Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Free from Fear

"Và lúc này đây là thời khắc quan trọng nhất, thời khắc sẽ quyết định vận mệnh của một quốc gia, của vị Sa hoàng, và của cuộc cách mạng. Đó là thời khắc khi viên cảnh sát bước ra khỏi vị trí của mình tiến tới một người đàn ông đứng trong đám đông biểu tình. Viên cảnh sát lớn giọng, và ra lệnh cho người đàn ông ấy về nhà. Viên cảnh sát và người đàn ông trong đoàn biểu tình ấy đều là những con người bình thường, họ đều vô danh đối với chúng ta, nhưng cuộc gặp gỡ của họ mang một dấu ấn lịch sử sâu sắc. Cả hai đều là những người trưởng thành, họ đều đã trải qua những sự kiện nhất định, và họ đều có những kinh nghiệm cá nhân. Kinh nghiệm của viên cảnh sát đó là: Khi tôi lớn tiếng với ai đó và giơ cao gậy của tôi lên, người đó sẽ run sợ và quay đầu bỏ chạy. Kinh nghiệm của người đàn ông trong đám đông biểu tình đó là: Khi thấy viên cảnh sát tiến tới, một nỗi sợ sẽ chạy khắp người tôi và tôi sẽ phải bỏ chạy. Nhìn vào những kinh nghiệm đó, chúng ta có thể mường tượng một kịch bản: Viên cảnh sát la hét, người đàn ông bỏ chạy, đám đông tan đàn theo, và quảng trường sẽ lại sạch bóng người.

Nhưng lần này, mọi thứ lại diễn ra khác đi. Viên cảnh sát vẫn la hét, nhưng người đàn ông không bỏ chạy. Anh ta đứng đó, nhìn viên cảnh sát. Đó là một cái nhìn cẩn trọng, thấp thoáng sự run rẩy bởi nỗi sợ, nhưng cùng lúc, có cả sự cương bướng và lì lợm. Người đàn ông không động đậy. Anh ta liếc nhìn xung quanh và nhận thấy cái nhìn tương tự trên những gương mặt khác. Cũng giống như anh ta, những người xung quanh đều mang bộ mặt cẩn trọng, một chút sợ sệt, nhưng đã rất cứng cỏi và bất khoan. Không ai bỏ chạy mặc cho viên cảnh sát tiếp tục la hét; và cuối cùng viên cảnh sát ngưng giọng. Đó là một thời khắc tĩnh lặng. Chúng ta không rõ liệu rằng viên cảnh sát hay người đàn ông trong đám biểu tình có nhận biết điều gì vừa diễn ra hay không. Người đàn ông ấy đã không còn sợ hãi nữa - và đó chính là lúc mà cuộc cách mạng bắt đầu. Cho đến trước lúc ấy, bất kỳ khi nào hai người đàn ông này giáp mặt nhau, một nhân vật thứ ba ngay lập tức xen vào giữa hai họ. Nhân vật thứ ba đó chính là Nỗi sợ. Nỗi sợ là đồng minh của viên cảnh sát và là kẻ thù của đám đông. Nỗi sợ áp đặt luật lệ của nó và quyết định mọi thứ. Giờ đây, cả hai người đàn ông thấy bản thân độc lập, đối mặt nhau, và Nỗi sợ đã biến mất trong không khí. Cho đến trước lúc ấy, sự tương tác giữa họ bị ràng buộc bởi cảm xúc, một dạng pha trộn giữa sự thô bạo, khinh miệt, giận dữ và khiếp sợ. Nhưng lúc này đây, Nỗi sợ đã rút lui, cái liên kết đầy tai ác và căm hờn đó đã gãy đổ; có cái gì đó đã bị dập tắt. Cả hai người đàn ông nay đã trở nên hoàn toàn tách biệt lẫn nhau, không còn tác dụng gì với nhau; họ giờ đây đã có thể đi những con đường khác nhau. Chính thế, viên cảnh sát phải quay đầu lại và lê bước nặng nề về phía gác canh, trong lúc người đàn ông trong đám biểu tình đứng đó, dõi theo bóng kẻ thù của anh ta dần biến mất.

Nỗi sợ: thứ quái vật tham lam, khát thịt sinh sống trong chính bản thân chúng ta. Nó không bao giờ cho phép ta quên rằng nó đang ở đó. Quái vật đó không ngừng gặm nhắm chúng ta và dày xéo gan góc của chúng ta. Quái vật đó luôn đòi hỏi được cho ăn, và chúng ta thấy rằng nó luôn luôn tìm được những của ngon nhất. Món khoái khẩu của nó là tin đồn u ám, là tin xấu, là những ý nghĩ hoang mang, là những viễn tưởng ác mộng. Từ hàng ngàn mẫu tin đồn, điềm xấu, ý kiến, con người luôn nhặt ra những mẫu tệ hại nhất - những mẫu mà Nỗi sợ ưa thích nhất. Bất cứ thừ gì để làm hài lòng con quái vật đó và khiến cho nó yên giấc. Ở đây ta có thể thấy một người nghe ai đó nói, gương mặt anh ta tái nhợt và chuyển động run rẩy. Chuyện gì đang xảy ra? Là anh ta đang nuôi dưỡng con quái vật Nỗi sợ. Và nếu như chúng ta không còn gì để cho Nỗi sợ ăn? Chúng ta sẽ tự tạo ra một cái gì đó, nóng sốt lên. Và nếu như chúng ta không thể tạo ra bất kỳ thứ gì (chuyện này rất hiếm khi xảy ra)? Chúng ta sẽ chạy đến người khác, tìm kiếm họ, hỏi han họ, lắng nghe và góp nhặt những điềm xấu, cho đến khi điềm xấu đó thỏa mãn được Nỗi sợ của chúng ta.

Tất cả những cuốn sách về các cuộc cách mạng đều mở đầu bằng một chương miêu tả sự suy đồi của nhà cầm quyền mục nát, hay bằng nỗi thống khổ và chịu đựng của người dân. Những cuốn sách ấy nên bắt đầu bằng một chương về tâm lý, một chương mô tả làm cách nào mà một con người bị hiếp đáp, kinh hãi lại có thể bỗng chốc đánh thắng được nỗi khiếp đảm của mình, và ngừng run sợ. Quá trình tiến triển bất thường này, đôi lúc diễn ra trong một chốc lát như một cú shock hay như một sự rũ bùn, quá trình này cần sự khai sáng. Con người rũ bỏ Nỗi sợ và cảm thấy Tự do. Nếu không có điều này, sẽ không có cách mạng..."

Trích Shah of Shahs (1982)

- Ryszard Kapuscinski (1932 - 2007) -

Bản dịch của Lê Nguyễn Duy Hậu