Thứ Hai, 15 tháng 3, 2010

Trách nhiệm hữu hạn và Luật công ty

"Trách nhiệm hữu hạn" là gì? Và tại sao những nhà đầu tư thông thường lại được hưởng chế độ này khi họ đầu tư vào các công ty?


Cần nói ngay từ đầu, khi chúng ta nói đến "trách nhiệm hữu hạn" [TNHH], có nghĩa là chúng ta đang nói đến khía cạnh nợ và nghĩa vụ trả nợ của chủ thể. Một chủ thể sẽ làm ăn bình thường mà không cần nói đến vấn đề trách nhiệm này, cho đến khi công ty thực sự có "trách nhiệm", ở đây là nợ. Chữ liability [limited liabilty] trong tiếng Anh kế toán cũng có nghĩa là "nợ". Như vậy, trách nhiệm hữu hạn có thể hiểu là nghĩa vụ chịu nợ hữu hạn của chủ thể.

Chúng ta thường nghe nói đến AIA là một công ty trách nhiệm hữu hạn, hay công ty cổ phần nhựa Bình Minh có chế độ trách nhiệm hữu hạn... Tuy nhiên, khi chúng ta nói đến TNHH, chúng ta không nói đến trách nhiệm của công ty, mà chúng ta đang nói đến trách nhiệm của những nhà đầu tư góp vốn để tạo nên công ty đó. Theo định nghĩa luật học, và pháp luật các nước đều quy định như thế, TNHH là nói đến trách nhiệm của nhà đầu tư vào công ty đối với các khoản nợ của công ty. Nghĩa là TNHH dùng để bảo vệ nhà đầu tư chứ không bảo vệ công ty. Công ty trong mọi trường hợp phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với tài sản của nó.

Lấy ví dụ minh họa: Công ty cổ phần Dimichelle có 1 cổ đông là ông Lê Nguyễn Duy Hậu, góp vốn mua 10,000 cổ phần với giá 10,000 VNĐ/cổ. Như vậy vốn ban đầu của công ty Dimichelle sẽ là 10,000 x 10,000 = 100 triệu VNĐ.
  • Nếu trong quá trình hoạt động, tài sản công ty còn 100 triệu, nhưng số nợ đến hạn lên đến 300 triệu. Do công ty có chế độ TNHH, nên ông Hậu là nhà đầu tư sẽ không phải chịu trách nhiệm thêm gì đối với khoản nợ này của công ty, ngoài việc ông chịu mất trắng 100 triệu đầu tư ban đầu. Như vậy, chủ nợ trong trường hợp này đành ngậm ngùi thu về 100 triệu và chịu mất 200 triệu.
  • Tương tự, nếu tài sản công ty tăng lên 200 triệu, nhưng nợ là 300 triệu. Điều này không có nghĩa là công ty chỉ phải chịu mất 100 triệu ban đầu. Bản thân công ty là một pháp nhân, nó chịu trách nhiệm vô hạn, nên nó sẽ mất 200 triệu tài sản. Chủ nợ thu về 200 triệu và mất 100 triệu. Ông Hậu, tuy thực chất là chủ công ty, nhưng sẽ vô can trong trường hợp này.

Xem xét ví dụ trên, có thể thấy, khi vấn đề TNHH được đặt ra [nợ đến hạn], thì tài sản công ty còn bao nhiêu sẽ phải đem đi thanh toán cho đủ số nợ. Nếu không đủ thì thôi, chủ nợ sẽ mất phần còn thiếu, công ty phá sản và chấm dứt hoạt động, tài sản riêng của nhà đầu tư, chủ công ty không bị đụng đến.

Ngày nay, có lẽ là tất cả mọi hệ thống pháp luật trên thế giới về công ty đều xem chế độ trách nhiệm hữu hạn là một đặc tính không thể thiếu và mang tính đặc trưng, định nghĩa khi nói đến công ty. Tuy nhiên, quan điểm về TNHH không phải là một quan điểm có tính tự nhiên. Chế độ TNHH ra đời xuất phát từ sự thôi thúc của các điều kiện lịch sử và kinh tế.

Thật khó để xác định lịch sử của chế độ TNHH. Theo luật gia vĩ đại William Blackstone của Anh, có lẽ nó xuất phát từ các corpora của người La Mã cổ đại (1). Nhưng điều này cũng không chắc chắn. Chỉ biết rằng, khi các quốc gia thực dân cử đội tàu của những công ty Đông Ấn đi khai phá thuộc địa, người ta đã cho phép nhà đầu tư được hưởng chế độ TNHH đối với phần vốn góp vào trong đội tàu, vì tính chất quá nguy hiểm của những cuộc hải hành này (2). Tuy nhiên, trong quan hệ thương mại nội địa, ví dụ như ở Anh, các nhà đầu tư vẫn phải chịu trách nhiệm vô hạn, cho đến năm 1855 với Đạo luật về TNHH [Limited Liability Act]. Nhưng thậm chí khi đã có luật, người ta cũng không có cách hiểu trọn vẹn về vấn đề này, cho đến năm 1897, khi Viện nguyên lão Anh [House of Lords] với tư cách là Tòa tối cao lúc bấy giờ đã đưa ra phán quyết có tính bước ngoặt trong vụ Salomon v. Salomon & Co.. Trong vụ này, Thẩm phán Halsbury đã đưa ra một nhận định nổi tiếng, trong đó cho rằng nếu công ty Salomon & Co của ông Salomon làm chủ không phải là "một thực thể độc lập", thì nghĩa là chúng ta rơi vào cái vòng luẩn quẩn "vừa có công ty, vừa không có công ty" (3). Bằng việc tách công ty Salomon & Co ra khỏi cái bóng của ông chủ Salomon, Viện nguyên lão Anh đã đưa ra chính thức xác định rằng công ty là một thực thể độc lập khỏi chủ của nó [tư cách pháp nhân] và tài sản của chủ và tài sản của công ty là hai loại tài sản độc lập, do đó không thể lấy để bù qua cấn lại. Ở Anh là như thế, ở Mỹ, chế độ TNHH cũng chỉ được công nhận kể từ năm 1931 (4).


Vậy thì tại sao nhà đầu tư phải được hưởng TNHH khi đầu tư vào công ty?

Có nhiều cách để trả lời câu hỏi này. Ở đây, tôi cho rằng có hai lý do chính:

Xét về mặt kinh tế, đặt chế độ TNHH vào công ty khiến cho hiệu quả kinh tế được đẩy lên cao nhất. Điều này được lịch sử doanh nghiệp Mỹ và Anh chứng minh. Hai tác giả Reiner R. Kraakman [Harvard] và Henry Hansmann [NYU] đã có những bình luận khá hay về khía cạnh này (5):
  • Hai ông cho rằng đây là một cách làm thuận tiện. Nó cho phép chủ nợ của doanh nghiệp có quyền ưu tiên tiếp cận tài sản doanh nghiệp, trong khi chủ nợ của nhà đầu tư có quyền ưu tiên tiếp cận tài sản của nhà đầu tư. Vì rằng hai loại chủ nợ này chính là người hiểu biết rõ nhất về tình trạng tài chính của con nợ mình, nên việc đặt chế độ TNHH lên công ty để tách bạch nợ công ty và nợ của nhà đầu tư khiến cho chủ nợ xác định được mình phải đòi ai, và đòi ở đâu. Từ đó tiết kiệm đáng kể những chi phí trong việc thu hồi nợ.
  • Nó giúp cho các doanh nghiệp làm ăn lớn, có nhiều công ty con, có khả năng chia rủi ro khi giao dịch ra làm nhiều phần nhỏ. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp lớn có khả năng thế chấp một phần tài sản làm đảm bảo khi vay nợ dễ dàng hơn, từ đó giúp chủ nợ khoanh vùng khối lượng tài sản cần theo dõi.
  • Cuối cùng, bằng việc quy định TNHH, phần nào đó, luật công ty đã chuyển rủi ro về tài chính từ nhà đầu tư sang cho chủ nợ [nhà đầu tư đã sẵn sàng mất tiền, trong khi chủ nợ có động cơ hơn để đòi giám sát hoạt động của công ty]. Từ đó buộc chủ nợ phải tham gia giám sát hoạt động của công ty. Như vậy là một công đôi việc.
Xét về tính công bằng, phải nhìn nhận rằng các công ty là một thực thể độc lập khỏi những nhà đầu tư. Một công ty có thể có hàng trăm nhà đầu tư, nhưng công ty vận hành như thế nào đôi khi lại nằm trong tay khoảng một hai người lãnh đạo. Như vậy, sẽ có những nhà đầu tư rơi vào thế đặt tài sản của mình vào tay người khác do đã lỡ tham gia công ty. Để tránh trường hợp này, đồng thời cũng nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư bỏ vốn, pháp luật đặt ra vấn đề giới hạn trách nhiệm cho các nhà đầu tư. Như vậy, việc đem đầu tư 100 triệu vào công ty cũng sẽ giống như một sự chấp thuận giao 100 triệu của nhà đầu tư cho một nhóm người biết làm ăn để sinh lời, chứ không còn mang nặng tính cá cược, rủi ro như trước nữa. Đây là một cách làm hợp lý. Thật ra, luật công ty của các quốc gia thường chú trọng việc giải quyết vấn đề quan hệ giữa bên được đại diện [principal] và bên đại diện [agent], bởi vì bên được đại diện [ở đây là nhà đầu tư] thường khó có thể biết được bên đại diện [ở đây là công ty] sẽ làm gì với vốn của mình. Chính từ sự bị động về thông tin này, pháp luật về TNHH ra đời cũng là để bảo vệ cho bên được đại diện [Tất nhiên, đây chỉ là một cách để bảo vệ và thật ra cũng không phải là cách làm đặc trưng].



