Thứ Năm, 1 tháng 4, 2010

Tìm luật

Là một sinh viên luật mới ra nghề, bạn cần biết những gì về pháp luật Việt Nam và đời sống pháp luật của chúng ta? Bài viết chỉ là sự tổng hợp những lượm lặt từ kinh nghiệm bản thân tác giả, hoặc từ những chia sẻ của người đi trước. Quan điểm trong bài chỉ mang tính cá nhân, và hy vọng rằng góc nhìn có phần chủ quan này sẽ không bị xem là quá cực đoan vì lý do gì.


====================================

Đối với một sinh viên luật vừa ra trường, thời gian đầu là lúc mà họ cần tìm sự thăng bằng. Thăng bằng để vượt qua sự chênh lệch, khập khiễng giữa pháp luật học đường và đời sống pháp luật thực tế.

Việc học trong trường đem đến cho bạn kiến thức toàn diện và niềm vui tri thức, đó là khoảng thời gian đẹp. Trường luật đào tạo ra những luật gia giỏi lý thuyết và có kiến thức sâu rộng về các ngành nghề.

Nhưng đời sống pháp luật của chúng ta không phải như thế. Công việc của một luật sư, hay một chuyên gia pháp lý, thiên về mặt kĩ năng hơn là mặt kiến thức. Đa số các vấn đề mà một luật sư gặp phải là những vấn đề rất mới. Mới ở chỗ nó ít khi được giảng dạy một cách quy củ trong các viện đại học vì tính chi tiết của nó. Nhưng điểm khác nhau giữa một luật sư và một người không được đào tào luật, trong trường hợp này, là ở chỗ người luật sư nắm giữ được công cụ để giải quyết vấn đề. Công cụ ở đây là khả năng tìm ra luật; trong khi người không được đào tạo luật sẽ tìm đến luật sư. Điều này đòi hỏi kiến thức nền, là những gì viện đại học cung cấp, nhưng phần nhiều kết quả đền từ những kĩ năng nghiên cứu và tìm luật. Học luật là học cách tìm ra luật.

Ví dụ: Khi tìm hiểu về hoạt động logistics. Một sinh viên luật sẽ ít khi có cơ hội được tìm hiểu quy củ về đề tài này trong viện đại học. Nhưng một sinh viên luật chắc chắn sẽ biết rằng đây là một hoạt động thuộc lĩnh vực thương mại, và một phần nào đó nó sẽ được điều chỉnh bởi Luật Thương mại. Nhưng chắc chắn rằng sinh viên đó cũng biết rằng Luật Thương mại chỉ là một bộ luật khung, không thể điều chỉnh một hoạt động chi tiết và có tính chuyên môn cao như hoạt động logistics. Như vậy, hiểu được bản chất của từng loại văn bản pháp luật, sinh viên đó sẽ tìm kiếm các quy định của hoạt động này trong các văn bản pháp lý dưới luật, thường là những nghị định, thông tư có mức độ quy định chi tiết hơn. Lúc này, người sinh viên luật đã biết chỗ để tìm ra luật, còn tìm như thế nào thì đó là một kĩ năng khác thuộc về lĩnh vực sử dụng internet.


Đó là cách mà một sinh viên luật cần bắt đầu. Chuẩn bị tâm lý để trả lời những câu hỏi liên quan đến các lĩnh vực hoàn toàn xa lạ. Có lẽ cần nói một cách ngắn gọn, bản chất của từng văn bản pháp luật cũng quyết định việc một lĩnh vực sẽ được tìm ở đâu:

