Thứ Năm, 18 tháng 3, 2010

Tòa Tư pháp Cộng hòa Pháp


[Viết theo đơn đặt hàng của bạn Phương Dung]
=========================


(Ảnh 1: Hệ thống Tòa án Pháp, source: wikipedia)


Hệ thống tòa án Pháp được tổ chức điển hình cho mô hình nhị nguyên. Người Pháp gọi đây là mô hình Kim tự tháp đôi [double pyramid structure]. Nhị nguyên có nghĩa là ở Pháp song song tồn tại hai hệ thống tòa án có chức năng xét xử riêng biệt, độc lập lẫn nhau cả về thẩm quyền lẫn quy trình tuyển chọn các viên chức.

Bài viết sẽ đi sâu tìm hiểu tổ chức và cách thức hoạt động, một cách cơ bản nhất, của nhánh Tòa án thứ nhất trong hệ thống Tòa án Pháp nói chung: nhánh Tòa dân sự thuần túy [Ordre Judiciaire].


Hệ thống Tòa dân sự thuần túy [Tòa tư pháp] nói chung được tổ chức theo ba cấp tòa, phân chia theo đơn vị khu vực và hành chính lãnh thổ. Ba cấp tòa bao gồm các tòa trong cấp xét xử ban đầu [1ere degre], tòa trong cấp xét xử phúc thẩm [2eme degre] và tòa trong cấp phá án [Htes Jurdictions] (1).

  • Cấp xét xử đầu tiên là cấp xét xử sơ thẩm. Hệ thống hóa, ở cấp xét xử này có 3 loại Tòa chính (ở đây, tôi chọn cách dịch phổ biến trong giới luật học Việt Nam): [1] Tòa sơ thẩm thẩm quyền hạn chế [tribunal d'instance - STTQHC ], [2] Tòa sơ thẩm thẩm quyền rộng [tribunal de grande instance -STTQR ], [3] các Tòa chuyên môn (2). Ngoài ra, đối với thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án hành chính, người Pháp giao việc này cho một loại Tòa riêng biệt, gọi là Tòa Đại hình [Cour d'Assises], đây là tòa duy nhất có chế định bồi thẩm đoàn [jury] (3). Cũng lưu ý thêm, cách phân chia này chỉ mang tính tương đối và thể hiện ý chí chủ quan của các nhà luật học, tùy cách tiếp cận mà chúng ta có thể có cách phân chia khác nhau.
  • Cấp xét xử thứ hai, hay còn gọi là cấp xét xử phúc thẩm [appeal], được tổ chức đơn giản hơn, bao gồm một hệ thống Tòa phúc thẩm [Cour d'Appel]. Riêng đối với vụ án hình sự [felony], cấp xét xử phúc thẩm được tổ chức đặc biệt hơn.
  • Ngoài ra, Pháp, cũng như các quốc gia theo Dân luật khác, tổ chức một cấp tòa Phá án, có nhiệm vụ xem xét lại vấn đề áp dụng pháp luật của các tòa cấp dưới. Ở đây, Tòa Phá án Pháp [Cour de Cassation] được xem như Tòa án tối cao trong nhánh Tòa Tư pháp.

