Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2010

Hiểu nôm na một số thuật ngữ triết học

Nhân có bạn hỏi tôi về "duy vật", "duy tâm", "biện chứng"... Tôi mở topic này để chia sẻ sở học có hạn của mình về một số thuật ngữ triết học gần gũi và ta thấy gặp trong sách. Đây chỉ là cách hiểu nôm na, không đi sâu vào chi tiết vấn đề, cho nên nội dung của nó chỉ có tính tham khảo và định hưởng nghiên cứu:


1. Duy tâm (idealism):

Học Triết Marx-Lenin, chúng ta thường nghe đến thuật ngữ "duy tâm" với một nghĩa rất tiêu cực. Thông thường, sách vở giáo trình Việt Nam gán cho chủ nghĩa duy tâm là sản phẩm của giới quý tộc, tăng lữ, các giai cấp thống trị, sử dụng thuyết duy tâm để hướng con người tin vào tôn giáo, siêu hình hóa mọi chuyện. Và các sách giáo trình thường kết luận rằng "duy tâm" là một cách nghĩ sai lầm, thiếu khoa học và lạc hậu, được thay thế bằng chủ nghĩa duy vật.

Tôi xin khẳng định với các bạn, đa số con người trên trái đất này đều duy tâm, cách này hay cách khác.

Duy tâm theo "nghĩa giáo trình" là ý thức quyết định vật chất. Định nghĩa này rất mờ hồ. Không có chuyện một cục ý thức từ trên trời rơi xuống và quyết định vật chất như giáo trình đề cập. Định nghĩa này dễ làm cho sinh viên hiểu sai hay hiểu không tới bản chất của vấn đề.

Chủ nghĩa duy tâm theo cách hiểu thông thường nhất là phương pháp tiếp cận sử dụng nhiều về cảm tính, phán đoán của bản thân. Người theo chủ nghĩa duy tâm nhìn sự vật theo ý niệm chủ quan của mình. Sự vật không biến đổi nhưng đối với mỗi người với cách suy nghĩ khác nhau thì nhìn nhận sự vật khác nhau. Vì vậy, theo họ, thay đổi sự vật nghĩa là thay đổi suy nghĩ của bản thân về sự vật đó.

Ví dụ: tôi và bạn cùng đi ngang qua dinh Độc Lập, tôi thấy rằng dinh này cũng thường thôi, nhỏ thôi, không to như Nhà Trắng ở Mỹ, thậm chí không to bằng cái nhà tôi đang ở. Nhưng ngược lại, bạn thấy dinh này giống như một tòa lâu đài thực sự, mênh mông, rộng lớn bởi vì đây là lần đầu tiên bạn thấy một căn nhà to 4 mặt tiền như thế. Đó là biểu hiện rõ nét nhất của duy tâm trong đời sống hàng ngày.

Như vậy, duy tâm là sự nhìn nhận thế giới một cách chủ quan, tin vào ý thức, tin vào cảm nhận, tin vào giác quan của bản thân. Ca dao Việt Nam có câu: người đẹp trong mắt người thương chính là biểu hiện rõ nhất của duy tâm .


2. Duy vật (materialism):

Cái gì xuất hiện trước thì sẽ có cái phản đề lại nó. Đó là trường hợp của duy tâm và duy vật. Duy vật là sự phản kháng lại các ý niệm của duy tâm.

Những nhà duy vật không chấp nhận sự kiến giải của các nhà duy tâm về thế giới. Họ cho rằng không phải cái gì trên đời này con người cũng nhìn nhận một cách chủ quan như thế được. Cái trứng gà hình tròn thì con người không thể nói nó hình vuông, hình chữ nhật rồi gán cho nó "ý kiến cá nhân". Họ cho rằng sự vật trên đời này có thể nhìn nhận một cách khách quan, nghĩa là sự vật đó mọi người sẽ suy nghĩ như nhau. Họ tin rằng nếu như "mỗi người nghĩ một phách" như kiểu duy tâm thì sẽ không tồn tại những thiết chế chung như văn hóa, xã hội, đạo đức, Nhà nước, pháp luật... Văn hóa là cái chung, xã hội là cái chung, nó cần được nhìn nhận thống nhất. Đối với các nhà duy vật, tồn tại một ý niệm khách quan nghĩa là các sự vật sự việc trong cuộc đời này đều có thể được kiến giải, được con người hiểu biết như nhau thông qua khoa học.

Ví dụ: Tôi và bạn đều biết rằng không có Oxi thì con người sẽ chết, tôi và bạn đều biết rằng Trái đất quay quanh Mặt trời, tôi và bạn đều biết rằng mặt trời mọc ở phía Đông và lặn ở phía Tây... Đó là những hiểu biết chung của con người được nhìn nhận thông qua khoa học.

Như vậy, có thể chốt lại rằng, những nhà duy vật chỉ tin vào một điều: Khoa học. Mà khoa học thì lại mang tính khách quan.


3. Biện chứng:

Biện chứng, hiểu một cách nôm na, là một phương pháp nghiên cứu khoa học. Thông qua 3 giai đoạn, biện chứng giúp người nghiên cứu tiếp cận được những lý thuyết mới: chính đề, phản đề, hợp đề.