  • Luật, bộ luật, pháp lệnh: đây sẽ là các văn bản pháp lý có tính chung, nền tảng và nguyên tắc. Những vấn đề rất cơ bản của một quan hệ pháp luật nào đó sẽ được người ta quy định ở đây. Đây là văn bản định hướng cho quá trình tìm kiếm luật của người sinh viên.
  • Nghị định: nghị định có hai chức năng. (1) nó giải thích luật một cách chi tiết hơn, luật của chúng ta gọi là hướng dẫn thi hành, (2) nó đôi khi ra đời để điều chỉnh một quan hệ xã hội quá chi tiết, quá mới mà luật không lường trước được, nhưng hoạt động đó vẫn nằm trong quan hệ xã hội lớn mà luật điều chỉnh.
  • Thông tư: đây là các văn bản do Bộ ban hành. Chính vì thế, nó hoàn toàn phục vụ các mục tiêu chuyên môn mà Bộ muốn đạt đến. Nó cũng có hai chức năng (1) giải thích cụ thể thêm cho nghị định, (2) điều chỉnh các vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết và nhanh chóng. Điều này giúp cho sinh viên luật khoanh vùng lại những loại văn bản cần tìm, nếu như vấn đề đang tìm hiểu hiện là vấn đề có tính bức xúc, như vấn đề thuế xuất nhập khẩu, hay giá xăng...
  • Công văn: cần lưu ý, đây không phải là một văn bản pháp lý. Nhưng trong đời sống pháp luật Việt Nam, nó được sử dụng một cách rộng rãi như một cơ sở pháp lý. Công văn là một dạng câu trả lời chính thức mà cơ quan Nhà nước đưa ra khi có yêu cầu về một tình huống pháp lý rất cụ thể nào đó. Nó có tính cụ thể hơn cả nghị định và thông tư và có thể xem nó như một "án lệ" trong lĩnh vực hành chính, nhưng không có tính ràng buộc. Việc sưu tầm các loại công văn đối với sinh viên luật là rất khó khăn,.Vì thế, vấn đề này thường được dựa vào kinh nghiệm làm việc lâu năm và có sự dìu dắt của các luật sư có kinh nghiệm.
Bốn loại văn bản kể trên là bốn loại văn bản thường thấy nhất và được sử dụng nhiều nhất. Nhưng cần lưu ý, có một số vấn đề cụ thể, chi tiết, mang tính chuyên ngành, nhưng do tính bức xúc, phức tạp và chuyên ngành mà nó có thể được nâng lên thành luật mà không nằm dưới dạng một văn bản dưới luật. Ví dụ như luật chứng khoán, pháp lệnh quảng cáo... Một sinh viên luật kinh nghiệm sẽ biết cách tìm kiếm các văn bản luật trước bằng công cụ google đơn giản, sau đó mới tìm lần lượt các văn bản sau.

Cũng cần lưu ý thêm, không phải bất kì quan hệ xã hội nào pháp luật cũng điều chỉnh một cách chi tiết. Đôi khi, pháp luật đưa ra những khái niệm mà hàm nghĩa rộng lớn, có thể bao hàm cả những hoạt động khác có nét tương đồng, hoặc không quá ảnh hưởng đến xã hội đến mức cần quy định cụ thể. Lấy ví dụ như hoạt động điều tra, nghiên cứu thị trường là một hoạt động rất cụ thể, chi tiết. Nhưng nhà làm luật cho rằng hoạt động này có nét tương đồng với hoạt động quảng cáo, và không quá ảnh hưởng đến mức cần phải có luật điều chỉnh. Trong trường hợp này, các quy định tại pháp lệnh quảng cáo có thể áp dụng. Một trường hợp nữa là có khi hoạt động đó mang tính dân sự, dịch vụ thuần túy và thậm chí pháp luật cũng không cần điều chỉnh. Nó có thể tiến hành thông qua các hợp đồng thỏa thuận dịch vụ thông dụng.


Chưa ai xây dựng một cách hoàn chỉnh lý thuyết về cách tìm và tra cứu luật trong pháp luật Việt Nam. Những gì vừa nêu chỉ là những kinh nghiệm mà tác giả nghe qua người khác, và những trải nghiệm thực tế. Trên thực tế thì nghề luật sư là một nghề đòi hỏi chí tiến thủ và tinh thần ham học hỏi. Một luật sư tư vấn nói như cách nói của dân trong nghề là những người cung cấp sản phẩm "có bảo hành suốt đời". Nếu như không có chí tiến thủ và tinh thần ham học hỏi thì rất khó để thành công. Dần dần thì người sinh viên luật sẽ nắm bắt được quy luật vận hành của đời sống pháp luật trong nước, để có thể dễ dàng trả lời được tất cả những câu hỏi pháp luật nào mà khách hàng đưa đến. Cần nhớ rằng người ta cần đến luật sư chỉ khi bản thân họ không thể tự biết pháp luật là gì, đa phần là vì họ không biết nó được quy định ở đâu. Một luật sư là người dự đoán được "nơi trú mình" của quy định đó và giúp khách hàng "lôi" nó ra.

(Còn tiếp)