Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

Holmes và nguồn gốc của Thông luật

Có một nguồn gốc thống nhất nào cho tất cả mọi quan điểm, truyền thống pháp luật trên thế giới không?

Bài viết dưới đây thử tìm kiếm một nguồn gốc như thế. Thật ra những quan điểm này không hoàn toàn thuộc về tác giả. Đây là sự tổng kết từ quan điểm pháp luật thực chứng [legal realism] của Thẩm phán Oliver Wendel Holmes, Jr (1841-1935), được trình bày trong chương I của tác phẩm nổi tiếng The Common Law (1881). Hy vọng bài viết sẽ là nguồn tham khảo bổ ích cho các bạn sinh viên khi làm quen với môn học Lý luận về pháp luật và môn học Luật so sánh.

=============================================

Holmes cho rằng: "hình thái đầu tiên của pháp luật bắt nguồn từ sự báo thù [venegance]". Luận đề đầu tiên của Holmes có thể đã gây nên tranh cãi cho các luật gia tin rằng pháp luật đi ra từ cái gì đó thiêng liêng hơn.

"Pháp luật của người La Mã cổ đại bắt đầu từ những món nợ máu [blood feud]. Pháp luật Đức cổ cũng như thế". Pháp luật của người Anglo-Saxon cho đến trước thời đại của William the Conqueror cũng vậy.

Để chứng minh cho luận điểm trên, Holmes đưa ra một loạt các vụ việc cụ thể:

1. Trong Exodus, người ta cho rằng: "Nếu một con bò húc chết một người, làm người đó chết: thì con bò đó sẽ bị ném đá cho đến chết, và người ta không được ăn thịt của nó; trong khi đó, chủ của con bò sẽ thoát nợ".

2. Plato thời Hy Lạp cổ đại cho rằng: "Nếu một tên nô lệ giết một người, thì hắn sẽ bị giao nộp cho thân nhân của người đã chết để cho những người này xử lý theo ý muốn của mình". "Nếu một con thú giết chết một người, con thú đó sẽ bị giết và xác sẽ bị vứt ra khỏi biên giới".

3. Trong Luật 12 bảng [Twelve Tables - 451 B.C] của La Mã cũng ghi nhận: "Nếu một con thú gây thiệt hại, thì hoặc là con thú đó phải được giao nộp, hoặc là thiệt hại phải được bồi thường".

4. Cũng theo Luật 12 bảng, nếu "Con nợ không thể thanh toán được nợ cho nhiều chủ nợ và bị phá sản, chủ nợ có quyền cắt xẻ thịt của con nợ ra chia cho nhau đem về. Nếu chỉ có một chủ nợ, con nợ có thể bị chủ nợ giết hoặc đem bán đi làm nô lệ".

5. Theo luật của người Đức cổ [Teuton]: "Nếu một tên nô lệ giết chết một người tự do, tên nô lệ sẽ được giao nộp cho thân nhân của nạn nhân để bù đắp 1/2, trong khi chủ của tên nô lệ phải trả thêm 1/2 tiền bồi thường nữa".

6. Theo luật cổ của người Kentish [một trong những hệ thống cấu thành pháp luật Anh cổ], "Nếu một tên nô lệ giết chết một người tự do, chủ của tên nô lệ phải trả 100 shillings và giao nộp tên nô lệ đó".

7. Theo luật của người Kuki tại Nam Á: "Nếu một con hổ giết một người Kuki, gia đình của anh ta sẽ mang mối nhục cho đến khi họ giết và ăn thịt con hổ đó, hoặc một con hổ khác. Nếu người đó bị giết vì cây đổ, thân nhân phải trả thù bằng cách đốn cái cây đó và xẻ nó ra thành khúc".

8. Theo luật của người Scotland: "Nếu một con ngựa hoang lôi một người đến vùng hồ nước, kết quả là người đó bị chết đuối. Thì con ngựa đó sẽ bị đem sung công cho nhà vua. Nhưng nếu đó không phải là ngựa hoang mà là ngựa thuần chủng thì chủ của con ngựa phải chịu trách nhiệm".

9. Theo Luật của vua Edward I: "Nếu một người rơi từ trên cây xuống và chết, cái cây sẽ bị chặt. Nếu người đó bị chết chìm trong giếng, giếng sẽ bị lắp".

10. Theo Luật của Ulpian cho đến thời Austin: "Nếu một người làm bánh lái chiếc xe bò cho chủ của mình để giao bánh vào buổi sáng, đã cán lên một người khác. Thì thiệt hại sẽ do chủ của người đó đền bù với lỗi rằng người chủ này đã giao việc cho một người không phù hợp [improper person]". Nếu người chủ chứng minh rằng anh ta đã căn dặn người làm thuê kĩ càng, thì lý do sẽ là phải có một hậu quả pháp lý nào đó [remedy] đè lên vai người có khả năng đền bù thiệt hại, hoặc là hành vi sai phạm đó xuất phát từ chính việc thực hiện nhiệm vụ cho ông chủ.

Khảo sát sơ qua 10 ví dụ của Holmes, có thể thấy mục đích cao nhất của pháp luật của các xứ sở cổ đại là nhằm cân bằng hóa những gánh nặng mà các bên hứng chịu. Trả thù theo nghĩa của Holmes hiểu chính là sự bắt buộc bên gây thiệt hại phải bù đắp cho bên thiệt hại.

Ban đầu, pháp luật các xứ sở đều có chung một giải pháp cho việc bù đắp, đó là tôi mất một thì anh mất một [an eye for an eye]. Thường những vật gây thiệt hại sẽ bị đem đi tiêu hủy, hoặc đem cho thân nhân của người bị thiệt hại xử lý, thông thường là giết hoặc phá hủy vật đó như để thỏa mãn khao khát trả thù của mình.

Tuy nhiên, xã hội và nhận thức con người phát triển và pháp luật cũng không thể tiếp tục man rợ như thế. Holmes gọi cách xử lý của vua Edward I sống ở thế kỷ 13, cách rất xa thời kì nguyên thủy, ở ví dụ số 9 là cách xử lý "làm gợi nhớ đến thời kì của các bộ tộc man di" [barbarians]. Dần dần, pháp luật các xứ sở cụ thể hóa những đối tượng phải chịu trách nhiệm, chứ không còn đơn thuần là buộc tội kẻ trực tiếp gây hậu quả. Pháp luật về trách nhiệm của chủ đối với thiệt hại của người làm công ra đời [Ví dụ 10]. Cần lưu ý rằng Ulpian là một luật gia La Mã, còn Thomas Austin thì là một luật gia người Anh sống ở thế kỷ 18, nhưng cách giải quyết vấn đề của hai ông là tương đồng. Holmes không ngẫu nhiên khi chọn hai luật gia đến từ hai hệ thống pháp luật khác nhau, ở cách xa nhau để chứng minh cho tính thông thường [common] của nguyên tắc này.

Hơn nữa, các xứ sở cũng đi đến một nhìn nhận khác về mục tiêu "báo thù" của pháp luật. Nếu như sự "báo thù" của pháp luật cổ xưa chỉ nhằm mục đích trừng phạt kẻ gây ra hậu quả và làm yên lòng về tinh thần cho người bị thiệt hại, thì pháp luật đã tiến lên đến mức độ mà, nói như Holmes, "món nợ máu có thể trả được bằng tiền". Đây là cách mà thay vì cả pháp luật tước bỏ đi của kẻ thủ ác nhằm cân bằng hóa với người bị hại [cả hai cùng thiệt hại], thì nay pháp luật tước đi của kẻ gây thiệt hại để đền bù cho nạn nhân. [nạn nhân được bù đắp] Ở Anh, nợ máu chấm dứt từ thời William the Conqueror chinh phục được quần đảo Anh quốc, đặt nền móng đầu tiên cho nền Thông luật hiện đại.

Giải thích vì sao sự báo thù thể xác ngày càng được thay thế bằng những trách nhiệm vật chất, và tại sao ngay cả đối với quan hệ tư, pháp luật cần phải can thiệp, Thẩm phán Richard Posner cho rằng

"Trả thù là một hệ thống hết sức bất tiện vì nó cản trở sự chuyên môn hóa các lực lượng lao động. Thay vì giao việc xét xử cho các chuyên viên pháp lý, người trả thù phải đảm nhiệm luôn chức vụ bắt giữ, xét xử, tuyên án và thi hành án... và hơn thế nữa, anh ta sẽ trở thành mục tiêu cho sự trả thù của gia đình nạn nhân bị anh ta xét xử"
(Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng trích lại, Tạp văn, NXB Tổng hợp TPHCM)

Quay trở lại với câu chuyện về nguồn gốc của các hệ thống pháp luật trên thế giới, câu chuyện của Holmes chỉ là một cách giải thích cho những nét tương đồng về cách hiểu, tư duy pháp lý của các dân tộc cổ xưa về chế độ trách nhiệm pháp lý của người gây thiệt hại. Nhưng cho dù là một nhà pháp luật thực chứng điển hình, nhưng các quan điểm của Holmes, dù chỉ ở dưới dạng mô tả thống kê, cũng chỉ ra rằng pháp luật ở một mức độ nào đó có nguồn gốc từ tư duy thông thường của mọi người dân trên thế giới. Dù ở vùng miền nào thì ở đâu đó, cách hiểu này cũng giống nhau. Có thể gọi đây là một dạng thức của pháp luật tự nhiên [natural law]. Việc các hệ thống pháp luật phân chia và trở nên khác nhau như hiện nay cũng giống như câu chuyện Thượng đế trừng phạt con người vì dám xây dựng ngọn tháp Babel. Đó là một quy luật tất yếu, nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại những dấu tích về một nền tư tưởng pháp lý chung.

Nói về Thông luật, Holmes mạnh dạn khẳng định, Thông luật có nguồn gốc không chỉ từ pháp luật Anglo-Saxon cổ đại, mà còn là pháp luật La Mã và pháp luật Đức cổ, những hệ thống pháp luật mà ông gọi là "cha mẹ của pháp luật của chúng ta" (Holmes, The Common Law, trang 17). Lời khẳng định này có thể chỉ là một tuyên bố chủ quan của Holmes nhưng nó cũng mở ra một tư duy mới cho các sinh viên khi nghiên cứu bộ môn Luật so sánh.

Cuối cùng, tại sao lại tồn tại pháp luật trên đời trong khi ngay bản thân sự trả thù cũng phần nào giải quyết được vấn đề? Pháp luật có thực sự đi ra từ mục đích gì đó thiêng liêng? Nói như Richard Posner có thể bao quát vấn đề. Pháp luật suy cho cùng là nói đến sự hài hòa, trong khi trả thù chỉ là cách anh làm cho bản thân cảm thấy thoải mái hơn. Tiến sỹ Dương Ngọc Dũng trong một bài Tạp văn in tháng 12 năm 1998 cũng tổng kết một cách rất hay về đề tài này:

"Trong thiên sử thi Hy Lạp Odyseey, nhân vật chính Odyseeus cũng nói rằng nếu ông giết chết những kẻ theo đuổi Penelope, vợ ông, gia đình của họ chắc chắn sẽ trả thù, và chỉ một thần linh trên đỉnh Olympics mới có thể ngăn cản được việc này. Pháp luật phải ra đời để phá bỏ cái vòng luẩn quẩn đó"
(Dương Ngọc Dũng, Pháp luật và Báo thù)


Lê Nguyễn Duy Hậu
[10 tháng 3 năm 2010]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét