá những tư tưởng tội phạm bằng cách giảng dạy về chủ nghĩa công đoàn càng làm gia tăng khả năng. Biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật càng nâng cao khả năng đó xa hơn. Nhưng ngay cả những biện minh cho bạo lực ấy, cho dù đáng lên án về đạo đức, thì cũng không phải là cái cớ cho việc từ chồi quyền Tự do ngôn luận một khi những lời biện hộ đó không phải là sự kích động và cũng không có gì tỏ ra rằng lời nói đó sẽ được thừa hành ngay lặp tức. Sự khác biệt lớn giữa biện hộ và kích động, giữa chuẩn bị và xâm hại, giữa hội họp và âm mưu, phải được ghi nhớ nằm lòng. Nhằm giúp cho việc phát hiện ra mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu, phải chứng minh được rằng hoặc là bạo lực nghiêm trọng ngay tức khắc đã đương nhiên trù tính được hay đã được tán thành; hoặc những hành vi trong quá khứ cho ta lý do để tin chắc rằng những lời biện hộ đó sẽ được thực hiện về sau.


Những người đã đấu giành độc lập cho chúng ta bằng con đường cách mạng không hèn nhát. Họ không sợ sự thay đổi về chính trị. Họ không đánh đổi ổn định bằng cái giá là sự Tự do. Đối với những con người can đảm, tự cường, có niềm tin vào sức mạnh của lý trí tự do và không sợ hãi, được áp dụng thông qua tiến trình của một chính quyền dân chủ, thì những mối nguy hiểm có thể có từ ngôn luận tự do không thể được xem là “rõ ràng và hiện hữu”. Trừ khi tội ác có thể xảy ra là quá hiện hữu đến mức nó không cho chúng ta một cơ hội để có được sự thảo luận đầy đủ. Nếu như vẫn còn đó thời gian để thông qua tranh luận, chúng ta lật tẩy được những điều sai trái và ngụy biện, để ngăn chặn cái xấu bằng biện pháp giáo dục, thì giải pháp chúng ta phải chọn là càng nhiều hơn nữa những phát ngôn, chứ không phải một sự im lặng bị ép buộc. Chỉ có tình trạng khẩn cấp mới có thể biện minh cho việc đàn áp. Những điều kể trên là nguyên tắc nếu như chúng ta muốn dung hòa giữa quyền lực và tự do. Những điều đó, theo ý kiến của tôi, là tư tưởng chỉ đạo của bản Hiến pháp. Do đó, người dân Hoa Kỳ luôn luôn được thoải mái chống lại những đạo luật ngăn cấm quyền Tự do ngôn luận và Tự do hội họp, bằng cách chỉ ra rằng không hề có một trường hợp khẩn cấp nào biện minh cho đạo luật đó…”

Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

Holmes và nguồn gốc của Thông luật

Có một nguồn gốc thống nhất nào cho tất cả mọi quan điểm, truyền thống pháp luật trên thế giới không?

Bài viết dưới đây thử tìm kiếm một nguồn gốc như thế. Thật ra những quan điểm này không hoàn toàn thuộc về tác giả. Đây là sự tổng kết từ quan điểm pháp luật thực chứng [legal realism] của Thẩm phán Oliver Wendel Holmes, Jr (1841-1935), được trình bày trong chương I của tác phẩm nổi tiếng The Common Law (1881). Hy vọng bài viết sẽ là nguồn tham khảo bổ ích cho các bạn sinh viên khi làm quen với môn học Lý luận về pháp luật và môn học Luật so sánh.

=============================================

Holmes cho rằng: "hình thái đầu tiên của pháp luật bắt nguồn từ sự báo thù [venegance]". Luận đề đầu tiên của Holmes có thể đã gây nên tranh cãi cho các luật gia tin rằng pháp luật đi ra từ cái gì đó thiêng liêng hơn.

"Pháp luật của người La Mã cổ đại bắt đầu từ những món nợ máu [blood feud]. Pháp luật Đức cổ cũng như thế". Pháp luật của người Anglo-Saxon cho đến trước thời đại của William the Conqueror cũng vậy.

Để chứng minh cho luận điểm trên, Holmes đưa ra một loạt các vụ việc cụ thể:

1. Trong Exodus, người ta cho rằng: "Nếu một con bò húc chết một người, làm người đó chết: thì con bò đó sẽ bị ném đá cho đến chết, và người ta không được ăn thịt của nó; trong khi đó, chủ của con bò sẽ thoát nợ".

2. Plato thời Hy Lạp cổ đại cho rằng: "Nếu một tên nô lệ giết một người, thì hắn sẽ bị giao nộp cho thân nhân của người đã chết để cho những người này xử lý theo ý muốn của mình". "Nếu một con thú giết chết một người, con thú đó sẽ bị giết và xác sẽ bị vứt ra khỏi biên giới".

3. Trong Luật 12 bảng [Twelve Tables - 451 B.C] của La Mã cũng ghi nhận: "Nếu một con thú gây thiệt hại, thì hoặc là con thú đó phải được giao nộp, hoặc là thiệt hại phải được bồi thường".

4. Cũng theo Luật 12 bảng, nếu "Con nợ không thể thanh toán được nợ cho nhiều chủ nợ và bị phá sản, chủ nợ có quyền cắt xẻ thịt của con nợ ra chia cho nhau đem về. Nếu chỉ có một chủ nợ, con nợ có thể bị chủ nợ giết hoặc đem bán đi làm nô lệ".

5. Theo luật của người Đức cổ [Teuton]: "Nếu một tên nô lệ giết chết một người tự do, tên nô lệ sẽ được giao nộp cho thân nhân của nạn nhân để bù đắp 1/2, trong khi chủ của tên nô lệ phải trả thêm 1/2 tiền bồi thường nữa".

6. Theo luật cổ của người Kentish [một trong những hệ thống cấu thành pháp luật Anh cổ], "Nếu một tên nô lệ giết chết một người tự do, chủ của tên nô lệ phải trả 100 shillings và giao nộp tên nô lệ đó".

7. Theo luật của người Kuki tại Nam Á: "Nếu một con hổ giết một người Kuki, gia đình của anh ta sẽ mang mối nhục cho đến khi họ giết và ăn thịt con hổ đó, hoặc một con hổ khác. Nếu người đó bị giết vì cây đổ, thân nhân phải trả thù bằng cách đốn cái cây đó và xẻ nó ra thành khúc".

8. Theo luật của người Scotland: "Nếu một con ngựa hoang lôi một người đến vùng hồ nước, kết quả là người đó bị chết đuối. Thì con ngựa đó sẽ bị đem sung công cho nhà vua. Nhưng nếu đó không phải là ngựa hoang mà là ngựa thuần chủng thì chủ của con ngựa phải chịu trách nhiệm".

9. Theo Luật của vua Edward I: "Nếu một người rơi từ trên cây xuống và chết, cái cây sẽ bị chặt. Nếu người đó bị chết chìm trong giếng, giếng sẽ bị lắp".