Tuy nhiên, vấn đề TNHH của nhà đầu tư cũng bị chỉ trích dữ dội. Nhiều người cho rằng đây thực tế chỉ là sự chuyển dịch rủi ro từ nhà đầu tư sang cho xã hội. Họ lập luận rằng, việc cho nhà đầu tư một TNHH sẽ khiến cho nhà đầu tư đó, nếu tham gia điều hành công ty, sẽ không có trách nhiệm đối với các giao dịch của mình [vì số tiền mất là đã xác định được]. Cũng giống như hiện tượng moral hazard trong bảo hiểm, đây là điều mà pháp luật công ty cũng cần tính đến. Ngày nay, vấn đề này càng trở nên nóng bỏng kể từ sau vụ nhà máy Bhopal gây thiệt hại ở Ấn Đ, vượt xa mức số tài sản thực của công ty.

Để giải quyết vấn đề này, luật công ty có thể đưa ra những quy định rắc rối liên quan đến việc tách bạch quyền điều hành và quyền sở hữu công ty, hoặc lập ra các ủy ban giám sát hoạt động của công ty [trustees], hay bắt công khai thông tin công ty trước khi giao dịch [cáo bạch, disclosure]... Tuy nhiên, phổ biến nhất hiện nay là nguyên tắc "phá hạn trách nhiệm" hay "piercing the corporate veil", trong đó cho phép tòa án với tay đến số tài sản độc lập của nhà đầu tư trong một số trường hợp. Như vậy, có lẽ đã đến lúc cần định nghĩa là khái niệm TNHH và phạm vi được hưởng TNHH của nhà đầu tư. Hai tác giả Kraakman va Hansmann cho rằng khi nói đến vấn đề TNHH thì chúng ta đang nói đến TNHH trong hợp đồng, tức là đối với các chủ nợ tự nguyện. Còn đối với các chủ nợ không tự nguyện, vấn đề TNHH không nên được đặt ra. Đây là những trường hợp liên quan đến việc công ty phải có trách nhiệm đối với các khoản nợ do công ty gây thiệt hại ngoài hợp đồng [torts], như trong các thảm họa môi trường [environmental disaster], hoặc đối với các trường hợp gây thương tích cá nhân [personal injury].

Lê Nguyễn Duy Hậu
[15 tháng 3 năm 2010]



(1) Xem Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Đình Cung, Công ty, vốn, quản lý và tranh chấp, NXB Tri thức [2009], trang 32
(2) Sđd, trang 35
(3) Sđd, trang 69
(4) Xem Phillip Blumberg, Limited Liability and Corporate Groups, 11 Journal of Corporate Law 573 [1986]
(5) Xem R. Kraakman, H. Hansmann and co-writers, The Anatomy of Corporate Law: A Comparative and Functional Approach, Oxford University Press [2004], trang 8-10

1 nhận xét:

  1. Mình may mắn tham khảo bài luận văn của bạn trên thư viện trường. Vấn đề này bạn viêt thật mới- sâu sắc. Tuy nhiên, theo quan điểm của mình có 1 số điểm cần làm rõ trong bài viết trên:
    Thứ 1: Theo mình hiểu và cũng 1 số tài liệu tham khảo TNHH ở đây mình ko nên tư duy theo góc độ chủ thể, và TNHH cũng ko mang ý nghĩa lớn lao bảo vệ nhà đầu tư cũng như công ty. Đơn giản TNHH ý nghĩa quan trọng nhất sự tách bạch phân chia về tài sản đầu tư và trách nhiệm trả nợ giữa nhà đầu tư và công ty. Như vậy theo bài viết trên thì chỉ nói đến phần kết quả ( ngọn cây) mà mình thật sự chưa đi vào phần gốc của tính TNHH.

    Thứ 2: Khi mình lý giải tính TNHH bản chất thật sự nó ( cái gốc) thì mình dễ dàng lý giải tâm lý nhà đầu VN ( phần nào đó nhà lập pháp, người công tác PL) tất cả đều hiểu và áp dụng máy móc tính TNHH ( cái ngọn). Từ đó, nhà đầu tư thường có tâm lý bỏ tiền chỉ vì có tính TNHH mà họ chưa hoặc ko nhận ra rằng sự tách bạch tài sản đầu tư đề đem lại quyền năng quản trị từ đó họ kéo con tàu pháp nhân qua khỏi trách nhiệm riêng biệt so chủ nợ. Ở đây suy nghĩ từ cái gốc thì mang tính cộng hưởng.Suy nghĩ từ cái ngọn thì mang tâm lý tiểu nông - chỉ thấy lợi trước mắt và hệ lụy cuối cùng đình trệ.

    Mong được trao đổi với Hậu. Mình học K32
    ( lenghia2020@gmail.com)

    Trả lờiXóa