Chính đề thường là những lý thuyết được phát triển từ trước. Phản đề là sự phản kháng lại những lý thuyết được nêu trong chính đề. Khi phản đề được đưa ra, giữa chính đề và phản đề xuất hiện tranh luận. Phản đề tìm cách phủ nhận tất cả những lý thuyết của chính đề. Chính đề tìm cách bảo tồn những lý thuyết của mình. Kết quả của cuộc tranh luận này thông thường sẽ là sự thừa nhận những cái mới nhưng vẫn bảo lưu một số điểm mang tính "truyền thống", lý thuyết được hình thành từ quá trình này được gọi là hợp đề.

Tuy nhiên, hợp đề lúc này sẽ trở thành một chính đề mới và lại tiếp tục có một phản đề xuất hiện để tạo ra một hợp đề mới. Quá trình này cứ tiếp diễn, tiếp diễn không ngừng kéo theo sự ra đời của những tư tưởng, quan điểm mới. Đó là cách xã hội chúng ta đã, đang và sẽ phát triển.

Ví dụ: Phong tục tập quán là một chính đề. Phản đề xuất hiện phủ nhận những yếu tố của phong tục tập quán, gọi nó là "mê tín dị đoan", lạc hậu, cũ kĩ. Tranh luận và đấu tranh nổ ra. Cuối cùng dẫn đến 1 thỏa hiệp chấp nhận những cái mới của khoa học kĩ thuật nhưng vẫn thừa nhận những điều thuộc về "bản sắc văn hóa dân tộc". Đây là quá trình đấu tranh điển hình ở tất cả các nước, Nhật Bản thời vua Minh Trị là rõ nét nhất.

Như vậy, nếu hiểu như trên, thì duy tâm có phản đề là duy vật. Và sự đấu tranh đó cho ra 1 hợp đề duy nhất là sự kết hợp giữa duy tâm và duy vật: cuộc sống này có thể nhìn nhận bằng khoa học, nhưng vẫn để lại những thứ cho cảm quan con người. Đó chính là ý nghĩa của cuộc sống và đó mới chính là con người.:small:


4. Chủ nghĩa thực dụng (pragmatism):

Một chủ đề nữa tôi muốn chia sẻ với các bạn là chủ nghĩa thực dụng.

Người Việt Nam có định kiến rất xấu về chủ nghĩa này. "Mày thực dụng quá" là một câu chỉ trích khá cay nghiệt mà chúng ta dùng hàng ngày để chỉ những con người chỉ biết sống vì bản thân, bằng mọi giá bất chấp để đạt được mục đích. Đây là cách hiểu có phần định kiến .

Chủ nghĩa thực dụng là sự phản kháng của các nhà triết học Mỹ chống lại siêu hình học mang tính trừu tượng và vô dụng. Tôi không đi sâu vào các kiến giải của nó về "chân lý" hay "thế giới quan", tôi chỉ có thể nói rằng chủ nghĩa thực dụng chính là cách tư duy trong đó con người cố gắng tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất cho những tình huống thực tế nhất. Những người siêu hình nếu như gặp một tai nạn nào đó thường đổ lỗi cho số phận và không làm gì cả, vì họ cho rằng số mệnh họ là như thế. Nhưng những người thực dụng thì lại tìm những cách thực tế nhất để thoát khỏi tình trạng lúc này. Như vậy, bản thân chủ nghĩa thực dụng không có nghĩa là làm mọi thứ chỉ cho bản thân, có thể mục đích của người đó là tốt, là cho mọi người, nhưng chúng ta vẫn gọi họ là người thực dụng nếu như cách suy nghĩ và cách giải quyết của họ căn cứ nhiều vào thực tế. Một dự án, một kế hoạch, một đề xuất dù hay ho đến đâu cũng chưa thể thuyết phục được một người thực dụng nếu như tác giả của nó không trả lời được câu hỏi: "Nó có thực hiện được trong thực tế không?".

Như vậy, bản thân chúng ta cũng là những người thực dụng. Chúng ta chú trọng vào kết quả và tính thực tế của nó chứ không tin vào những thứ lãng mạn. Không ai trên đời này mà không mong muốn ý tưởng của mình được thực hiện trôi chảy, nhưng người lãng mạn chỉ vạch ra và để mặc cho số phận, người thực dụng thì tìm cách thúc đẩy cho ý tưởng đó trở thành thực tế.


5. Nghiên cứu khoa học:

Như vậy, có lẽ lúc này, bạn đã tìm ra cho mình câu trả lời: Đâu là phương pháp nghiên cứu khoa học tốt nhất. Tôi chỉ xin đưa ra một nhận xét của cá nhân:

"Tin vào khoa học nhưng đừng phản bội lại ý thức và cảm quan của bản thân. Gầy dựng ý tưởng riêng nhưng hãy chấp nhận những quan điểm trái chiều. Liên tục tư duy chống lại những ý tưởng cũ để tìm ra cái mới. Quan trọng hơn cả là biến những ý tưởng thành thực tiễn bằng những hành động cụ thể và thực tế. Làm được điều đó chính là giúp chúng ta phát triển bản thân và góp phần vào sự phát triển chung của xã hội."

Lê Nguyễn Duy Hậu
[9 tháng 3 năm 2009]