1. Cấp xét xử sơ thẩm:

Ở Pháp, do nhu cầu phân phối công việc, giúp các thẩm phán và các Tòa không bị quá tải vì những vụ án ở cấp sơ thẩm này, hệ thống Tòa án Pháp ở cấp này đã được phân chia một cách chi tiết. Trong đó:
  • Tòa STTQHC: được tổ chức bao gồm một cơ quan chuyên xét xử các vụ án dân sự có mức độ nhỏ, tranh chấp không lớn [thông thường được quy đổi ra lượng tiền tranh chấp tính theo Euro], cơ quan này được gọi là các tribuanl civil. Bên cạnh đó, Tòa cũng có chức năng xét xử hình sự những vụ án nhỏ, thông thương là các vi phạm mang tính chất vi cảnh như lái xe vượt tốc độ, cơ quan này được gọi là các tribunal de police.
  • Tòa STTQR: Tòa này cũng có chức năng xét xử cả hình sự và dân sự. Cái tên nói lên phạm vi thẩm quyền của nó. Thẩm quyền của Tòa này là rất rộng. Có thể tóm tắt như sau, những vụ án dân sự nào không thuộc thẩm quyền của Tòa STTQHC và các tòa chuyên môn thì sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa STTQR. Đây là các vụ án có mức độ tranh chấp lớn, hoặc phức tạp, hoặc thuộc các chế định quan trọng trong Bộ luật Napoleon như ly hôn... Cơ quan xét xử dân sự của loại Tòa này cũng được gọi là tribunal civil. Đối với các vụ án hình sự, Tòa được phép xét xử các vụ án có khung hình phạt cao nhất là 6 năm tù giam, thông thường là các tội nhẹ, không gây nguy hiểm quá lớn cho xã hội. Cơ quan này được gọi là Tòa tiểu hình [tribunal correctionel].
  • Tòa chuyên môn: ở Pháp, một số vụ án có thể sẽ được đưa ra xét xử ở các tòa chuyên môn. Ví dụ như Tòa thương mại [Tribunal de Commerce], đây là một tòa khá đặc biệt vì bắt buộc một bên trong vụ kiện phải là thương nhân. Một tranh chấp thương mại giữa 2 thương nhân bắt buộc sẽ bị đưa ra Tòa thương mại. Nếu tranh chấp đó diễn ra giữa một người bình thường kiện một thương nhân thì nguyên đơn có quyền chọn Tòa thường hoặc Tòa thương mại. Nếu thương nhân đứng đơn kiện thì bắt buộc vụ án phải được đưa ra xét xử ở Tòa thương mại. Đó là nguyên tắc đặc trưng của Tòa này. Ngoài ra, còn có các Tòa khác như Tòa trẻ vị thành niên hay Tòa thành phần "thiểu số".
  • Tòa Đại hình: đối với các tội phạm có mức nguy hiểm cao, khung hình phạt trên 6 năm tù, pháp luật hình sự Pháp coi đây là các tội đại hình [felonies] và cần có một cơ chế xét xử riêng biệt. Tòa Đại hình Pháp được thành lập để xét xử các loại tội này. Vì đây là những tội mà hình phạt rất nghiêm khắc, cho nên pháp luật hình sự Pháp xây dựng nên chế định bồi thẩm đoàn [jury]. Bồi thẩm đoàn là một chế định tập hợp những người dân bình thường, tham gia xét xử chung với các thẩm phán chuyên nghiệp. Trong khi các thẩm phán chuyên nghiệp sẽ quyết định các vấn đề có tính pháp lý [matter of law], bồi thẩm đoàn sẽ là người trả lời các câu hỏi có tính sự kiện [matter of facts], ví dụ như bị cáo có mặt ở hiện trường lúc xảy ra vụ án hay không, hay hành vi trên có phải là bất khả kháng hay không.

(Ảnh 2: Quang cảnh Tòa Đại hình Pháp, source: Ministère de la Justice)


2. Cấp xét xử phúc thẩm:

Các vụ án được xét xử phúc thẩm thường tập trung vào một loại Tòa chính, được tổ chức theo đơn vị lãnh thổ. Ngoài ra, đối với các vụ án Đại hình thì pháp luật Pháp có quy định cơ chế phúc thẩm riêng.
  • Tòa phúc thẩm: theo pháp luật tố tụng Pháp, Tòa phúc thẩm sẽ nhận phúc thẩm tất cả các bản án bị kháng cáo kháng nghị của tất cả các loại Tòa sơ thẩm, trừ Tòa Đại hình (4). Trước đây, Tòa phúc thẩm Pháp, để giảm tải các tranh cãi không cần thiết đối với vụ án nhỏ, đã không nhận phúc thẩm các vụ án thuộc thẩm quyền sơ thẩm của Tòa STTQHC. Nhưng kể từ sau khi các Bộ luật về Tố tụng Dân sự và Tố tụng Hình sự Pháp được sửa đổi, Tòa phúc thẩm đã nhận phúc thẩm tất cả các vụ án do Tòa sơ thẩm thụ lý. Về cơ bản, Tòa phúc thẩm có 4 cơ quan chính: cơ quan Hộ tịch [sociale], chuyên phúc thẩm các quyết định của Tòa lao động [Conseil de Preud'hommes]; cơ quan Thương mại [commerciale] chuyên phúc thẩm các bản án của Tòa thương mại; cơ quan Dân sự [civile] chuyên phúc thẩm các bản án của tribunal civil; cơ quan hình sự [correctionnel] chuyên phúc thẩm các bản án của Tòa tiểu hình và Tòa vi cảnh.
  • Phúc thẩm Tòa Đại hình: trước năm 2001, các phán quyết của Tòa Đại hình sơ thẩm có tính chất chung thẩm, và không bị kháng cáo. Cách duy nhất để thay đổi phán quyết của Tòa Đại hình là thông qua trình tự Phá án, và chỉ có phần áp dụng pháp luật là có thể được sửa đổi, còn phần tình tiết vụ án thì sẽ vẫn được giữ y nguyên. Có lẽ điều này xuất phát từ sự đề cao sức mạnh của nhân dân và tính không thể sai của các bồi thẩm đoàn. Tuy nhiên, kể từ năm 2001, với sự ra đời của Luật 15 tháng 6, hay còn gọi là Luật suy đoán vô tội, sửa đổi một số điều cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự, chức năng phúc thẩm đối với bản án của Tòa Đại hình đã được thêm vào (5). Trong đó, một bản án của Tòa Đại hình có thể được phúc thẩm, xem xét lại cả những tình tiết trong vụ án, chứ không đơn thuần là xem xét việc áp dụng pháp luật như thủ tục Phá án. Cơ quan thực hiện chức năng phúc thẩm này sẽ là một Tòa Đại hình khác, hội đồng xét xử sẽ do Tòa Phá án trực tiếp thành lập, và sẽ bao gồm Đoàn bồi thẩm 12 thành viên [thay vì 9 như cấp sơ thẩm] (6). Đây được xem là một bước tiến đáng kể trong quá trình bảo vệ quyền của người bị buộc tội của pháp luật Tố tụng hình sự Pháp.

