Thứ Năm, 11 tháng 3, 2010

Brandeis on Freedom of Speech

Vào năm 1927, Thẩm phán Tối cao pháp viện Hoa Kỳ, Louis D. Brandeis [1856-1941] đã viết một trong những ý kiến [concurring] xuất sắc nhất trong lịch sử Tối cao pháp viện Hoa Kỳ. Trong vụ án Whitney v. California, Louis Brandeis đã đưa ra ý kiến của mình về những giới hạn và phạm vi của quyền Tự do ngôn luận. Ngày nay, những lý luận của Brandeis không chỉ mang giá trị pháp lý cao cho thực tiễn xét xử các vụ án về quyền Dân sự ở Hoa Kỳ, mà còn là một biện hộ quan trọng và có sức thuyết phục cho phong trào vì Quyền Tự do ngôn luận trên toàn thế giới.



"... Những người đã giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta tin tưởng rằng, mục đích sau cùng của Nhà nước là giúp cho con người tự do phát triển những tố chất của bản thân. Và rằng trong chính phủ, sự thiện chí đối thoại phải chiến thắng bạo lực hung tàn. Họ trân trọng tự do như là một mục tiêu, và cũng là phương tiện để đạt được mục tiêu đó. Họ tin rằng tự do chính là bí mật của hạnh phúc, và lòng dũng cảm là bí mật của tự do. Họ tin tưởng rằng: được quyền suy nghĩ như mình muốn và được nói lên những gì mình suy nghĩ là quyền bất khả phân, và là chìa khóa để tìm ra chân lý chính trị. Rằng nếu không có tự do ngôn luận, những cuộc hội họp chỉ là vô bổ. Rằng thông qua tranh luận, những ý tưởng học thuyết điên rồ sẽ bị đánh bại. Rằng kẻ thù lớn nhất của tự do chính là những con người bất động, vô tâm. Rằng tự do ngôn luận là nghĩa vụ chính trị và giá trị căn bản của chính quyền Mỹ. Họ cũng đã nhận ra những mối đe dọa mà các định chế do con người tạo ra có thể gây ra. Nhưng họ cũng hiểu rằng trật tự xã hội không thể được đảm bảo chỉ bằng nỗi sợ bị trừng phạt khi vi phạm pháp luật; rằng sẽ là rất nguy hiểm nếu như ngăn cản những suy nghĩ, hy vọng và trí tưởng tượng; rằng nỗi sợ sinh ra áp bức, rằng áp bức sinh ra thù hận, rằng thù hận là mối đe dọa cho một chính phủ vững bền; rằng con đường dẫn đến sự an toàn nằm ở cơ hội được tự do thảo luận những bất bình đương nhiên và những hậu quả có thể xảy ra, và rằng giải pháp phù hợp nhất dành cho những lời biện hộ xấu chính là những tranh luận tốt. Với niềm tin rằng sức mạnh của lý lẽ được áp dụng thông qua những cuộc thảo luận công khai, họ từ chối sự im lặng có được từ luật pháp – đó là sự tranh luận bằng bạo lực ở dạng tồi tệ nhất. Nhận thấy sự chuyên chế của đa số nắm quyền vào bấy giờ, họ đã tu chính bản Hiến pháp để cho quyền Tự do ngôn luận và Tự do lập hội được bảo vệ.


Chỉ nỗi sợ về những tổn thương nghiêm trọng không thể biện minh cho sự ngăn cấm Tự do ngôn luận và hội họp. Con người ta sợ phù thủy nên đã thiêu sống phụ nữ. Chức năng của ngôn luận là giải thoát con người khỏi lệ thuộc vào những nỗi sợ phi lý. Muốn biện minh cho sự ngăn cấm Tự do ngôn luận, bắt buộc phải có cơ sở hợp lý để e ngại rằng những tội ác nghiêm trọng sẽ xảy ra nếu Tự do ngôn luận được thực hiện. Phải có một cơ sở hợp lý để tin rằng một mối nguy hiểm rõ ràng đang sắp sửa xảy ra. Phải có một cơ sở hợp lý để tin rằng tội ác cần ngăn chặn là một tội ác nghiêm trọng. Tất cả những chỉ trích chống lại luật lệ hiện hành đều nhắm tới bằng cách nào đó việc gia tăng hả năng rằng tội phạm sẽ xảy ra. Sự tha thứ cho hành vi vi phạm càng gia tăng khả năng đó. Những biểu hiện đồng tình thêm vào khả năng. Sự truyền bá những tư tưởng tội phạm bằng cách giảng dạy về chủ nghĩa công đoàn càng làm gia tăng khả năng. Biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật càng nâng cao khả năng đó xa hơn. Nhưng ngay cả những biện minh cho bạo lực ấy, cho dù đáng lên án về đạo đức, thì cũng không phải là cái cớ cho việc từ chồi quyền Tự do ngôn luận một khi những lời biện hộ đó không phải là sự kích động và cũng không có gì tỏ ra rằng lời nói đó sẽ được thừa hành ngay lặp tức. Sự khác biệt lớn giữa biện hộ và kích động, giữa chuẩn bị và xâm hại, giữa hội họp và âm mưu, phải được ghi nhớ nằm lòng. Nhằm giúp cho việc phát hiện ra mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu, phải chứng minh được rằng hoặc là bạo lực nghiêm trọng ngay tức khắc đã đương nhiên trù tính được hay đã được tán thành; hoặc những hành vi trong quá khứ cho ta lý do để tin chắc rằng những lời biện hộ đó sẽ được thực hiện về sau.


Những người đã đấu giành độc lập cho chúng ta bằng con đường cách mạng không hèn nhát. Họ không sợ sự thay đổi về chính trị. Họ không đánh đổi ổn định bằng cái giá là sự Tự do. Đối với những con người can đảm, tự cường, có niềm tin vào sức mạnh của lý trí tự do và không sợ hãi, được áp dụng thông qua tiến trình của một chính quyền dân chủ, thì những mối nguy hiểm có thể có từ ngôn luận tự do không thể được xem là “rõ ràng và hiện hữu”. Trừ khi tội ác có thể xảy ra là quá hiện hữu đến mức nó không cho chúng ta một cơ hội để có được sự thảo luận đầy đủ. Nếu như vẫn còn đó thời gian để thông qua tranh luận, chúng ta lật tẩy được những điều sai trái và ngụy biện, để ngăn chặn cái xấu bằng biện pháp giáo dục, thì giải pháp chúng ta phải chọn là càng nhiều hơn nữa những phát ngôn, chứ không phải một sự im lặng bị ép buộc. Chỉ có tình trạng khẩn cấp mới có thể biện minh cho việc đàn áp. Những điều kể trên là nguyên tắc nếu như chúng ta muốn dung hòa giữa quyền lực và tự do. Những điều đó, theo ý kiến của tôi, là tư tưởng chỉ đạo của bản Hiến pháp. Do đó, người dân Hoa Kỳ luôn luôn được thoải mái chống lại những đạo luật ngăn cấm quyền Tự do ngôn luận và Tự do hội họp, bằng cách chỉ ra rằng không hề có một trường hợp khẩn cấp nào biện minh cho đạo luật đó…”

1 nhận xét:

  1. Mến chào anh Duy Hậu, tình cờ em đọc được bài viết "Trường Luật trong mắt tôi" của anh! Những điều anh viết đã khai sáng và đã tiếp thêm nguồn sức mạnh tinh thần to lớn cho em! Trong bài viết, anh đã giải thích thật cặn kẽ, lý giải thật chính xác và hơn hết, em tìm gặp được cái tâm của vị Luật sư! Một vị Luật sư chân chính và đạo đức! Em cảm thấy rất may mắn khi cơ duyên đã để em đọc được những điều anh Duy Hậu đã viết! Em cảm ơn anh rất nhiều! Chúc anh cùng gia đình tràn đầy niềm vui, sức khỏe và thành công!

    Ánh Dương

    Trả lờiXóa