10. Theo Luật của Ulpian cho đến thời Austin: "Nếu một người làm bánh lái chiếc xe bò cho chủ của mình để giao bánh vào buổi sáng, đã cán lên một người khác. Thì thiệt hại sẽ do chủ của người đó đền bù với lỗi rằng người chủ này đã giao việc cho một người không phù hợp [improper person]". Nếu người chủ chứng minh rằng anh ta đã căn dặn người làm thuê kĩ càng, thì lý do sẽ là phải có một hậu quả pháp lý nào đó [remedy] đè lên vai người có khả năng đền bù thiệt hại, hoặc là hành vi sai phạm đó xuất phát từ chính việc thực hiện nhiệm vụ cho ông chủ.

Khảo sát sơ qua 10 ví dụ của Holmes, có thể thấy mục đích cao nhất của pháp luật của các xứ sở cổ đại là nhằm cân bằng hóa những gánh nặng mà các bên hứng chịu. Trả thù theo nghĩa của Holmes hiểu chính là sự bắt buộc bên gây thiệt hại phải bù đắp cho bên thiệt hại.

Ban đầu, pháp luật các xứ sở đều có chung một giải pháp cho việc bù đắp, đó là tôi mất một thì anh mất một [an eye for an eye]. Thường những vật gây thiệt hại sẽ bị đem đi tiêu hủy, hoặc đem cho thân nhân của người bị thiệt hại xử lý, thông thường là giết hoặc phá hủy vật đó như để thỏa mãn khao khát trả thù của mình.

Tuy nhiên, xã hội và nhận thức con người phát triển và pháp luật cũng không thể tiếp tục man rợ như thế. Holmes gọi cách xử lý của vua Edward I sống ở thế kỷ 13, cách rất xa thời kì nguyên thủy, ở ví dụ số 9 là cách xử lý "làm gợi nhớ đến thời kì của các bộ tộc man di" [barbarians]. Dần dần, pháp luật các xứ sở cụ thể hóa những đối tượng phải chịu trách nhiệm, chứ không còn đơn thuần là buộc tội kẻ trực tiếp gây hậu quả. Pháp luật về trách nhiệm của chủ đối với thiệt hại của người làm công ra đời [Ví dụ 10]. Cần lưu ý rằng Ulpian là một luật gia La Mã, còn Thomas Austin thì là một luật gia người Anh sống ở thế kỷ 18, nhưng cách giải quyết vấn đề của hai ông là tương đồng. Holmes không ngẫu nhiên khi chọn hai luật gia đến từ hai hệ thống pháp luật khác nhau, ở cách xa nhau để chứng minh cho tính thông thường [common] của nguyên tắc này.

Hơn nữa, các xứ sở cũng đi đến một nhìn nhận khác về mục tiêu "báo thù" của pháp luật. Nếu như sự "báo thù" của pháp luật cổ xưa chỉ nhằm mục đích trừng phạt kẻ gây ra hậu quả và làm yên lòng về tinh thần cho người bị thiệt hại, thì pháp luật đã tiến lên đến mức độ mà, nói như Holmes, "món nợ máu có thể trả được bằng tiền". Đây là cách mà thay vì cả pháp luật tước bỏ đi của kẻ thủ ác nhằm cân bằng hóa với người bị hại [cả hai cùng thiệt hại], thì nay pháp luật tước đi của kẻ gây thiệt hại để đền bù cho nạn nhân. [nạn nhân được bù đắp] Ở Anh, nợ máu chấm dứt từ thời William the Conqueror chinh phục được quần đảo Anh quốc, đặt nền móng đầu tiên cho nền Thông luật hiện đại.

Giải thích vì sao sự báo thù thể xác ngày càng được thay thế bằng những trách nhiệm vật chất, và tại sao ngay cả đối với quan hệ tư, pháp luật cần phải can thiệp, Thẩm phán Richard Posner cho rằng

"Trả thù là một hệ thống hết sức bất tiện vì nó cản trở sự chuyên môn hóa các lực lượng lao động. Thay vì giao việc xét xử cho các chuyên viên pháp lý, người trả thù phải đảm nhiệm luôn chức vụ bắt giữ, xét xử, tuyên án và thi hành án... và hơn thế nữa, anh ta sẽ trở thành mục tiêu cho sự trả thù của gia đình nạn nhân bị anh ta xét xử"
(Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng trích lại, Tạp văn, NXB Tổng hợp TPHCM)

Quay trở lại với câu chuyện về nguồn gốc của các hệ thống pháp luật trên thế giới, câu chuyện của Holmes chỉ là một cách giải thích cho những nét tương đồng về cách hiểu, tư duy pháp lý của các dân tộc cổ xưa về chế độ trách nhiệm pháp lý của người gây thiệt hại. Nhưng cho dù là một nhà pháp luật thực chứng điển hình, nhưng các quan điểm của Holmes, dù chỉ ở dưới dạng mô tả thống kê, cũng chỉ ra rằng pháp luật ở một mức độ nào đó có nguồn gốc từ tư duy thông thường của mọi người dân trên thế giới. Dù ở vùng miền nào thì ở đâu đó, cách hiểu này cũng giống nhau. Có thể gọi đây là một dạng thức của pháp luật tự nhiên [natural law]. Việc các hệ thống pháp luật phân chia và trở nên khác nhau như hiện nay cũng giống như câu chuyện Thượng đế trừng phạt con người vì dám xây dựng ngọn tháp Babel. Đó là một quy luật tất yếu, nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại những dấu tích về một nền tư tưởng pháp lý chung.

Nói về Thông luật, Holmes mạnh dạn khẳng định, Thông luật có nguồn gốc không chỉ từ pháp luật Anglo-Saxon cổ đại, mà còn là pháp luật La Mã và pháp luật Đức cổ, những hệ thống pháp luật mà ông gọi là "cha mẹ của pháp luật của chúng ta" (Holmes, The Common Law, trang 17). Lời khẳng định này có thể chỉ là một tuyên bố chủ quan của Holmes nhưng nó cũng mở ra một tư duy mới cho các sinh viên khi nghiên cứu bộ môn Luật so sánh.

Cuối cùng, tại sao lại tồn tại pháp luật trên đời trong khi ngay bản thân sự trả thù cũng phần nào giải quyết được vấn đề? Pháp luật có thực sự đi ra từ mục đích gì đó thiêng liêng? Nói như Richard Posner có thể bao quát vấn đề. Pháp luật suy cho cùng là nói đến sự hài hòa, trong khi trả thù chỉ là cách anh làm cho bản thân cảm thấy thoải mái hơn. Tiến sỹ Dương Ngọc Dũng trong một bài Tạp văn in tháng 12 năm 1998 cũng tổng kết một cách rất hay về đề tài này:

"Trong thiên sử thi Hy Lạp Odyseey, nhân vật chính Odyseeus cũng nói rằng nếu ông giết chết những kẻ theo đuổi Penelope, vợ ông, gia đình của họ chắc chắn sẽ trả thù, và chỉ một thần linh trên đỉnh Olympics mới có thể ngăn cản được việc này. Pháp luật phải ra đời để phá bỏ cái vòng luẩn quẩn đó"
(Dương Ngọc Dũng, Pháp luật và Báo thù)


Lê Nguyễn Duy Hậu
[10 tháng 3 năm 2010]

Thứ Ba, 9 tháng 3, 2010

Trial by media

Nhân vụ việc của Kim Anh, mình chợt nhớ một vụ án của Ấn Độ mình đọc cách đây không lâu.

Vụ mưu sát Jessica Lall.

Đại khái thế này. Jessica Lall là 1 người mẫu khá nổi tiếng của Ấn Độ. Vào tháng 4 năm 1999, người ta tìm thấy cô bị sát hại tại 1 quầy bar ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ.

Người ta tìm thấy 2 viên đạn ở hiện trường và 1 số nhân chứng phục kích, thề rằng họ thấy hung thủ là Manu Sharma, con của một chính trị gia nổi tiếng của Ấn Độ lúc bấy giờ.

Ngay lập tức, vụ việc được dư luận Ấn Độ rất quan tâm. Báo chí ngày đêm đưa tin về vụ việc này, thậm chí người ta còn lập cả những phiên tòa giả để kết án Manu Sharma. Trong lúc này, cảnh sát vẫn tiếp tục điều tra.

Ngày phiên tòa sơ thẩm diễn ra, luật sư của Manu là Nassem đã làm một động tác vô tiền khoáng hậu. Ông yêu cầu hội đồng xét xử bác bỏ hết mọi lời buộc tội của phía công tố vì ông cho rằng thân chủ của mình đã phải chịu một "phiên tòa báo chí" trước khi ra trước tòa án thật, điều này khiến cho trong lòng người dân Ấn Độ vô hình đã kết án Manu trước khi phiên tòa diễn ra. Từ đó, ông nghi ngờ sự vô tư khách quan của các thẩm phán xét xử vụ việc nhạy cảm này. Đương nhiên, yêu cầu của Nassem không được chấp nhận, nhưng nó đã khiến hội đồng xét xử nhát tay hơn.

Bên cạnh đó, hàng loạt nhân chứng chỉ điểm của phía công tố đột nhiên đổi khẩu cung theo hướng có lợi cho Manu tại phiên tòa, khiến cho một số lượng lớn nhân chứng chỉ điểm chuyển thành nhân chứng địch ý [hostile].

Cuối cùng, với sự thiếu hụt bằng chứng và dựa theo nguyên tắc suy đoán vô tội, Tòa cấp sơ thẩm đã quyết định tuyên Manu trắng án.

Điều này lại một lần nữa khiến cho dư luận Ấn Độ lên tiếng. Các tờ báo lại mở cả một cuộc thánh chiến mà họ gọi là "đi tìm công lý đã mất" để chống lại Manu và bố của ông ta. Thậm chí, một đài truyền hình đã làm cả một phóng sự về hành vi "đưa hối lộ nhân chứng của gia đình Manu" dựa trên những hình ảnh và phỏng đoán mơ hồ.

Cuối cùng, trước áp lực của công luận, phía công tố đã gửi kháng nghị lên cho tòa phúc thẩm.

Tòa phúc thẩm đã tuyên án chung thân đối với Manu nhưng bằng chứng kết tội của tòa phúc thẩm lại rất mơ hồ và mập mờ, dựa nhiều vào lời chứng của một nhân viên quầy bar cho dù anh này không thể mô tả chính xác được gương mặt kẻ thủ ác đêm đó, chỉ biết là hung thủ mặc áo "sáng màu", trùng với màu của áo Manu mặc đêm đó.

Luật sư của Nassem đã kịch liệt phản đối phán quyết này, vì cho rằng nó đã đi ngược với những nguyên tắc pháp quyền thông thường và chịu sự chi phối quá sâu của các bên không tham gia tố tụng.

Còn báo chí thì rất hả hê với sự kiện này. Họ coi đó là chiến thắng của "công luận và sức mạnh nhân dân trước bất công", rằng "kể cả những kẻ có thế lực nhất cũng phải đứng dưới pháp luật".

Nhưng vụ án này sẽ mãi mãi đi vào lịch sử Ấn Độ như một vụ án tai tiếng nhất mà ở đó quyết định của tòa án không phải dựa trên sự vô tư khách quan mà một phần nào đó có sự chi phối của công luận.

Vụ án Kim Anh ngày hôm nay đã dần dần mang dáng dấp như thế, nhưng theo hướng công luận thông cảm cho hung thủ hơn.

Tham khảo: Murder of Jessica Lall - Wikipedia, the free encyclopedia

Lê Nguyễn Duy Hậu
[25 tháng 2 năm 2009]

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2010

Hiểu nôm na một số thuật ngữ triết học

Nhân có bạn hỏi tôi về "duy vật", "duy tâm", "biện chứng"... Tôi mở topic này để chia sẻ sở học có hạn của mình về một số thuật ngữ triết học gần gũi và ta thấy gặp trong sách. Đây chỉ là cách hiểu nôm na, không đi sâu vào chi tiết vấn đề, cho nên nội dung của nó chỉ có tính tham khảo và định hưởng nghiên cứu:


1. Duy tâm (idealism):

Học Triết Marx-Lenin, chúng ta thường nghe đến thuật ngữ "duy tâm" với một nghĩa rất tiêu cực. Thông thường, sách vở giáo trình Việt Nam gán cho chủ nghĩa duy tâm là sản phẩm của giới quý tộc, tăng lữ, các giai cấp thống trị, sử dụng thuyết duy tâm để hướng con người tin vào tôn giáo, siêu hình hóa mọi chuyện. Và các sách giáo trình thường kết luận rằng "duy tâm" là một cách nghĩ sai lầm, thiếu khoa học và lạc hậu, được thay thế bằng chủ nghĩa duy vật.

Tôi xin khẳng định với các bạn, đa số con người trên trái đất này đều duy tâm, cách này hay cách khác.

Duy tâm theo "nghĩa giáo trình" là ý thức quyết định vật chất. Định nghĩa này rất mờ hồ. Không có chuyện một cục ý thức từ trên trời rơi xuống và quyết định vật chất như giáo trình đề cập. Định nghĩa này dễ làm cho sinh viên hiểu sai hay hiểu không tới bản chất của vấn đề.

Chủ nghĩa duy tâm theo cách hiểu thông thường nhất là phương pháp tiếp cận sử dụng nhiều về cảm tính, phán đoán của bản thân. Người theo chủ nghĩa duy tâm nhìn sự vật theo ý niệm chủ quan của mình. Sự vật không biến đổi nhưng đối với mỗi người với cách suy nghĩ khác nhau thì nhìn nhận sự vật khác nhau. Vì vậy, theo họ, thay đổi sự vật nghĩa là thay đổi suy nghĩ của bản thân về sự vật đó.

Ví dụ: tôi và bạn cùng đi ngang qua dinh Độc Lập, tôi thấy rằng dinh này cũng thường thôi, nhỏ thôi, không to như Nhà Trắng ở Mỹ, thậm chí không to bằng cái nhà tôi đang ở. Nhưng ngược lại, bạn thấy dinh này giống như một tòa lâu đài thực sự, mênh mông, rộng lớn bởi vì đây là lần đầu tiên bạn thấy một căn nhà to 4 mặt tiền như thế. Đó là biểu hiện rõ nét nhất của duy tâm trong đời sống hàng ngày.

Như vậy, duy tâm là sự nhìn nhận thế giới một cách chủ quan, tin vào ý thức, tin vào cảm nhận, tin vào giác quan của bản thân. Ca dao Việt Nam có câu: người đẹp trong mắt người thương chính là biểu hiện rõ nhất của duy tâm .


2. Duy vật (materialism):

Cái gì xuất hiện trước thì sẽ có cái phản đề lại nó. Đó là trường hợp của duy tâm và duy vật. Duy vật là sự phản kháng lại các ý niệm của duy tâm.

Những nhà duy vật không chấp nhận sự kiến giải của các nhà duy tâm về thế giới. Họ cho rằng không phải cái gì trên đời này con người cũng nhìn nhận một cách chủ quan như thế được. Cái trứng gà hình tròn thì con người không thể nói nó hình vuông, hình chữ nhật rồi gán cho nó "ý kiến cá nhân". Họ cho rằng sự vật trên đời này có thể nhìn nhận một cách khách quan, nghĩa là sự vật đó mọi người sẽ suy nghĩ như nhau. Họ tin rằng nếu như "mỗi người nghĩ một phách" như kiểu duy tâm thì sẽ không tồn tại những thiết chế chung như văn hóa, xã hội, đạo đức, Nhà nước, pháp luật... Văn hóa là cái chung, xã hội là cái chung, nó cần được nhìn nhận thống nhất. Đối với các nhà duy vật, tồn tại một ý niệm khách quan nghĩa là các sự vật sự việc trong cuộc đời này đều có thể được kiến giải, được con người hiểu biết như nhau thông qua khoa học.

Ví dụ: Tôi và bạn đều biết rằng không có Oxi thì con người sẽ chết, tôi và bạn đều biết rằng Trái đất quay quanh Mặt trời, tôi và bạn đều biết rằng mặt trời mọc ở phía Đông và lặn ở phía Tây... Đó là những hiểu biết chung của con người được nhìn nhận thông qua khoa học.

Như vậy, có thể chốt lại rằng, những nhà duy vật chỉ tin vào một điều: Khoa học. Mà khoa học thì lại mang tính khách quan.


3. Biện chứng:

Biện chứng, hiểu một cách nôm na, là một phương pháp nghiên cứu khoa học. Thông qua 3 giai đoạn, biện chứng giúp người nghiên cứu tiếp cận được những lý thuyết mới: chính đề, phản đề, hợp đề.

Chính đề thường là những lý thuyết được phát triển từ trước. Phản đề là sự phản kháng lại những lý thuyết được nêu trong chính đề. Khi phản đề được đưa ra, giữa chính đề và phản đề xuất hiện tranh luận. Phản đề tìm cách phủ nhận tất cả những lý thuyết của chính đề. Chính đề tìm cách bảo tồn những lý thuyết của mình. Kết quả của cuộc tranh luận này thông thường sẽ là sự thừa nhận những cái mới nhưng vẫn bảo lưu một số điểm mang tính "truyền thống", lý thuyết được hình thành từ quá trình này được gọi là hợp đề.

Tuy nhiên, hợp đề lúc này sẽ trở thành một chính đề mới và lại tiếp tục có một phản đề xuất hiện để tạo ra một hợp đề mới. Quá trình này cứ tiếp diễn, tiếp diễn không ngừng kéo theo sự ra đời của những tư tưởng, quan điểm mới. Đó là cách xã hội chúng ta đã, đang và sẽ phát triển.

Ví dụ: Phong tục tập quán là một chính đề. Phản đề xuất hiện phủ nhận những yếu tố của phong tục tập quán, gọi nó là "mê tín dị đoan", lạc hậu, cũ kĩ. Tranh luận và đấu tranh nổ ra. Cuối cùng dẫn đến 1 thỏa hiệp chấp nhận những cái mới của khoa học kĩ thuật nhưng vẫn thừa nhận những điều thuộc về "bản sắc văn hóa dân tộc". Đây là quá trình đấu tranh điển hình ở tất cả các nước, Nhật Bản thời vua Minh Trị là rõ nét nhất.

Như vậy, nếu hiểu như trên, thì duy tâm có phản đề là duy vật. Và sự đấu tranh đó cho ra 1 hợp đề duy nhất là sự kết hợp giữa duy tâm và duy vật: cuộc sống này có thể nhìn nhận bằng khoa học, nhưng vẫn để lại những thứ cho cảm quan con người. Đó chính là ý nghĩa của cuộc sống và đó mới chính là con người.:small:


4. Chủ nghĩa thực dụng (pragmatism):

Một chủ đề nữa tôi muốn chia sẻ với các bạn là chủ nghĩa thực dụng.

Người Việt Nam có định kiến rất xấu về chủ nghĩa này. "Mày thực dụng quá" là một câu chỉ trích khá cay nghiệt mà chúng ta dùng hàng ngày để chỉ những con người chỉ biết sống vì bản thân, bằng mọi giá bất chấp để đạt được mục đích. Đây là cách hiểu có phần định kiến .

Chủ nghĩa thực dụng là sự phản kháng của các nhà triết học Mỹ chống lại siêu hình học mang tính trừu tượng và vô dụng. Tôi không đi sâu vào các kiến giải của nó về "chân lý" hay "thế giới quan", tôi chỉ có thể nói rằng chủ nghĩa thực dụng chính là cách tư duy trong đó con người cố gắng tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất cho những tình huống thực tế nhất. Những người siêu hình nếu như gặp một tai nạn nào đó thường đổ lỗi cho số phận và không làm gì cả, vì họ cho rằng số mệnh họ là như thế. Nhưng những người thực dụng thì lại tìm những cách thực tế nhất để thoát khỏi tình trạng lúc này. Như vậy, bản thân chủ nghĩa thực dụng không có nghĩa là làm mọi thứ chỉ cho bản thân, có thể mục đích của người đó là tốt, là cho mọi người, nhưng chúng ta vẫn gọi họ là người thực dụng nếu như cách suy nghĩ và cách giải quyết của họ căn cứ nhiều vào thực tế. Một dự án, một kế hoạch, một đề xuất dù hay ho đến đâu cũng chưa thể thuyết phục được một người thực dụng nếu như tác giả của nó không trả lời được câu hỏi: "Nó có thực hiện được trong thực tế không?".

Như vậy, bản thân chúng ta cũng là những người thực dụng. Chúng ta chú trọng vào kết quả và tính thực tế của nó chứ không tin vào những thứ lãng mạn. Không ai trên đời này mà không mong muốn ý tưởng của mình được thực hiện trôi chảy, nhưng người lãng mạn chỉ vạch ra và để mặc cho số phận, người thực dụng thì tìm cách thúc đẩy cho ý tưởng đó trở thành thực tế.


5. Nghiên cứu khoa học:

Như vậy, có lẽ lúc này, bạn đã tìm ra cho mình câu trả lời: Đâu là phương pháp nghiên cứu khoa học tốt nhất. Tôi chỉ xin đưa ra một nhận xét của cá nhân:

"Tin vào khoa học nhưng đừng phản bội lại ý thức và cảm quan của bản thân. Gầy dựng ý tưởng riêng nhưng hãy chấp nhận những quan điểm trái chiều. Liên tục tư duy chống lại những ý tưởng cũ để tìm ra cái mới. Quan trọng hơn cả là biến những ý tưởng thành thực tiễn bằng những hành động cụ thể và thực tế. Làm được điều đó chính là giúp chúng ta phát triển bản thân và góp phần vào sự phát triển chung của xã hội."

Lê Nguyễn Duy Hậu
[9 tháng 3 năm 2009]

Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2010

Trường Luật trong mắt tôi


Chào các bạn,

Dạo gần đây, tôi thường nhận được một số thắc mắc của các bạn học sinh cuối cấp về việc tuyển sinh và học tập ở trường Luật, cụ thể là Đại học Luật TPHCM. Khi trao đổi, tôi nhận thấy các bạn có một cái nhìn hơi thiếu chính xác về tổ chức và hoạt động của trường luật, về việc học luật, các khoa và cả việc vai trò của người làm trong ngành tư pháp. Điều này cũng rất dễ hiểu, tôi đã từng có những cái nhìn không chính xác đó khi tôi mới lựa chọn việc học luật. Vì thế, với kinh nghiệm của một người đi trước, tôi muốn có một vài chia sẻ cho các bạn học sinh và những ai quan tâm đến trường luật một chút hiểu biết của tôi về các vấn đề nói trên.


1. Trường Luật:

Cần phải nói thêm là trường Luật ở Việt Nam được tổ chức giống với hệ thống đào tào luật ở đa số các nước trên thế giới, đó là hệ đào tạo cử nhân. Ở một số nước khác, chẳng hạn như Mỹ, để học Luật, bạn ít nhất phải có trong tay một tấm bằng cử nhân thì người ta mới nghĩ tới việc xét tuyển bạn vào học. Vì vậy không bất ngờ khi rất nhiều thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường Luật là những người đã có cả bằng PhD (tiến sĩ) về một lĩnh vực khác. Do đó, tính cạnh tranh của tuyển sinh Luật ở Mỹ là cao hơn nhất nhì thế giới, và để có được tấm bằng cử nhân luật Mỹ (Juris Doctor – J.D) ta cần ít nhất 7 năm. Rất may, cậu chuyện đó chỉ xảy ra ở Mỹ. Việt Nam chúng ta tổ chức theo mô hình Anh – Pháp, nhận đào tạo cử nhân ngay khi thí sinh vừa kết thúc chương trình trung học phổ thông.

Nếu lấy trường Đại học Luật TPHCM làm ví dụ thì có thể nói quy mô của trường Luật Việt Nam không xứng đáng được gọi là Đại học (University). Bởi lẽ, ngay ở nước ngoài, Luật chỉ là một faculty (khoa), hay một school (trường), hay cao lắm là college trực thuộc một university lớn đào tạo cả chục ngành. Ở Việt Nam dùng university cho Luật có lẽ là không thích hợp.

Trường Luật của Việt Nam thường được chia thành nhiều khoa phù hợp với tên gọi của môn học trung tâm như Khoa Luật Hành chính – Hiến pháp, Khoa Luật Dân sự, Khoa Luật Quốc tế… Tương ứng với tên khoa, tên các lớp đào tạo cũng đặt tương tự như HC31B nghĩa là lớp chuyên ngành luật Hành chính – Hiến pháp, khóa 31, học buổi chiều. Chính cách chia lớp này cũng khiến cho nhiều thí sinh vào trường Luật có cái nhìn thiếu chính xác về chức năng đào tạo của một lớp, dẫn đến tình trạng các thí sinh tập trung quá đông vào một khoa, khiến cho điểm chuẩn có phần chênh lệch một cách vô lý (điển hình là khoa Thương mại luôn lấy điểm cao nhất). Tôi sẽ nói với các bạn thí sinh rằng, về cơ bản, việc chia lớp này chẳng qua là để dễ quản lý, HC31B nên được hiểu là lớp Luật khóa 31 học buổi chiều này thuộc quyền quản lý của khoa Hành chính. Có nhiều thí sinh yêu thích Luật doanh nghiệp, sợ rằng nếu không vào khoa Luật Thương Mại thì sẽ không được học môn này, hay được học nhưng qua loa, sơ sài. Tôi khẳng định là không có chuyện đó. Bản thân tôi là sinh viên khoa Quốc tế nhưng vẫn phải học tất cả các môn Dân sự, Hình sự, Hợp đồng, Hiến pháp, Hành chính, Doanh nghiệp thậm chí cả Hôn nhân gia đình. Việc bạn vào khoa Luật Thương mại hay khoa Luật Quốc tế thì chất lượng bạn được đào tạo cũng ngang nhau, số môn bắt buộc cũng ngang nhau, bạn cũng phải học tất cả các luật như các lớp khác và khi ra trường sẽ không có khái niệm “Cử nhân Luật chuyên ngành Quốc tế” mà sẽ chỉ là “Cử nhân Luật” (Bachelor of Law). Cho nên, nếu các bạn thấy sợ hãi khi điểm chuẩn của khoa Thương mại quá cao thì cũng đừng vội bỏ cuộc, cứ thi vào khoa khác, miễn là bạn thích thú và say mê Luật Doanh nghiệp, bạn sẽ giỏi nó. Bản thân tôi học khoa Quốc tế nhưng tôi chẳng thích tí nào môn học Công pháp Quốc tế của khoa này, tôi say mê nghiên cứu Hiến pháp và Luật dân sự hơn.

Hơn nữa, quy chế tuyển sinh của trường Luật rất thoáng. Nếu bạn thi vào khoa Thương mại điểm chuẩn là 20, điểm chuẩn chung của các khoa khác là 18, thì nếu bạn chỉ được 19 điểm không có nghĩa là bạn đã rớt đại học, bạn sẽ được chuyển vào học một trong các khoa còn lại. Yên tâm là ước mơ học Luật Doanh nghiệp của bạn không bị vùi dập vì điều này.


2. Học Luật:

Đa số những người gặp tôi và biết tôi học Luật đều suýt xoa bảo: “Cậu giỏi thật, bằng ấy Luật cả ngàn trang mà nhớ hết”, “chắc trí nhớ của cậu phải thuộc loại vô địch”. Tôi sẽ “đập tan” ngay tức khắc “huyền thoại về trí nhớ siêu việt của sinh viên Luật”. Không có chuyện sinh viên Luật phải gù lưng ra gạo các điều Luật viết thế nào, khoản này khoản nọ ra sao để rồi khi làm bài thi chỉ cần viết ra như khi xưa ta học thơ. Cũng không có chuyện các luật sư vào tòa là không được lật luật và phải ráng nhớ điều mà cãi đúng cho thân chủ. Hiện nay luật Việt Nam chưa có quy định cấm người ta mang văn bản luật vào pháp đình, nếu một ngày nào đó có quy định thế thật thì tôi sẽ là người đầu tiên bỏ nghề.

Việc học các điều Luật chỉ là một phần trong quá trình học Luật. Nếu bạn không thể nhớ nỗi Luật nói gì thì hãy yên tâm, đi thi người ta sẽ cho bạn mang bộ luật vào, lúc đó thì chỉ việc ngồi lật và giải bài. Học Luật cũng như học tất cả các môn khoa học khác, đó là học cách nghiên cứu, học cách ứng dụng, nhưng đối với Luật hơn hết là học “tinh thần của Luật pháp”. Nếu chỉ cần nhớ hết Luật nói gì mà trở thành luật sư giỏi, thẩm phán tài thì tôi nghĩ lớp 11 đã có thể đi xử án được rồi. Cái quan trọng là hiểu được “tinh thần của Luật pháp”. Ẩn sau một quy định về “quyền sở hữu” là cái gì, chúng ta phải hiểu nó, tại sao lại phải quy định như thế, trường hợp này thì có nên áp dụng luật đó hay không? Đó là những câu hỏi liên quan đến “tinh thần của Luật pháp”. Thuật ngữ nghe có vẻ cao siêu vậy thôi nhưng bạn đừng vội hốt hoảng, bạn không biết thì người ta sẽ dạy cho bạn. Hơn nữa, tôi nghĩ luật pháp đi từ cuộc sống mà ra để điều chỉnh lại quan hệ cuộc sống, cho nên nếu bạn thực sự hiểu được trong cuộc sống này cư xử thế nào cho phải đạo làm người thì bạn sẽ nhanh chóng hiểu “tinh thần của Luật pháp”. Xã hội ghi nhận giết người đền mạng thì Luật hình sự tuyên tử hình kẻ sát nhân, xã hội cho rằng tiền trao cháo múc thì Luật hợp đồng công nhận thỏa thuận khi hai bên trao đổi hàng hóa hay tiền tệ… Nếu học kĩ, bạn sẽ thấy Luật gần gũi với cuộc sống và sẽ rất hứng thú với nó.

Nhưng cũng có một điều tôi phải cảnh báo trước cho các bạn, đó là cách nghĩ của một người học Luật cần phải khác so với người bình thường. Nhiều hành vi thoạt nhìn có thể sẽ thấy không khác nhau, nhưng quan điểm của Luật thì cho rằng nó khác nhau. Đơn cử ví dụ về các tội hiếp dâm. Nếu một người dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực để “cưỡng hiếp” người khác thì ta hay gọi đó là “hiếp dâm”. Nhưng theo quan điểm của luật thì nếu người bị cưỡng hiếp đó là trẻ em dưới 16 tuổi thì sẽ bị quy vào tội “hiếp dâm trẻ em” với mức hình phạt cao hơn tội “hiếp dâm” bình thường. Nếu việc cưỡng hiếp này được thực hiện bằng cách gây sức ép bắt đối phương phải lệ thuộc mà tự động “dâng hiến” thì đó lại là tội “cưỡng dâm”. Thực ra điều này cũng hợp lý, trẻ em là đối tượng cần phải đặc biệt bảo vệ và kẻ thực hiện hành vi đồi bại với trẻ em thì quá bệnh hoạn để có thể được xét xử cùng một tội danh như những kẻ ít bệnh hoạn hơn một chút. Tương tự, nếu như hành vi quấy rối tình dục ta nghĩ cần phải bị phạt tù thì trái lại không có một tội danh nào liên quan đến vấn đề này, tùy mức độ quấy rối mà Tòa sẽ xem xét có nên trừng phạt kẻ đó dựa trên việc giải thích, áp dụng các điều về hiếp dâm. Như vậy, có những cái xã hội chung chung thì luật đi vào chi tiết, có những cái xã hội chi tiết thì luật chung chung. Cái gì cũng có lý do của nó, tôi dành phần thú vị nhất này cho những ai muốn dấn thân vào ngành tư pháp.

Một điều nữa về việc học Luật đó là trường Luật có xu hướng giản lược hóa các vấn đề để tìm ra những nguyên nhân chính, thường chỉ trong một câu. Ví dụ: ông A và ông B tranh chấp nhau một con chim sơn ca quý màu đỏ có khả năng hót và nói tiếng người được ông A mua trên núi Phú Sĩ trong một chuyến đi Nhật Bản công tác với cơ quan… Mọi người thường có khuynh hướng đọc hết và liệt kê tất cả các chi tiết có thể. Còn đối với người học luật thì chỉ ghi 2 dòng: “A và B tranh chấp con chim”, “A mua”, Hết. Người học luật không cần quan tâm chim loại gì, màu gì, nó có nói được tiếng người hay sủa được tiếng chó không, càng không cần quan tâm nó được bắt ở đâu, trong hoàn cảnh nào… Vì với hai chi tiết ở trên, người học luật đủ sức giải quyết vụ án: chim là một loại tài sản, A mua con chim xem như đã xác lập quyền sở hữu. Vậy con chim thuộc về A. Để khái quát vấn đề, tôi xin trích dẫn câu nói của Edmund Bruke:

“Law school sharpens your mind by narrowing it”
(Trường luật mài bén tư duy của bạn bằng cách thu hẹp nó lại)

Cuối cùng, cần phải xác định rõ với các bạn là Luật ở Việt Nam không có rất nhiều khái niệm mà phim Hong Kong hay truyện tranh Nhật hay nhắc đến. Ví dụ, hiện nay chưa có luật cho phép luật sư đứng lên “Phản đối” khi đối phương đang trình bày như ta theo dõi trên phim Hong Kong(1), hay chế định “bồi thẩm đoàn” (jury) cũng chưa được áp dụng ở Việt Nam, chúng ta theo hệ thống xử án khác họ, ít nhất là cho đến bây giờ, Việt Nam đang nghiên cứu mô hình này nhưng đó là chuyện tương lai. Việt Nam cũng không có các khái niệm “mưu sát” (murder), “ngộ sát”, “cố sát” (manslaughter) như nước ngoài. Mỹ có, Anh có, Hong Kong, Nhật Bản có, nhưng đó là chuyện của người ta, Việt Nam chỉ có “giết người” và “vô ý làm chết người”. Vì thế, những bạn nào vào trường Luật vì mê hình ảnh một luật sư đội tóc giả oai phong lẫm liệt hô “phản đối, đây không phải là mưu sát mà chỉ là ngộ sát, đề nghị bồi thẩm đoàn xem xét” thì tôi nghĩ nên xem lại lý do vào trường Luật.


3. Nghề luật sư:

Đa số các bạn khi tôi hỏi ra trường định làm nghề gì thì thường trả lời chung chung là em thích làm luật sư, em thích làm công tố viên, em thích làm “quan tòa”, cá biệt có vài bạn mơ làm hải quan. Đúng, tất cả những nghề trên các bạn đều làm được nếu có bằng luật, với bằng luật trong tay, nó tạo cho các bạn rất nhiều cơ hội việc làm. Ở đây tôi chỉ muốn đi sâu vào nghề luật sư.

Nghề luật sư (lawyer hay attorney-at-law) là cách gọi chung của rất nhiều loại luật sư. Bạn xác định bạn là một lawyer, nhưng bạn phải xem xem mình là lawyer loại này. Tôi sẽ đưa cho bạn vài ví dụ: Nếu các bạn chỉ mong làm một lawyer chuyên về giấy tờ, tư vấn mà không ra tranh tụng ở tòa thì bạn đã trở thành một Luật sư sự vụ (solicitor). Loại luật sư này kiếm rất nhiều tiền thông qua việc lo hồ sơ cho các vụ án hay các doanh nghiệp muốn làm ăn, nhưng theo luật của Anh thì solicitor bị hạn chế trong việc tham gia tranh tụng trong tòa (litigation). Nếu các bạn muốn tham gia tranh tụng ở tòa, hùng hồn như một luật sư đích thực trên phim Hong Kong, theo đuổi một vụ án suốt vài năm, đi tìm nhân chứng và thuyết phục nhân chứng đủ kiểu như chàng Hyun-Woo trong Chuyện tình Harvard thì bạn đang trở thành một Luật sư tranh tụng (barrister hay litigator). Loại luật sư này ở nước ngoài kiếm rất nhiều tiền thông qua việc tham gia tranh tụng, một vụ phạt vi cảnh như lái xe vượt tốc (speeding) ở Mỹ nếu mời luật sư sẽ phải trả 450 USD, còn nếu theo đuổi một vụ lớn thì con số hàng triệu dollar là không quá khó khăn. Như vậy, về cơ bản chúng ta có hai loại luật sư là solicitor và barrister, chọn cái nào là quyết định của bạn. Ở Việt Nam hiện nay ranh giới giữa solicitor và barrister là không rõ ràng. Các văn phòng luật sư (law office) hay các hãng luật (law firm) thường kiêm luôn các chức năng giấy tờ, tư vấn hay tranh tụng.

Nếu xét theo khía cạnh chuyên ngành thì ta còn có hàng trăm loại luật sư. Có loại luật sư chuyên về thuế (tax lawyer), loại luật sư chuyên về hôn nhân gia đình (marriage lawyer), loại luật sư chuyên về hình sự (criminal lawyer)… điều này phù hợp với thực tế là “kiến thức là biển cả mênh mông mà đầu óc con người chỉ là lon coca nhỏ bé”, việc chuyên môn hóa kể trên là không bắt buộc nhưng nó giúp ích cho luật sư trong việc chọn lựa một mảng sở trường nào đó, luật sư thuế nếu hứng chí lên có thể cãi một vụ hình sự ngon lành như thường.

Hiện nay, xuất hiện khái niệm in-house lawyer (luật sư công ty), nhiều bạn muốn làm nghề này nhưng liệu họ có biết luật sư công ty làm gì không? In-house lawyer là một luật sư riêng cho một công ty, nằm trong biên chế một công ty và hưởng lương bình thường như một nhân viên trong công ty, sáng cũng cắp sách đến công ty và chiều thì về. Luật sư công ty chỉ lo các sự vụ trong công ty như lo soạn thảo hợp đồng (thường là theo mẫu), giải quyết các vấn đề hành chính như sa thải, làm hợp đồng tuyển dụng, thỉnh thoảng thì đại diện cho công ty trong các tranh chấp nhưng xu hướng là các công ty thường thuê luật sư ngoài để giải quyết các vụ việc có quy mô lớn vì dù sao “bụt nhà không thiêng”. Như vậy, có vẻ như một in-house lawyer có cuộc sống khá an nhàn, không máu lửa như các luật sư khác. Tất nhiên là không phải tất cả các in-house lawyer đều có thể hưởng phúc, chẳng may rơi vào một công ty keo kiệt nhưng thích kiện tụng thì quả là bạn phải tốn không ít chất xám.

Vậy luật sư có nhiệm vụ gì?

Nhãn tiền nhất, luật sư là những người tham gia tranh tụng ở tòa. Nhưng đó không phải là nhiệm vụ duy nhất của người luật sư. Luật sư ngày nay phần nhiều tham gia vào các hoạt động ngoài tòa như tư vấn, tham gia hoạt động hòa giải và có khi còn làm nhiệm vụ lobby. Có thể nói, trí tuệ của luật sư ngày càng được đặt xa khỏi tòa án, một luật sư giờ đây không chỉ là một người am hiểu luật pháp mà còn phải am hiểu cả về kinh tế, chính trị và xã hội. Sẽ không ai nhờ bạn chỉ để soạn một hợp đồng có sẵn, mà bạn phải tư vấn xem nên đưa vào đó điều khoản gì, dùng loại hình nào là hợp lý hay làm cách nào để thuyết phục được đối tác chấp nhận đề xuất của thân chủ bạn. Những hoạt động đó có khi không liên quan đến pháp luật nhưng luật sư đôi khi cũng phải làm. Xin bạn đừng hốt hoảng, các luật sư mất không dưới 5 – 10 năm để trở nên như vậy, không ai sinh ra là có tố chất như thế, tất cả là nhờ sự cố gắng và đam mê.

Vậy thì làm sao để là một luật sư giỏi?

Bản thân tôi chưa phải là một luật sư đúng nghĩa nên những điều chia sẻ dưới đây chỉ là quan điểm cá nhân. Theo tôi, muốn làm một luật sư giỏi ngoài chuyên môn – tức là hiểu biết pháp luật, còn phải có một khả năng ngôn ngữ tương đối tốt. Ngôn ngữ ở đây là cả ngoại ngữ và tiếng mẹ đẻ. Đừng coi thường vai trò của ngoại ngữ trong luật, dù là bạn chỉ tham gia luật Việt Nam, tương lai sẽ có rất nhiều các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, và ngoại ngữ tôi đề nghị các bạn học tập trung là tiếng Anh. 99% các giao dịch sẽ được diễn giải bằng tiếng Anh. Và bởi vì Luật sư không phải là cứ ra tòa vào tòa mà còn phải tham gia vào những đàm phán hòa giải ngoài tòa nên việc giao tiếp bằng ngoại ngữ là tối quan trọng. Cho nên, tôi muốn nói với các bạn, học ngoại ngữ từ bây giờ, không trễ đâu.

Có một điều tôi rất trăn trở, và tôi muốn chia sẻ ngay với các bạn. Theo những gì tôi quan sát thì có vẻ như nhiều luật sư, thậm chí thẩm phán của chúng ta đang ngày càng thực dụng hóa mọi thứ, họ tập trung vào chuyên ngành của họ và quên đi ý nghĩa thực sự “luật pháp là gì?”. Tôi rất mong đó là những quan sát sai. Nhưng nếu nó đúng thì quả là chúng ta đang tạo nên một tầng lớp “người đi cãi” và “người xử án” chứ không phải là các luật sư hay thẩm phán đúng nghĩa.

Bản thân tôi cho rằng, luật sư không chỉ là một cái nghề, nó là một cái Đạo. Luật sư từ khi mới ra đời được gán cho một nhiệm vụ bảo vệ công lý và lẽ phải, anh muốn đạt được điều đó, anh phải thực sự là một người vì công lý và lẽ phải. Đó là một cái Đạo mà người luật sư theo đuổi cả đời. Nếu như nghề thuốc là để cứu người khỏi bàn tay của thế lực tự nhiên, thì nghề luật là để bảo vệ con người trước những thế lực hiện hữu mang trong mình sức mạnh vật chất to lớn. Vũ khí của bác sĩ là y đức thì vũ khí của luật sư là lẽ phải. Thế nhưng, liệu ngày hôm nay còn bao nhiêu luật sư tâm niệm điều này? Kiếm tiền có vẻ như đang là phương châm sống của những người làm nghề đi cãi đó. Tôi không phê phán việc kiếm tiền, nhưng nếu như chỉ xem việc làm luật sư là một loại hình dịch vụ để kiếm tiền thì quả thực chúng ta đang đi trái với quan điểm của một luật sư đích thực. Không ngạc nhiên khi một tác giả người Mỹ đã phải thốt lên rằng:

“Chúng ta biết nói làm sao đây khi đã tạo ra hàng triệu luật sư, thẩm phán mang trong mình quyền năng to lớn là bảo vệ lẽ phải lại không thể rũ bỏ được lòng tham. Chúng ta biết nói làm sao đây khi tòa án, luật sư đoàn hay các trường luật một thời là trụ đỡ của nền dân chủ của ta đang mai một dần đi vì đồng tiền…”

Tôi nêu vấn đề này ra để mong mọi người cùng suy ngẫm và tìm được một hướng đi đúng đắn nhất. Nếu quả thực đây là xu thế chung của tương lai thì có lẽ tôi đã sai rồi.

Tôi đang đọc một cuốn sách tựa đề Hagakure của Yamamoto Tsunetomo viết về cái gọi là Bushido, hay Võ sĩ đạo (The Way of Warriors), ông cho rằng kẻ thù lớn nhất của một võ sĩ đạo là sự lơ đễnh. Lơ đễnh ở đây là nói đến sự lơ đễnh trong việc tìm hiểu thực sự Võ sĩ đạo là gì? Ông cho rằng nếu một samurai không hiểu nỗi samurai nghĩa là gì, và con đường võ sĩ rốt cục là dẫn đến đâu thì samurai đó chỉ là một tên đâm thuê chém mướn. Bạn không thể đi trên một con đường bất định mà không biết về con đường đó. Nó dẫn đến đâu? Nó một chiều hay hai chiều? Nó có cấm xe hơi không? Nếu bạn không biết mà cứ lao vào thì sớm muộn gì cũng bị cảnh sát giao thông chặn lại, hay đi lạc, hay tệ hơn là gây tai nạn cho bản thân và cho mọi người khác xấu số gặp bạn. Suy nghĩ như thế, ta sẽ thấy việc hiểu được cái Đạo mình đang theo là quan trọng. Tôi cho rằng những lý lẽ trên tuy có phần lý thuyết nhưng rất cần thiết.

Vậy thì, ta phải hiểu “Luật sư Đạo” là gì đã. Hay ít nhất chúng ta cũng phải cố gắng để tìm ra ý nghĩa thực sự của “Luật pháp là gì?”, “Tại sao lại phải có Hiến pháp khi hầu như nó không được sử dụng?”, “Giữa cái Thiện và cái Hợp pháp, ta theo cái nào?”… Tôi khẳng định nó không đem lại tiền tất thời cho bạn với “ba thứ vớ vẩn này”, nhưng tiền là phương tiện, không phải mục đích, cái chính là chúng ta tìm được vị trí đích thực của con người trong thế giới này. Tìm được chỗ đứng, cuộc sống của bạn sẽ không chấm dứt khi bạn nhắm mắt xuôi tay, mà nó sẽ sống mãi với thời gian, trong tâm hồn của người khác, đó mới là ý nghĩa thực sự của cuộc sống sau khi chết. Ngày trước tôi có xem một bộ phim kể về một người thầy giàu lý tưởng. Ngày đầu tiên, thầy chỉ bọn học trò dòng chữ trên tường: “Ta là Majaduria, thủ lĩnh bộ tộc Xadica, ta đã chinh phục được vùng thảo nguyên mênh mông này”. Người thầy lại hỏi bọn học trò, Majaduria là ai vậy? Bọn học trò tìm mỏi mắt trong những cuốn sử dầy cộm cũng không thể tìm ra cái tên lạ hoắc này. “Đơn giản bởi vì ông ta đã không để lại gì cho hậu thế” người thầy nói. “Hãy nhìn xem Julius Ceasar, Napoleon, Genghis Khan… họ đều là những nhà chinh phục, họ đã nhắm mắt xuôi tay, nhưng họ vẫn sống trong ta qua những trang sách về đạo làm người…”. Trở thành Majaduria hay Julius Ceasar, bạn chọn.


4. Kết luận:

Mong rằng tôi không viết quá tệ đến mức khiến cho các bạn chán nản và bỏ cả trường Luật. Mong rằng tôi đã không hù dọa các bạn vì những thứ trừu tượng. Nhưng tôi tin, nếu như một ai đó đã đam mê nghề luật, thì dù tôi có nói ngã nói nghiêng, người ấy vẫn là luật sư.

Kết luận vấn đề có lẽ chỉ bằng cách nói rằng, dù gì đi nữa, nghề luật là một cái gì đó đòi hỏi lòng nhiệt huyết nhiều hơn là khả năng bẩm sinh. Nói như Che Guevara, bạn có run bần bật lên khi thấy một bản án bất công, bạn đã là đồng nghiệp của tôi. Nghề luật là gì nếu như không phải là sự bảo vệ lẽ phải và công bằng, là lợi ích xã hội cao nhất trong từng phán quyết, là sự dẫn dắt xã hội làm đúng pháp luật, là xã hội công dân, là hợp tình hợp lý, là một khát khao đến mức cố chấp về một xã hội pháp quyền, là mọi người bình đẳng trước pháp luật và sau chót là người nghèo có cơ hội chiến thắng và kẻ giàu có khả năng bị trừng trị.

Chính vì lẽ đó, tôi thực sự kêu gọi những bạn trẻ nào vẫn còn đang mong vào trường luật chỉ vì duy nhất một lý do: Trường Luật lấy điểm thấp. Trường Luật sẽ không phải chỗ cho bạn vì rốt cục bạn sẽ chẳng hiểu Luật là gì, đơn giản vì bạn không có quyết tâm và đam mê. Tôi nghĩ đối với ngành nghề nào cũng có cái nhìn khắt khe như thế. Còn nếu bạn có dù chỉ là một chút đam mê, một chút khát khao, bạn hãy thi vào trường Luật. Và xin hãy nhớ cho cái Đạo mà mình đã chọn theo đuổi đó…

Lê Nguyễn Duy Hậu
[Mùa khai giảng, học kì mùa Thu năm 3]