3. Thủ tục Phá án:

Cũng như thủ tục Giám đốc thẩm, tái thẩm ở Việt Nam, thủ tục Phá án Pháp không phải là một cấp xét xử mà chỉ là một cấp thẩm tra trên giấy tờ các bản án có đề nghị Phá án [pettiton for review]. Tòa Phá án có quyền xem xét lại đối với bất kì bản án nào của bất kì Tòa nào trong nhánh Tòa Tư pháp này. Tuy nhiên, hạn chế của Tòa Phá án là nó không được phép xem lại vấn đề tình tiết của vụ án, mà chỉ được phép thẩm tra lại việc áp dụng pháp luật của Tòa án cấp dưới.

Nếu trong quá trình thẩm tra này, Tòa Phá án đồng ý với cách áp dụng pháp luật của Tòa cấp dưới, Tòa sẽ ra quyết định bác đơn kháng nghị [rejet de pourvoi] và bản án kia sẽ là chung thẩm. Nếu Tòa Phá án không đồng ý với cách giải quyết của Tòa cấp dưới, Tòa sẽ ra quyết định đình chỉ thi hành bản án [casse le jugement] và yêu cầu một Tòa án khác cùng cấp với Tòa đã đưa ra bản án bị Phá án xét xử [renvoi]. Tòa Phá án không được giao cho bất kì Tòa nào đã xét xử vụ án này xét xử lại (7).

Ví dụ: Tòa Phá án phá một bản án của Tòa Tiểu hình khu vực 3, thì Tòa Phá án sẽ giao vụ án này lại cho Tòa Tiểu hình khu vực 2 hoặc một tòa nào khác tòa khu vực 3 xét xử. Nếu bản án của Tòa Tiểu hình khu vực 2 tiếp tục bị phá, thì Tòa Phá án phải giao cho một Tòa tiểu hình khác ngoài Tòa khu vực 2 và khu vực 3. Cứ thế, trình tự tiếp diễn trở về sau.


Vậy thì, hậu quả pháp lý của một bản án bị phá là như thế nào? Nó sẽ được giao xét xử lại. Nhưng pháp luật Pháp không bắt buộc Tòa xét xử lại này tuân theo những gì mà Tòa Phá án đã chỉ đạo. Thật ra, trước đây, pháp luật cũng không quy định về việc một bản án có thể bị phá bao nhiêu lần. Điều này có thể dẫn đến tình trạng bế tắc nếu như các Tòa cấp dưới nhất quyết không tuân theo những chỉ đạo của Tòa cấp trên. Để giải quyết tình trạng này, về sau, pháp luật [và một phần là tập tục] đã buộc Tòa xét xử lại lần 2 [xét xử lại bản án bị phá lần 2] phải tuân theo những chỉ đạo của Tòa Phá án Pháp (8).

---END---

(1): Xem Gerald Kock, The Machinery of Law Administration in France, 108 U.PA.L.Rev 366, 367-380 [1960].
(2): Id
(3): Id
(4): http://www.justice.gouv.fr/index.php?rubrique=10031&ssrubrique=10033&article=12026; Xem thêm C.Pr.Pén., Liv.II, Titre II, Chap. II, §1, Art. 496.
(5): Xem C.Pr.Pén., Liv.II, Titre Ier, Chap. IX, §1, Art. 380-1.
(6): http://www.justice.gouv.fr/index.php?rubrique=10031&ssrubrique=10033&article=12027 [at La Cour d'Assises d'appel]
(7): Gerald Kock, supre note 1.
(8): Id.

3 nhận xét: